- Ngày 25/4, một trận động đất mạnh 7,8 độ Richter đã xảy ra tại Nepal, khiến hàng nghìn người thương vong. Hai ngày sau trận động đất, hàng loạt du khách Việt Nam vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại.
Chị Lê Kim Chi - nhà thiết kế áo cưới, con gái cố diễn viên Hồng Sơn - là một
trong 300.000 du khách nước ngoài ở Nepal khi động đất mạnh 7,9 độ Richter tấn
công khu vực nằm giữa thành phố Pokhara và thủ đô Kathmandu. Chia sẻ với
VnExpress, chị Lê Kim Chi cho biết hôm đó “là một ngày dài khủng khiếp” và tinh
thần “vẫn đang rất sốc”.
Chị Chi cùng một nhóm ba người sang Nepal du lịch từ 22/4. Hôm 25/4, cả nhóm đi
từ thủ đô Kathmandu về thành phố Pokhara để chơi trò chèo thuyền mạo hiểm.
Khoảng 11h, ngay khi họ vừa dừng lại để mặc áo phao và chuẩn bị cho chuyến hành
trình vượt sông thì động đất xảy ra. Địa điểm cả nhóm đang ở cách Kathmandu 80
km và rất gần với tâm chấn.
Kim Chi (phải) trong chuyến du lịch tại Nepal. Ảnh: Facebook Lê Kim Chi |
Trang Zing dẫn lời của Kim Chi: "Chúng tôi nhìn nhau và cảm giác như trong phút
chốc mọi người đều im lặng đứng chết trân, bàng hoàng vài giây chưa kịp hiểu
chuyện gì xảy ra thì nghe thấy quá nhiều tiếng la hét".
Mặt đất dưới chân họ rung chuyển mạnh. Ở ngọn đồi trước mặt, có hai ngôi nhà đổ
sập xuống ngay cơn chấn động đầu tiên, khói bụi bốc lên mù mịt. Theo chị Chi, có
hai cơn rung chấn nữa diễn ra cách nhau vài phút. Cả nhóm du khách Việt sau đó
lái xe về Pokhara trong tình trạng "căng như dây đàn". Chặng đường hơn 100 km có
nhiều đoạn đầy đất đá lở rất nguy hiểm. Tình trạng kẹt xe kéo dài. Dọc đường, họ
nhìn thấy người dân nằm, ngồi la liệt.
Tuy nhiên, chị Chi nhận thấy một điều rất đáng quý là dù đang trong tình cảnh
hỗn loạn, người dân Nepal vẫn giữ được ý thức văn minh. Các ôtô xếp hàng một nối
đuôi nhau, bình tĩnh chờ, không chen lấn, cướp đường.
Bà Thu Hương, mẹ của chị Lê Kim Chi, cho biết trên Zing rằng, con rể mới gọi
điện về vào trưa 26/4. "Chồng và Chi gọi điện về mấy lần chủ yếu để trấn an,
giúp tôi bớt lo lắng thôi chứ chúng nó đều an toàn cả", bà Hương nói. Theo bà
Hương, con gái và con rể hiện ở trên núi và hầu hết người dân, du khách đều tìm
cách lánh khỏi thành phố bởi khu trung tâm rất hỗn loạn.
Cũng ở cách tâm chấn 80 km, Hải Yến - một nữ sinh của Đại học FPT lại thoát chết
trong gang tấc nhờ quyết định khởi hành sớm chỉ vài tiếng. Theo lịch, lẽ ra cô
sẽ ở Kathmandu suốt cả chiều nhưng cuối cùng lại quyết định đến Pokhara sớm hơn
để leo núi.
Khi động đất xảy ra, hơn 300.000 du khách nước ngoài đang ở Nepal du lịch. Ảnh: Lek Chi. |
Nữ sinh này kể trên trang Ngôi sao rằng điều may đầu tiên của nhóm là ban đầu tất cả dự định ở lại thủ đô thêm vài tiếng đến chiều mới rời đi, nhưng sau đó lại quyết định đi đến Pokhara sớm hơn vì nơi này có những ngọn núi mà nhóm dự định sẽ leo trong chuyến du hành. Đoàn đi được khoảng 80 km thì động đất xảy ra.
Tấm ảnh lưu niệm được Yến chụp khi vừa đến Pokhara. Ảnh: Facebook nhân vật |
"Xe đang chạy thì tài xế đề xuất ghé vào một ngôi đền cầu may. Và chỉ khoảng 10
phút sau khi ra khỏi đó thì chiếc xe bắt đầu rung lắc. Mọi người trong đền chạy
tán loạn. Cáp treo ở khi vực này dừng hoạt động. Lúc này mọi người chỉ biết có
động đất nhưng không ngờ đó là thời điểm tâm chấn đang có động đất mạnh nhất",
Hải Yến kể.
