- Cũng như bao cô gái khác, tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định, tôi xây dựng gia đình. Vợ chồng tôi đều là trí thức, có tư tưởng cởi mở, rất ghét những quan niệm phong kiến, cổ hủ, những suy nghĩ cực đoan, nhất là chuyện phân biệt con trai, con gái.
Ngày ấy cách đây hơn hai mươi năm chưa có siêu âm nên khi có thai không biết là con gì. Những người có kinh nghiệm chỉ nhìn bụng bầu mà đoán. Người ta bảo nếu bụng to tròn, kềnh càng và nặng nề thì đó là con gái, còn bụng nhọn, gọn gàng thì đó là con trai.
Từ khi tôi mang bầu đến khi chuẩn bị sinh thì hầu như ai cũng đoán là con trai vì bụng nhỏ gọn, đi lại nhanh nhẹn. Tôi không thuộc thành phần khát con trai nhưng nghe họ đoán thế vợ chồng tôi cũng mừng. Sinh con đầu lòng nếu là trai thì càng “chắc ăn”, hầu hết đó là tâm lý của các cặp vợ chồng chuẩn bị sinh con đầu lòng.
|
Không nên phân biệt con trai, con gái (ảnh minh họa) |
Mừng đến nỗi lúc nào tôi cũng nghĩ đến một đứa con trai khỏe mạnh và kháu khỉnh, nhất là tưởng tượng ra “cái mậm giềng” nho nhỏ với “trái vải thiều hồng hồng”, mỗi lần tè, nó vọt cần câu có khi vào cả mâm cơm - cái cảnh này tôi đã từng chứng kiến - khiến cả nhà được phen náo động và hỉ hả.
Cái đêm tôi vượt cạn ở khoa sản bệnh viện tỉnh, có một đoàn sinh viên trường Đại học Y thực tập. Khi lên bàn đẻ dù rất đau và trước đông người nhưng tôi được an ủi hơn nhiều vì ý nghĩ sung sướng sắp được ôm chàng hoàng tử. Cùng tiếng khóc non nớt của con cất lên, nằm trên bàn đẻ dù rất mệt, tai tôi vẫn nghe rõ mồn một tiếng của một cậu sinh viên an ủi: Thế là chị có người cơm nước nấu nướng rồi nhé!
Bé gái đầu lòng ra đời, tuy không phải là con trai như vẫn nghĩ trước đây, nhưng cả gia đình tôi, chồng tôi, mừng vui chào đón vì đó là con đầu cháu sớm. Hơn nữa cháu rất kháu khỉnh, cặp mắt lanh lợi, thần thái tươi tỉnh rất đáng yêu.
Duy chỉ có tôi là chạnh lòng. Cái cảm giác mừng hụt cứ đeo bám. Thì ra tôi cũng “cay” con trai. Đến độ mỗi lần xi cháu tè, tôi thầm tưởng tượng và ước ao giá như “cái đó” là “mậm giềng”, hay giá như đến một ngày nào đó nó dần dài ra thành “con chim”. Nhìn những chị cùng phòng sinh con trai mà tôi thấy thèm khát. Tôi ước con mình là trai, kể cả sứt môi hay xấu xí một chút cũng được (tôi nói rất thật). Và tôi thấy mình thật xấu xa, tội lỗi, và tôi giấu kín những suy nghĩ này.
Thời gian trôi qua, tôi không còn nghĩ đến chuyện con trai, con gái nữa. Nhất là khi con gái tôi chập chững biết đi, biết nói, đáng yêu quá. Tôi cảm nhận rất rõ niềm hạnh phúc khó nói thành lời, đó là món quà mà ông trời ban cho gia đình tôi. Biết bao gia đình khác thèm muốn mà “trời không cho”. Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, chạy chữa tốn kém, áp lực gia đình, họ hàng khiến tinh thần căng thẳng, chỉ ước ao một đứa con, bất kể trai gái mà mong chờ đến mòn mỏi. Nhiều người đã quá lứa, chuyện sinh con kể như đã chấm dứt, chẳng còn gì để mà mong chờ.
Chồng tôi không biết hiểu về tôi đến đâu nhưng anh vẫn tỏ rõ niềm hạnh phúc mỗi khi bên con, anh cưng chiều con gái như thể thế gian này mỗi mình anh có con. Anh luôn bảo anh quý con gái hơn cả con trai, nếu sinh lần thứ hai con gái cũng rất tốt, vì hai gái vẫn còn hơn là một. Tôi nghe vậy mà thấy nhẹ lòng.
Mỗi lần ở quê lên chơi với cháu, mẹ chồng tôi vẫn thường hay “xướng” lên cho cả nhà nghe rõ: “Trai mà làm gì, gái mà làm gì / Con nào có ngãi, có nghì thì hơn. Cứ hãy nuôi dạy nó tốt, con gái còn bằng vạn lần con trai”. Gương mặt bà rạng rỡ chứng tỏ bà nói thật chứ không hề động viên vợ chồng tôi. Tôi biết ơn bà về điều ấy.
Đúng như lời mẹ chồng tôi nói, và tôi cứ theo bà mà làm, con gái tôi giờ đã thành đạt. Những năm học phổ thông, cháu đều là học sinh xuất sắc, dẫn đầu lớp chuyên của trường Amstecdam- một trường chuyên bậc nhất thủ đô. Mỗi lần họp phụ huynh, cô giáo thường đem cháu ra để làm gương, đến độ nhiều phụ huynh phải thốt lên: Con gái mà giỏi thế khiến tôi rất mát mặt.
Ai đã trải qua những phút giây như vậy thì mới thấy hạnh phúc không phải là tiền bạc, mà là những đứa con giỏi ngoan, bất kể là trai hay gái. Bởi tương lai của các bậc làm cha, mẹ chính là con cái.
Học hết phổ thông, nhờ trí thông minh, sự nỗ lực vượt bậc cộng với sự động viên dẫn dắt của bố mẹ, con gái tôi đã được nhận được học bổng của một trường đại học của Mỹ. Cháu sang Mỹ du học mà tôi như trong giấc mơ, điều mà trước đây thậm chí tôi không bao giờ dám mơ đến. Cả gia đình tôi đều tự hào vì con gái đã làm dạng danh mái trường nơi cháu học; rạng danh gia đình, dòng họ; hơn nữa là quê hương, đất nước.
Đó không chỉ là kết quả của sự chăm sóc, dạy dỗ chu đáo trong một mái ấm gia đình mà trước hết là từ một quan niệm đúng đắn của mẹ chồng tôi: Trai mà làm gì, gái mà làm gì / Con nào có ngãi, có nghì thì hơn.