Sáng 17/12, Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm “5G sẽ đem lại cơ hội gì cho Việt Nam?”. Tại đây, nhiều câu chuyện đã được các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp chia sẻ nhằm cung cấp thông tin đầy đủ nhất các vấn đề liên quan đến 5G và việc triển khai dịch vụ này tại Việt Nam cũng như tác động của 5G đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nhu cầu thị trường sẽ quyết định tốc độ triển khai 5G

Theo ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), Bộ TT&TT đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ phủ sóng mạng di động 5G trên phạm vi toàn quốc. Khi đó, người dân sẽ có thể truy nhập và sử dụng Internet băng thông rộng với giá rẻ. 

Để thực hiện hóa điều này, Bộ TT&TT đã nhanh chóng xây dựng chiến lược về viễn thông, đặt mục tiêu nâng cấp hạ tầng mạng 4G và sớm thương mại hóa mạng 5G. Hiện tại, đã có 3 nhà mạng là Viettel, MobiFone và VinaPhone được cấp phép thử nghiệm thương mại 5G với quy mô nhất định. 

{keywords}
Tọa đàm “5G sẽ đem lại cơ hội gì cho Việt Nam”.

Đại diện Cục Viễn thông cho rằng, ngoài việc cung cấp dịch vụ mạng di động, các doanh nghiệp còn có thể phát triển các phần mềm, thiết bị cho mạng 5G. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường cung cấp các thiết bị đầu cuối. 

Việc thử nghiệm 5G cũng là cơ hội để các nhà mạng có thể xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp, dự kiến mức giá cả, chi phí sử dụng tài nguyên trước khi mạng di động 5G chính thức được cấp phép. 

Sau quá trình thử nghiệm, các nhà mạng sẽ phải gửi báo cáo đánh giá kết quả thử nghiệm về tính năng kỹ thuật, khả năng thương mại, nhu cầu thị trường,... để cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể ở đây là Bộ TT&TT hoàn thiện các cơ sở pháp lý.  

{keywords}
Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT).

Theo ông Nhã, việc triển khai 5G tại Việt Nam sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu của thị trường. Do vậy, có thể 5G có thể không được phủ sóng rộng khắp trên toàn quốc mà trước mắt sẽ là một số thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. 

Lý do lựa chọn các địa phương này bởi đây là những khu vực có mật độ người sử dụng thiết bị di động lớn và nhu cầu cao về tốc độ. Bên cạnh đó, 5G cũng có thể được triển khai ở các khu công nghiệp, những nơi có nhu cầu thiết kế, vận hành, xây lắp các nhà máy thông minh, Bộ TT&TT kỳ vọng sẽ sớm triển khai dịch vụ này ngay trong năm 2021.

Thử nghiệm thương mại: Bước đầu tiên để thương mại hóa 5G

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, đại diện nhà mạng VinaPhone cho biết, qua quá trình thử nghiệm kỹ thuật tại Hà Nội và TP.HCM, mạng 5G cho tốc độ tải về đường xuống (download) nhanh gấp 10 lần, còn đỗ trễ giảm đi 10 lần so với mạng 4G. 

Với MobiFone, nhà mạng này đã lắp đặt xong và đang test thử tốc độ 5G. Ở điều kiện tiêu chuẩn, kết quả tương đối khả quan khi tốc độ download đạt khoảng 1.3 Gbps. Theo dự báo, tốc độ của 5G chưa phải đã dừng lại ở đây mà sẽ còn tăng cao hơn nữa. 

{keywords}
Tốc độ trung bình trên thực tế khi thử nghiệm 5G thương mại tại Việt Nam hiện đạt khoảng 500-600 Mbps.

Theo nhà mạng Viettel, trên toàn mạng lưới của đơn vị này hiện có khoảng 8.000 thiết bị đầu cuối có khả năng tương thích với mạng 5G. Tuy nhiên, do vùng phủ hẹp, hiện mới chỉ có vài trăm thiết bị được kết nối với mạng thử nghiệm. Tốc độ trung bình trên thực tế hiện đạt khoảng 500-600 Mbps. 

Ở một góc nhìn khác, đại diện Viettel cho biết, ngoài việc thử nghiệm dịch vụ mạng 5G, nhà mạng này còn đang liên kết với Vingroup để phát triển thiết bị phát sóng 5G. Các thiết bị tự sản xuất hiện chiếm khoảng 15% lượng thiết bị thu phát sóng đang được nhà mạng này thử nghiệm. Việc làm chủ công nghệ sản xuất thiết bị mạng sẽ đóng vai trò quan trọng, giúp Việt Nam có thể kiểm soát, đảm bảo an toàn cho hạ tầng viễn thông trọng yếu. 

{keywords}
Khác với nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang tìm cách phát triển các thiết bị thu phát sóng 5G Make in Vietnam. 

Nhìn chung, tất cả các nhà mạng đều cho biết, trong các đợt thử nghiệm thương mại đang được triển khai tại Hà Nội và TP.HCM, người dùng sẽ không cần phải đổi SIM để sử dụng 5G. Thay vào đó, họ chỉ cần sở hữu những chiếc điện thoại có khả năng kết nối 5G. 

Bàn về bài toán thương mại khi triển khai 5G, các chuyên gia cho rằng điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có thời điểm, chính sách gói cước, chi phí tần số,... Do vậy, vẫn còn cần thời gian để tính toán tìm ra lời giải thương mại cho bài toán 5G. Tuy nhiên đối với vấn đề cước phí, cơ bản các gói cước di động 5G sẽ tương đương với mạng 4G. 

Trọng Đạt