Khoảng 5 phút sau khi rung lắc dữ dội, mọi thứ trở nên bình thường, nhóm tiếp
tục lên xe để đến Pokhara. Nhưng theo nhóm sinh viên, chỉ đi được một đoạn thì
thấy cảnh sụt lở dữ dội. Nhiều người dân phát hoảng chạy ra đường.
"Tài xế lo lắng dừng xe và yêu cầu cả đoàn leo xuống dưới. Lúc này tôi cảm thấy
mặt đất rung chuyển, ngọn đồi phía trước sụt lở đầy bụi đỏ, không ít tảng đá to
lăn cả xuống đường. Nghe người dân bảo chỉ vài phút trước nơi đây vừa xảy ra cơn
động đất, chúng tôi mới biết nếu không ghé vào đền thì có lẽ chúng tôi đã là nạn
nhân", nữ sinh nói.
Sau hơn 10 phút ổn định tinh thần và chờ cơn rung chuyển qua đi, xe của nhóm
sinh viên Việt Nam tiếp tục lên đường nhưng chưa ai biết thông tin về trận động
đất ở thủ đô mạnh 7,9 độ richter. Mãi đến khi gần đến Pokhara, qua radio, thông
tin này mới đến được với hành khách trên xe khiến ai nấy đều lo lắng.
"Chúng em đến Pokhara từ chiều 25/4 an toàn nhưng cả đêm qua và hôm nay thành
phố du lịch vẫn liên tục bị ảnh hưởng bởi những cơn dư chấn, cứ tầm một tiếng
lại rung lắc mấy phút. Dân chúng nháo nhào chạy hết ra đường vì sợ. Mọi người
trong đoàn cũng phải chạy mỗi khi mặt đất rung lên", Hải Yến tâm sự trên trang này.
Trong khi đó, Võ Thị Mỹ Linh, cô gái từng thoát chết sau vụ lở tuyết ở Nepal năm 2014 vừa đăng danh sách những người Việt mất tích ở Nepal trên trang Facebook cá nhân.
Võ Thị Mỹ Linh – cô gái thoát chết sau vụ lở tuyết ở Nepal 2014
|
Trước đó, Mỹ Linh cũng đã cập nhật tin tức về 6 người Việt có mặt trong doanh trại quân đội Nepal và cung cấp thông tin hướng dẫn những người có người thân và bạn bè người Việt mất tích ở Nepal cách tìm người thân.
1. Trong trường hợp khẩn cấp (bị thương hoặc tính mạng bị đe dọa) liên hệ số điện thoại cứu hộ của Nepal: +977 422 84 35
2. Chỉ dẫn bạn bè hoặc người thân bị kẹt không biết làm sao thì liên hệ với chị
BảoBao Saru– người Việt sống tại Nepal +977-9818-441-441 hoặc chị gái chị Bảo – (977-980-398-4247) hoặc chồng chị Bảo 977-980-204-3330. Các bạn có thể thông báo với người thân, bạn bè bị kẹt tìm đến Pho 99 Jhamshilkel nếu cần giúp đỡ hoặc chỗ ăn uống.
3. Việt Nam không có ĐSQ ở Nepal, vì vậy, mọi người có thể liên hệ số anh Tuấn, đang công tác ở ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ nếu cần trợ giúp: +91 99 71 288818 hoặc chị Hằng - Lãnh sự +91 9716 793 097
4. Chỉ dẫn người thân đến ĐSQ Ấn Độ ở Nepal nhờ trợ giúp hoặc nhờ họ liên lạc với ĐSQ Việt Nam ở Delhi. Số điện thoại liên hệ khẩn cấp của sứ quán Ấn Độ tại Nepal là:+9779851107021. Đại sứ quán Ấn Độ sẽ giúp sơ tán công dân Việt Nam về nước.
5. Vào Facebook Vietnam Embassy New Delhi để liên hệ và gửi thông tin về e-mail:
6. Vào để lại thông tin ở link này:
https://google.org/personfinder/2015-nepal-earthquake
Ngày 26.4, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Bangladesh cho biết hiện chưa có thông tin về công dân Việt Nam bị thương vong và đang tiếp tục khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại sở tại và tại Nepal theo dõi sát, tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến công dân Việt Nam. Để Bộ Ngoại giao có thể kịp thời hỗ trợ, xin đề nghị các gia đình có người thân đang ở Nepal hoặc những ai có thông tin về công dân Việt Nam có thể là nạn nhân của vụ động đất thông báo ngay theo số điện thoại đường dây nóng phục vụ công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài (+84981848484 và+84462844844) hoặc đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ (+911126879852) và đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh (+88029854052).” |
Thu An (Tổng hợp)