Tính tổng lương hai vợ chồng chị mỗi tháng tầm 17 triệu/tháng. Tuy nhiên, so với một gia đình có một con nhỏ, thì mức thu nhập như thế cũng gọi là tạm ổn.
Việc chi tiêu hợp lý cho một gia đình nhỏ là vấn đề nan giải không phải của riêng ai mà của toàn thể chị em phụ nữ. Cũng như bao người khác chị T.T.L (Phạm Tuấn Tài) sau khi hạch toán lại kế hoạch chi tiêu cho cả gia đình, rút ra kết luận “Thiếu đủ hay không tùy thuộc vào nhu cầu mỗi gia đình. Nếu mình khéo lo mọi thứ sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Quan trọng là có một người chồng hiểu và không bao giờ cằn nhằn về cách chi tiêu của bạn”.
Thời đại bão giá, mọi thứ dường như đắt đỏ hơn với các gia đình. May mắn hơn những cặp vợ chồng khác, chị T.L thuê được một căn hộ xinh xắn, khép kín mà giá chỉ 2 triệu đồng. Nếu tính cả điện nước cũng chỉ tầm 2,2 triệu/tháng. Chị vốn là một giáo viên, còn chồng làm nhân viên hành chính. Tính tổng lương hai vợ chồng chị mỗi tháng khoảng 17- 20 triệu/tháng. Tuy nhiên, so với một gia đình có một con nhỏ, thì mức thu nhập như thế cũng gọi là tạm ổn.
Nếu như nhiều người kêu rằng “Số tiền đó không đủ chi tiêu cho gia đình tôi”, thì chị T.L ngược lại “gần như là đủ chi tiêu, có một chút dư giả”. Hãy cùng tìm hiểu xem kế hoạch chi tiêu của gia đình chị T.L để rõ hơn điều đó.
Hình ảnh gia đình hạnh phúc của chị T.L |
Bảng kế hoạch chi tiêu:
Thuê nhà: 2 triệu/tháng
Sữa, bỉm: 2 triệu/tháng
Tiền ăn của bé: 1 triệu/tháng
Bố mẹ: 2 triệu/tháng
Tiền xăng xe: 1 triệu/tháng
Tiền cưới, hỏi, sinh nhật, các khoản phát sinh: 2 triệu/tháng
Tiền cho con trẻ vui chơi, dã ngoại: 1 triệu/tháng
Tổng chi: 11 triệu/tháng
Như vậy là số tiền gia đình chị chi tiêu không “vượt ngưỡng” số tiền chị đã tính toán từ trước.
“Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”
Câu ngạn ngữ ấy có lẽ được cha ông ta tổng kết từ xưa lắm. Nhưng đó lại là một chân lý với muôn đời với tất cả mọi người trong xã hội. Cũng theo chị T.L một gia đình dẫu có thu nhập hàng chục triệu/tháng nhưng nếu người vợ không biết chi tiêu có kế hoạch, không tiết chế được nhu cầu xa xỉ, và hay “vung tay quá trán” thì dẫu có bao nhiêu cũng chẳng đủ.
“Theo mình, một gia đình biết chi tiêu đúng mức, biết tiết kiệm trong mọi hoàn cảnh thì dù kinh tế có eo hẹp tới mấy, thu nhập khiêm tốn bao nhiêu cũng không thể thiếu trước hụt sau được. Họ sẽ luôn cảm thấy mình đầy đủ, hạnh phúc”- người phụ nữ này chia sẻ.
Chị T.L cũng kể rằng, nhiều người bạn của chị rất khéo chi tiêu. Khi lương hai vợ chồng có 10 triệu/tháng vẫn đủ xài cho gia đình nhỏ có một đứa con. Theo chị chia sẻ, muốn thực hiện được chân lý “Khéo ăn thì no” vẫn phải có đầu óc trong chi tiêu. Chẳng hạn việc mua thức ăn, chị em có thể chịu khó dậy sớm lúc 5-6h sáng ra chợ đầu mối chọn mua được thực phẩm tươi, chất lượng hơn giá cả lại hợp lý. Với những người đi chợ xa, có thể đi một ngày mua thức ăn dự trữ cho cả tuần.
“Mình cũng thường xuyên đi chợ đầu mối để chọn mua thực phẩm. Nói thật giá thực phẩm ở chợ đầu mối chị bằng 2/3, thậm chí là ½ so với mức bán ở các chợ lớn, gần nhà trung tâm thành phố. Nếu ai biết chọn còn chọn được thực phẩm tươi rẻ. Mà ai cũng biết đó, nhiều người buôn bán cũng chọn thực phẩm từ đây để mang đến các chợ khác phân phối lại mà thôi”- chị T.L cười.
Ngoài những khoản chi cơ bản, còn những khoản chi phát sinh cho các hoạt động vui chơi của con trẻ. |
Chồng chị rất hài lòng về cách chi tiêu của vợ nên anh cũng không có gì phàn nàn, thậm chí tin tưởng chị là người vợ biết cách chi tiêu hợp lý.
“Mình nghĩ vợ mình như thế là đảm đang và khéo chi tiêu rồi. Với số tiền hiện tại, nhiều bạn bè mình vẫn kêu không đủ chi tiêu. Về cơ bản họ chuộng xe ga, hàng hiệu, nhưng mình nghĩ những thứ đó quả thật tùy vào nhu cầu mỗi người. Còn mình, hiện tại mục tiêu vẫn là ăn no, mặc ấm, tích cóp lo cho tương lai các con”- Anh chia sẻ.
Thu nhập 17 triệu/tháng vẫn có tiền gửi tiết kiệm
Với số lương mỗi tháng gia đình chị T.L vẫn có một khoản nhỏ gửi tiết kiệm và dành cho gia đình những chuyến du lịch ngắn ngày trong tháng. Theo anh chị, mỗi cặp gia đình trẻ trong thời điểm hiện tại rất cần phải có một quỹ tiết kiệm riêng. Số tiền tiết kiệm ấy sẽ rất có ích cho những kế hoạch phát sinh như mua sắm, dành tiền mua nhà, sắm sửa cho con cái một phòng riêng theo đúng sở thích,…
Nguyên tắc cho việc tiết kiệm là không được rút ra chi tiêu hàng tháng. Bởi việc rút sổ tiết kiệm ra chi tiêu sẽ ảnh hưởng tới quá trình tích lũy. Theo chồng chị T.L “Mỗi tháng như thời điểm hiện tại, mình chỉ góp được một khoản từ 3-7 triệu, nhưng vẫn xác định rằng số tiền này sẽ được dùng cho những việc trọng đại trong tương lai”.
(Theo NĐT)