Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM đang đi công tác tại Phú Yên, đã hủy kế hoạch tham quan được địa phương sắp xếp trước đó để phẫu thuật cứu sống một trẻ sơ sinh bị dị tật mà gia đình quyết định để… chờ chết.

Chiều 10-5, nằm trong lồng ấp ở khoa sơ sinh và hồi sức sơ sinh của Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Yên, cháu trai Lê Hoàng Kim, bảy ngày tuổi, da thịt hồng hào, huơ tay đạp chân trông khá khỏe. Ít người biết rằng nếu không có các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 2 “ra tay” cấp tốc vào trưa hôm trước, có lẽ giờ đây cháu Kim đã không còn…

Tuyệt vọng

Chiều 10-5, gương mặt của ông Lê Hữu Tân (50 tuổi, ở P.4, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), ông nội cháu Kim, tràn đầy hạnh phúc khi đứng bên ngoài hành lang nhìn vào khu vực cách ly nơi đang chăm sóc cháu bé, được các bác sĩ thông báo tình trạng của cháu đã tạm ổn, các chức năng sống bình thường.

Ông Tân kể, chiều 4-5, con dâu ông là chị Đặng Thị Ngọc Lệ, 29 tuổi, được gia đình đưa đến Bệnh viện Sản nhi Phú Yên để mổ sinh cháu Kim. “Khi cháu ra đời, nặng 3,2kg, cả nhà tôi mừng lắm. Thế nhưng mãi đến chiều hôm sau, chúng tôi mới tá hỏa khi kiểm tra thấy cháu không có hậu môn và từ khi sinh ra cháu không bú được sữa. Hỏi các cô y tá thì được biết là bệnh viện không đủ điều kiện để phẫu thuật cho cháu, khi đó cũng đã chiều tối và đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, nên vợ chồng tôi tự ẵm cháu lên xe đò đi thẳng vô một bệnh viện ở TP.HCM với hy vọng họ cứu được cháu” - ông Tân kể.

Thế nhưng, ông Tân nói, sau khi làm các xét nghiệm, bệnh viện này thông báo với gia đình cháu Kim mắc bệnh tim bẩm sinh, nghi có hội chứng Down, suy thận cấp, hạ canxi máu, nhiễm trùng máu…

Dù đề nghị gia đình nên để cháu bé được phẫu thuật, song bệnh viện này cũng cho ông Tân biết với tình trạng đa dị tật bẩm sinh như vậy cháu Kim khó có thể sống hoặc nếu sống cũng khó khỏe mạnh.

“Vợ chồng tôi thức suốt đêm 6-5, rồi cả ngày 7-5 ứa nước mắt nhìn đứa cháu không ăn uống được vì không có nơi để thải ra, bụng chướng dần lên, hơi thở yếu đi… Sau khi hội ý với ba cháu, chúng tôi tuyệt vọng mang cháu về nhà” - ông Tân nói.

Sáng 8-5, cảm thấy có chuyện không lành, chị Lệ khóc lóc đòi được gặp con thì cũng vừa lúc vợ chồng ông Tân đưa cháu từ TP.HCM về đến.

Giật lại sự sống

Sáng 9-5, cháu Kim được chuyển đến khoa sơ sinh và hồi sức sơ sinh. Bác sĩ Đặng Văn Phát - trưởng khoa này - cho biết: “Khi cháu đến đây thì chúng tôi cũng nghĩ chăm sóc được gì thì được, chứ không hi vọng gì vì bệnh viện chưa đủ điều kiện để mở hậu môn tạm cho trường hợp trẻ sơ sinh. May mắn là chỉ vài chục phút sau, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 2 đến khoa để khảo sát và điều kỳ diệu đã đến với cháu Kim”.

TS.BS Trương Quang Định nhớ lại: “Khi nghe báo cáo trường hợp cháu Kim, chúng tôi vội đến kiểm tra và thấy rằng đứa bé phải được cứu ngay. Những bệnh lý hiện tại có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cháu sau này, nhưng không thể để một đứa trẻ đang sống như thế phải chết đi trong khi chúng tôi đủ sức để cứu cháu. Không ai được phép tước đoạt mạng sống của cháu bé”.

Bác sĩ Định cùng ba bác sĩ của đoàn đến từ Bệnh viện Nhi Đồng 2 là Nguyễn Thị Thanh Phương (gây mê), Phạm Ngọc Thạch (phẫu thuật) và Võ Quốc Bảo (hồi sức) đã hội ý nhanh và quyết định sẽ phẫu thuật cứu cháu Kim nếu gia đình đồng ý.

“Thế nhưng, gia đình cháu trù trừ không đồng ý, vì họ nói là đã đến bệnh viện ở TP.HCM rồi, cháu yếu quá rồi nếu phẫu thuật thì cháu mất trong đau đớn… Chúng tôi và cả các bác sĩ ở Bệnh viện Sản nhi Phú Yên phải thuyết phục khá lâu, rằng bệnh tim của cháu có thể tự khỏi khi cháu lớn lên hoặc nếu không khỏi thì việc can thiệp cũng không khó; hội chứng Down thì cần phải kiểm tra nhiễm sắc thể mới biết chính xác, còn nhìn bề ngoài thì cháu nếu có bị cũng rất nhẹ; còn việc cháu không hậu môn thì chúng tôi xử lý trong tầm tay… Gần cả giờ đồng hồ sau, ông bà của cháu bé mới chịu ký cam kết phẫu thuật cho cháu” - BS Định kể.

