Em 37 tuổi. Cách đây hai năm em có một cuộc sống vô tư, có công việc với mức lương sống thoải mái. Năm 2011, chị em sống ở Úc giới thiệu với em một người Úc, lớn hơn em 12 tuổi.
Mọi người thúc hối em lập gia đình với anh ấy vì tuổi em đã lớn, anh lại hiền lành, tỏ ra yêu thương, quý trọng em, yêu thích văn hóa Việt. Đến năm 2013 em sang Úc định cư, thành vợ anh. Lúc này, sự thật phũ phàng mới phơi bày. Anh đã có gia đình và hai con, ly hôn đã hai mươi năm, không còn liên lạc với vợ cũ và con cái. Anh lại bị bất lực, mỗi khi không quan hệ được thì cư xử như người điên, muốn quan hệ phải chích thuốc. Anh sống bê bối, đến vệ sinh cá nhân cũng không buồn quan tâm.
Tệ hại hơn là anh ta không hề yêu thương, tôn trọng em mà chỉ muốn cưới vợ về để phục vụ cơm nước, giặt giũ như ô sin. Trong suy nghĩ của anh, người Việt Nam mình vẫn đói rách, thiếu ăn thiếu mặc, được qua Úc sống là may mắn lắm rồi. Anh ta còn miệt thị người Việt “toàn rác rưởi”. Thỉnh thoảng không vui, anh đòi mua vé đuổi em về Việt Nam. Vỡ mộng trước bản chất của chồng, em bị stress nặng, phải đi bác sĩ tâm lý mỗi tuần. Đã vậy, em lại sai lầm khi để mang thai, giờ đã đến tháng thứ tám. Từ khi em có bầu, anh chẳng thèm ngó ngàng gì, em mệt phải nhịn đói, đến khi khỏe lại thì tự nấu ăn.
Hiện anh chỉ sống bằng tiền trợ cấp của chính phủ, chẳng thèm làm việc. Em sống với anh thì ăn uống, điện nước anh lo, em muốn xài riêng phải dùng tiền em để dành khi còn đi làm ở Việt Nam. Chị ơi, sống ngột ngạt như thế này, em phải làm sao?
Thanh Ngọc (Úc)
Em Ngọc mến,
Cuộc sống chung của em với người chồng như thế đúng là bế tắc, khó lòng mà tiếp tục. Rõ ràng anh ta đã giả dối, đeo mặt nạ lừa gạt để cưới được em. Anh ta không những chẳng yêu thương em mà còn coi thường. Tuy nhiên, em đang mang thai sắp sinh, Hạnh Dung thành thật khuyên em trước mắt nên cố ngậm đắng nuốt cay sống yên thêm một thời gian nữa để sinh nở cho mẹ con cứng cáp rồi hãy tính.
Trong khoảng thời gian này, em hãy xem xét mọi giải pháp cho cuộc sống của hai mẹ con sau ly hôn, bởi ly hôn là điều em nên tính tới. Sống với một người chồng chỉ xem mình là ô sin, không xem trọng người Việt mình thì không thể chấp nhận được.
Sau ly hôn, nếu em muốn ở lại Úc, hãy tính xem mình có nhận được trợ cấp của chính phủ không, chị em có thể giúp được gì cho em, có thể bảo bọc em cho đến khi khỏe mạnh, hội nhập và đi làm tự kiếm sống được không? Nếu con đường đó bế tắc, em nên quay về Việt Nam, vì dù sao ở quê hương em vẫn có gia đình để nương tựa trong cảnh một mẹ, một con thơ.
Trước đây em đã tự lập được thì giờ hãy tự tin là mình có thể nuôi con khôn lớn. Hãy xem chuyện đã qua như một cơn ác mộng mà làm lại từ đầu. Mạnh mẽ lên em nhé, vì hiện em không chỉ sống cho mình mà còn cho đứa con sắp ra đời.
(Theo Phunuonline.com)