Cháo canh có mặt gần như khắp các vùng phía bắc miền Trung, đặc biệt là Quảng Trị, Quảng Bình. Nhưng bát cháo canh quê hương Ba Đồn, phía Bắc sông Gianh lại khác. Cháo không nấu từ tôm, cá lóc, hay nguồn cá nước ngọt, mà bát cháo dậy khói từ con cá Biển Đông.

Một người bạn ở Quảng Trạch rủ chúng tôi về chơi, mỗi bận ghé thăm vùng đất có Đèo Ngang là mỗi lần lạ lẫm với món cháo canh Ba Đồn. Từ mấy trăm năm trước, món cháo có cả một câu chuyện truyền khẩu nhớ thương lứa đôi.

{keywords}

Sợi cháo làm từ bột gạo nấu với cá biển có hương vị thơm ngọt, mặn mòi của biển khơi.

Bát cháo của mối tình bên sông

Chuyện kể rằng, một bữa mùa đông, khi đàng Trong đàng Ngoài còn phân tranh, dòng sông Gianh là giới tuyến. Một người lính canh đồn bên mô đất sông Gianh của nhà Trịnh đã ngã lòng với một người con gái phía bờ Nam nhà Nguyễn. Người con gái vốn con nhà của một thuyền ngư dân đánh bắt trên biển, tuy là chia giới tuyến, nhưng buôn bán hoặc đánh bắt vẫn cứ giao thoa nhau. Phía Nam sông Gianh có món cháo canh vẫn thường đưa về bán cho các đồn ở bờ Bắc. Lính lệ vừa ăn vừa thổi trên những chiếc thuyền nhỏ ven trảng cát, phải ăn vội vàng vì sợ quan cai phát hiện mua đồ phía nam, sợ lệnh trên phạt nặng vì lơ là canh phòng.

Nhưng “sương khói” của bát cháo cứ quấn lấy lòng người phía bắc, rồi một lính canh đã phải lòng người con gái bán cháo canh rày đây mai đó trên sông. Và rồi họ cũng ở với nhau, nhưng khi biết chuyện, họ lại bị cấm thuỷ chung, người đàng Trong không được cưới người đàng Ngoài. Khóc hết nước mắt, đôi trai gái ở miền thảo dã biên thuỳ chỉ xin cùng ở lại phía Bắc một đêm. Cũng vì nghĩa tình, cai lính đã cho phép cô gái thả neo phía ngoài đồn, đêm đó thuyền nổi lửa to hơn thường lệ. Thì ra cô gái nấu một nồi cháo thật lớn để đãi cả đồn lính canh. Món cháo cô thường nấu là cá từ sông Gianh đánh bắt được, nhưng hôm đó, cô suy nghĩ thoáng qua, nấu cháo cá của dòng sông này, lỡ ai hỏi bắt cá phía nào cũng…khó nói. Vậy nên cô đã mua cá biển của ngư dân đánh bắt từ phía biển để nấu cháo buổi chia ly.

Bữa sáng, chị dọn những bát cháo trên mẹt lá, mời những người lính phía đồn của chúa Trịnh bên mô đất sông Gianh. Họ xì xụp ăn, cái vị lạ, nồng thơm mùi biển, có người hỏi, sao không thấy cá sông Gianh; có người hỏi, cá biển bắt đàng Trong hay Ngoài? Người con gái vô danh ấy nói: “Cá ở biển thì làm sao phân biệt được đâu là Trong là Ngoài được. Cá đều của biển quê cha đất tổ. Mời các thầy đội cùng ăn”. Không ngờ câu nói đó, những người lính quý thương tấm lòng, đã xin cho người con gái phía đàng Trong làm dâu người lính canh phải lòng, nhưng chỉ với một điều kiện, anh phải giải ngũ. Từ đó, họ về phía sau, mở món cháo canh bán cho những người đi chợ tụ hội về Ba Đồn.

Cháo canh của người… du mục

Thật ra cháo canh Ba Đồn của ngày xưa vẫn không khác ngày nay là mấy. Đó là món ăn rất dân dã, không hề cầu kỳ, chỉ khác xưa không nêm nếm bột ngọt mà bằng ruốc biển. Mấy trăm năm món cháo tồn tại xứ Ba Đồn đều nấu từ con cá biển như cá nục, cá trích, cá ngừ, cá thu, cá ngứa, cá chim...đều ngon ngọt đậm đà. Nước dùng được hầm từ xương cá, cá luộc rồi vẽ thịt cho vào bát. Sợi cháo làm từ bột gạo, dùng ống tre dằn đều, cắt sợi cho vào nồi nước dùng đang sôi, chín tới, bỏ hành tiêu, nén múc ra bát; khói lên thơm, vị cháo canh ngọt đáo để. Kiểu nấu này ngày nay miệt Nam, Nam Trung bộ gọi là bánh canh.

Ba Đồn xưa là vùng chinh chiến liên miên của mấy trăm năm phân tranh, nên món này còn được truyền như bát cháo canh du mục. Cháo canh Ba Đồn bán từ sớm ở góc chợ bò, chợ phiên, thu hút thực khách khắp vùng hoặc cho những ai đi Bắc vào Nam đều ghé lại thưởng thức. Vậy, mà tính “du mục” của nó như không mất đi. Dù đã sang thế kỷ 21, nhưng chốn ngồi ăn bát cháo ở Ba Đồn vẫn y như chỗ ngồi của trăm năm trước. Bàn ăn đơn giản, băng ghế dài làm thượt, người địa phương gọi là đòn bào, ghế dài có khi cả hai mét, cứ vài ba người tụ lại, không quen biết nhau ngồi một băng, cứ ngồi vào là người bán bưng ra. Ăn bát cháo gốc gác vùng đất này mới biết người bản địa tài hoa lịm hồn trong cách dùng các loại cá biển nấu cháo, nó không gây tanh mà thơm ngon lạ thường bởi cách hấp cá...

Ngày nay, những ngư dân ven biển Quảng Trạch không chỉ đánh bắt vùng lộng mà còn đóng thuyền lớn đánh cá ở Hoàng Sa, người Ba Đồn lại có thêm phong vị món cháo cá biển Hoàng Sa. Anh bạn tôi vẫn thường mua cá đánh bắt từ những thuyền đi Hoàng Sa về đãi khách. Bưng bát cháo lên giữa chộn rộn cuộc sống hôm nay, vẫn nhớ vô cùng bao sức lực tiều ngư sớm hôm chống chọi bất trắc để đưa về phía bờ hương vị biển cả quê nhà.

(Theo SGTT)