Chỉ cần nắm được mẹo nhỏ trong lúc sơ chế và chế biến, bạn có thể khử mùi tanh và làm dậy mùi món ngon này.
Bước 1: Ngâm rửa
Nguyên tắc ngâm rửa hải sản chính là rửa sạch 3 – 4 lần rồi ngâm nước vo gạo hoặc nước muối khoảng 10 phút. Rửa lại bằng nước sạch, để ráo trước khi nấu.
Cá biển: Bạn làm sạch cá thật kỹ, mổ bỏ lòng, mang, đánh vảy, cắt vây và làm sạch màng đen trong bụng. Cần lấy hết máu đọng ở xương sống cá, nếu không cá sẽ rất tanh.
Ốc biển: Cắt ớt, sả đập dập vào nước ngâm, để ốc nhả bùn đất. Tiếp tục ngâm với nước vo gạo, ốc sẽ nhả nhớt làm mất hẳn mùi tanh và sạch cả phần vỏ bên ngoài.
Khi luộc ốc cho lá ổi, củ sả hoặc lót thêm một ít lá chanh rồi đổ ốc lên trên, món ốc luộc sẽ có mùi vị rất thơm.
Thêm một cách nữa là bạn dùng mẻ trộn với ốc trước khi đem luộc, làm ốc nhả hết bùn và đánh bay được mùi tanh.
Tôm: Tôm không lấy hết phần chỉ đen và chất thải của tôm trên đầu sẽ có mùi khai chứ không phải tanh. Sau khi cắt bỏ râu, đuôi tôm, bạn ngâm tôm trong nước có pha muối, đường và rượu trắng sẽ bớt tanh. Làm như vậy, khi chế biến thành món ăn, tôm sẽ ngon và không tanh.
Cua: Không làm sạch cua kỹ, sẽ để lại mùi khai và tanh. Để khử mùi tanh của cua, bạn sử dụng rượu vang trắng và nước gừng.
Đập nhuyễn gừng lấy nước, khi ướp cua cứ 1 kg cua cho vào khoảng 1 thìa nước gừng hoà cùng gia vị khác. Lúc lên lửa để xào nấu cua thì cho thêm 1-2 thìa rượu vang trắng vào khử mùi tanh và làm cua dậy mùi thơm.
Mực: Bạn cho một nhúm chè khô vào chút nước lạnh. Đun sôi cho cánh chè nở ra, thả mực tươi vào luộc nhanh rồi vớt ra. Cách này giúp cho mực thơm lừng và không ra nước khi chế biến.
Ngoài ra, để mực tiết hết mùi tanh, bà nội trợ có thể ướp mực với vài giọt dầu mè hoặc ướp đường khoảng 3-5 phút. Sau đó, rửa lại thật kỹ bằng nước sạch đảm bảo không còn mùi tanh.
Nếu làm món mực xào thì lúc gần chín có thể cho thêm chút rượu. Mùi rượu sẽ khử hết mùi tanh của mực, làm món ăn ngon hơn.
Bước 2: Cho gia vị
Các loại gia vị nhà bếp như: tiêu, ớt, gừng, rau răm, hành… vừa khử hết mùi tanh và tăng hương vị cho món hải sản. Những chất có vị chua như: giấm, mẻ, chanh, khế me… cũng có tác dụng tương tự.
Khi ướp cá để chiên, nướng, bạn có thể cho rượu hoặc sữa tươi, cá sẽ dậy mùi và không tanh. Hải sản hấp luộc thì cho rượu vào giúp món ăn thơm ngon hơn.
Bước 3: Mở nắp nồi khi nấu
Khi nấu hải sản, chúng ta cần mở nắp nồi để bay bớt mùi tanh. Bởi nhiệt độ cao làm cho chất tạo mùi tanh trong thức ăn bị phân hủy.
Theo Gia đình và Xã hội
Học cô gái Sài Gòn làm lòng heo khìa nước dừa giòn giòn thơm nức
Món lòng heo khìa nước dừa có dạ dày giòn giòn, lòng và các phần khác dai mềm, ngọt thanh quyện cùng các loại gia vị khác thơm nức ai ăn cũng thích.