Khó khăn tiếp nối là Bệnh viện Sản nhi Phú Yên không có phòng, dụng cụ… để phẫu thuật cho trẻ sơ sinh. Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 2 phải dùng phòng phẫu thuật và cả dụng cụ phẫu thuật, gây mê của khoa sản để thực hiện ca mổ cho cháu Kim.

{keywords}

Các bác sĩ trong ca phẫu thuật.

Từ 10g đến gần 12g ngày 9-5, lẽ ra thời điểm đó các bác sĩ đi chỉ đạo tuyến được chiêm ngưỡng các danh thắng của Phú Yên như kế hoạch địa phương đã sắp xếp, nhưng họ đã khoác lên người bộ đồng phục xanh, quên ăn uống để đứng trong phòng mổ, giành lại sự sống cho cháu bé mới mấy ngày tuổi… “Bỏ một cuộc đi chơi nhưng cứu được một mạng người, chúng tôi thấy mình hạnh phúc tràn trề. Thay vì post hình ảnh chúng tôi tươi cười bên danh thắng Gành Đá Dĩa của Phú Yên, tôi đã post lên facebook của mình hình ảnh về cháu Kim đã được cứu sống” - bác sĩ Trương Quang Định nói.

Trăn trở sau niềm vui

Hai ngày qua, đi đến đâu trong Bệnh viện Sản nhi Phú Yên cũng nghe người ta bàn tán về chuyện của cháu Kim. Hầu như ai nghe chuyện xong cũng thốt lên: “Thằng nhỏ đó số quá lớn!”, “Các bác sĩ trong Sài Gòn ra đúng là “lương y như từ mẫu”!”. Cả gia đình ông Lê Hữu Tân nghe ai hỏi thăm cháu bé cũng chực sẵn nước mắt để khóc vì hạnh phúc. “Tôi không thể tin là thằng nhỏ sống được, khá khỏe như bây giờ. Ơn của các bác sĩ giành lại cuộc sống cho cháu, gia đình tôi không biết nói sao cho hết” - bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc, bà nội cháu Kim, thổn thức.

{keywords}

Cháu Lê Hoàng Kim đã tạm ổn định sau khi được phẫu thuật, đang được chăm sóc trong lồng kính ở khoa sơ sinh và hồi sức Bệnh viện Sản nhi Phú Yên.

Bác sĩ Nguyễn Thị Mười - phó giám đốc Bệnh viện Sản nhi Phú Yên - bộc bạch: “Mục đích chuyến công tác của các bác sĩ tuyến trên là đến khảo sát các khoa phòng của bệnh viện chúng tôi để có hướng chỉ đạo cho thời gian sắp tới. Chuyện phẫu thuật để cứu cháu Kim không hề có trong kế hoạch, nhưng vì tình người và trách nhiệm của người thầy thuốc, các anh chị ấy đã kiên trì thuyết phục người nhà của cháu và ngay sau đó đã trực tiếp phẫu thuật để cứu sống cháu. Là đồng nghiệp, chúng tôi rất thán phục cả tâm lẫn tài của đoàn công tác Bệnh viện Nhi Đồng 2” - bà Mười nói.

Trong khi đó, bác sĩ Đặng Văn Phát nói: “Nhờ có ca phẫu thuật này, các bác sĩ và kỹ thuật viên ở Bệnh viện Sản nhi Phú Yên đã học được rất nhiều điều từ các đồng nghiệp tuyến trên về phẫu thuật sơ sinh”.

Chiều ngày 10-5, nghe chúng tôi thông tin cháu Kim đã tạm ổn, uống được sữa và bài tiết tốt, TS.BS Trương Quang Định không giấu được niềm vui. “Như thế là tốt rồi, tôi rất hi vọng là cháu sẽ chóng khỏe. Khi cháu đạt cân nặng 5kg, chúng tôi sẽ phẫu thuật để tạo hình hậu môn bình thường cho cháu. Các loại bệnh lý khác của cháu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 sẽ đảm nhận điều trị miễn phí”.

Tuy nhiên, ông Định cũng còn nhiều trăn trở. “Nếu chúng tôi không tình cờ biết và xử lý, thì chắc những trường hợp tương tự như cháu Lê Hoàng Kim sẽ có kết thúc rất buồn. Kiến thức về y học của người dân chưa cao, nếu các bệnh viện không giải thích và tư vấn kỹ cho họ thì những kết thúc buồn như vậy rất dễ xảy ra. Chúng ta cần phải có một quy định nào đó để các bệnh viện có quyền can thiệp xử lý những trường hợp bệnh nặng nhưng “còn nước còn tát”, không để xảy ra tình trạng gia đình quyết định rồi dẫn đến những cái chết oan. Tôi cũng trăn trở là nếu như các bệnh viện tuyến tỉnh, như Bệnh viện Sản nhi Phú Yên chẳng hạn, được đầu tư tốt hơn về trang thiết bị và nhân lực, thì hẳn nhiều trường hợp như cháu Kim đã được cứu sống”.

(Theo Tuổi trẻ)