Huyền quen Tùng khi đi ôn thi đại học trên thị xã. Khi ấy, cô mới 17, xinh gái, cao ráo và biết chưng diện. Còn Tùng, hơn cô 4 tuổi, chưa có việc làm ổn định, không quá đẹp mã nhưng được cái nói câu nào câu nấy như rót mật vào tai. Với một cô gái chưa va chạm với đời, Huyền nhanh chóng phải lòng Tùng chỉ sau vài buổi hẹn hò cà phê.
Biết chuyện, bố mẹ Huyền ra sức phản đối. Một mặt vì cô còn đang đi học, nhưng hơn cả, gia đình Tùng khá "tiếng tăm". Nhà Tùng chỉ cách nhà bác của Huyền vài bước chân nên những "thành tích bất hảo" của Tùng và gia đình đều chẳng phải điều gì xa lạ. Tuy nhiên, vốn tính ương bướng, Huyền bỏ ngoài tai mọi lời từ khuyên răn đến dọa nạt, bỏ nhà bỏ học theo Tùng sống dạt 1 tuần. Bố mẹ cô phải dỗ ngon ngọt mãi mới lôi được con gái về. Nhưng điều khiến ông bà đau lòng hơn đó là 4 tháng sau, Huyền thông báo cô có thai. Vậy là, vừa thi tốt nghiệp được vài ngày, còn không biết đỗ hay trượt, cô lên xe hoa và thành vợ Tùng giữa những ngày tháng 6 nóng như đổ lửa.
Những ngày đầu làm dâu, làm vợ, Tùng vẫn rất chiều chuộng Huyền khiến cô vênh mặt với lũ bạn đang mải miết ôn thi đại học. Thế nhưng, vốn quen được bố mẹ chăm sóc, không phải động chân động tay vào việc gì, Huyền khiến mẹ chồng khó chịu và 2 bên lời qua tiếng lại. Bênh mẹ, Tùng bộc lộ rõ bản chất cục tính vũ phu, mặc cho vợ bầu bí, anh ta thẳng tay cho cô một cái tát hằn rõ năm ngón lên má vì dám cãi lại mẹ con anh.
Sau khi sinh con, Huyền chính thức bước vào những ngày tủi nhục mà cô chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ phải chịu đựng. Bố mẹ cô cho ít vốn để mở một cửa hàng quần áo ngay tại nhà chồng. Thế nhưng tính lười biếng, cả Huyền và Tùng đều không chí thú làm ăn. Trong khi Huyền ôm con ngủ tới trưa mới dậy thì Tùng lại hay đi cờ bạc thâu đêm. Mở cửa hàng được vài tháng, ế ẩm, Huyền quyết định chuyển sang buôn mỹ phẩm. Nhưng mới được mấy hôm thì chủ nợ đến xiết nhà của bố mẹ Tùng, Huyền bỗng nhiên mất luôn cửa hàng. Tiền không có, lại hay bị nhà chồng xỉa xói là chỉ biết ăn và ngủ, Huyền ấm ức ôm con ra bến xe buýt bắt xe về bố mẹ đẻ. Nhưng chưa kịp lên xe, cô bị Tùng ra tận nơi túm tóc lôi về, mặc cho đứa con mới mấy tháng hoảng sợ khóc ầm lên. Kết quả của lần đó không kể ai cũng biết bởi những vết bầm tím trên mặt Huyền nói lên tất cả.
Mỗi lần nghĩ lại những tháng ngày còn bồng bột, cô vẫn luôn tự trách mình là "cá không ăn muối cá ươn" (Ảnh minh họa). |
Một lần khác, vợ chồng đánh chửi nhau, Huyền lại ôm con về ngoại. Tùng không thèm đi đón, cũng không có lấy cuộc điện thoại cho bố mẹ vợ. Cực chẳng đã, bố Huyền phải đưa con và cháu về nhà chồng và xin lỗi nhà thông gia, mặc dù ông biết lỗi cũng có phần của bên nhà con rể.
Lấy nhau được 5 năm, Huyền và Tùng vẫn chẳng có gì trong tay. Con thì đến tuổi vào tiểu học, hai vợ chồng lại lười biếng và thích ăn chơi, Tùng và Huyền đánh liều vay nặng lãi mở cửa hàng cầm đồ. Công việc làm ăn không vất vả gì, lại thu lãi cao, có tiền ngay, cả hai cùng ham nên lao vào nhận cầm cố không biết bao nhiêu tài sản trộm cắp.
Trong một lần điều tra theo đơn trình báo mất cắp xe máy của người dân, công an đã lần ra đầu mối chuyên tiêu thụ tài sản trộm cắp là cửa hàng cầm đồ của Tùng. Tùng và Huyền bị cơ quan công an lập biên bản do tiêu thụ tài sản trộm cắp. Tiền mất trắng lại vướng phải án cải tạo không giam giữ. Trong cơn cùng quẫn vì bị phá sản, lại bị chủ nợ liên tục đe dọa đòi tiền, Tùng quay sang hết đay nghiến vợ vô tích sự, ăn hại, chẳng được việc gì, rồi đánh tiếng chỉ trích: "Đã lấy con vợ không ra gì, lại được bố mẹ vợ vô tâm. Biết con cái hoạn nạn mà ngó lơ chẳng thèm giúp đỡ. Người dưng cũng không bạc bẽo vậy".
Huyền ngậm đắng nuốt cay nghe những lời điều tiếng từ chồng, lòng ngổn ngang trăm mối, vừa nơm nớp vì chủ nợ suốt ngày rình rập đe dọa hai mẹ con, vừa chán nản người chồng ngày đêm hành hạ tinh thần, giận cá chém thớt, hơi tí là ném bát đập đĩa. Đã thế, bố mẹ chồng còn vào hùa với chồng cô, ép Huyền vào thế đường cùng: "Người ta còn vợ đi tù thay chồng. Đây chắc định để chồng chết vì bị siết nợ đấy thôi. Chủ nợ nó hẹn cho hai ngày nữa đấy, 1 là cô nhờ bố mẹ thu xếp tiền lo cho chồng, 2 là cả cái nhà này cuốn gói ra đường đi ăn mày hết". Cực chẳng đã, cô muối mặt về quỳ xuống trước mặt bố mẹ đẻ, kể lại mọi việc và xin ông bà giúp đỡ. Khổ thân bố mẹ cô, từ ngày gả con gái đi, chưa một lần ông bà được sống vui vẻ. Huyền bỗng nhận ra, tóc bố cô đã bạc hết từ bao giờ, còn mẹ cô khoé mắt đã đầy nếp nhăn.
Lần đó, bố mẹ Huyền phải chạy vạy vay mượn họ hàng để đưa tiền cho nhà thông gia. Ngay sau khi lo đủ tiền trả nợ cho chồng, mẹ con Huyền về ngoại ở hẳn. Cô quyết làm đơn li dị và tránh xa gia đình bội bạc đó. Dù bố mẹ chồng cũng chửi bới và đòi giữ lại đứa cháu đích tôn nhưng may cho Huyền, với tình trạng của Tùng như vậy nên cô dễ dàng giành được quyền nuôi con. Sau biến cố lớn đó, Huyền đã hiểu ra được nhiều điều. Cô mở một cửa hàng tạp hoá nhỏ tại chính nhà bố mẹ mình, chăm chỉ làm ăn và nuôi con. Mỗi lần nghĩ lại những tháng ngày còn bồng bột, cô vẫn luôn tự trách mình là "cá không ăn muối cá ươn". Nếu cô nghe lời bố mẹ mà không ăn chơi đua đòi và tránh xa Tùng, đời cô có lẽ đã tươi sáng hơn.
(Theo Trí Thức Trẻ)