- Trong đợt kiểm tra thu hồi Sim kích hoạt sẵn đăng ký sai thông tin thuê bao vừa được Bộ TT&TT cùng các nhà mạng triển khai, đã có khoảng 10,7 triệu thuê bao bị thu hồi và khóa Sim. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trực tiếp thị sát công tác kiểm tra, thu hồi và khóa sim sai quy định tại các đơn vị.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo công tác thu hồi thuê bao kích hoạt sẵn tại VinaPhone. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Tại buổi kiểm tra công tác khóa thuê bao kích hoạt sẵn và sai thông tin thuê bao của các nhà mạng chiều 23/11, ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh thanh tra Bộ TT&TT, đại diện Tổ thanh tra công tác xử lý Sim kích hoạt sẵn cho biết đến thời điểm hơn 14h chiều, VinaPhone vẫn đang trong quá trình khóa tài khoản các thuê bao đăng ký sai thông tin thuê bao, còn MobiFone và Viettel đều đã khóa cả 3 chiều, gồm gọi đến, gọi đi và tài khoản thuê bao trên hệ thống.
Trước thông tin này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã trực tiếp yêu cầu đại diện VinaPhone giải thích về lý do khóa thuê bao bị chậm hơn so với 2 nhà mạng lớn còn lại. Đại diện VinaPhone đã giải trình do thông tin nhận được ban đầu là chỉ tiến hành khóa 2 chiều gọi đến và gọi đi của thuê bao, sau đó mới được biết là các mạng đều khóa cả tài khoản thuê bao trên hệ thống, dẫn đến việc triển khai bị chậm hơn. Hiện VinaPhone đang tiến hành khẩn trương việc khóa đầy đủ như các nhà mạng khác.
Đại diện VinaPhone giải trình nguyên nhân quá trình khóa Sim đăng ký sai quy định bị chậm so với Viettel và MobiFone. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Sẽ xử lý người đứng đầu đơn vị để xảy ra sai phạm
Chỉ đạo tại cuộc kiểm tra, Bộ trưởng Bộ TT&TT đề nghị các đơn vị phải vào cuộc quyết liệt với vấn đề xử lý Sim rác, để từ đó xóa bỏ được tin nhắn rác. Đây là vấn nạn đã được nêu ra từ lâu, để giải quyết phải xử lý tận gốc vấn đề, trước mắt phải chặn trên hệ thống của các nhà mạng, sau đó xử lý tiếp các thuê bao đăng ký sai thông tin khác.
"Việc này có thể ảnh hưởng lợi ích của nhà mạng, của đại lý và của cả người tiêu dùng nhưng chúng ta phải kiên quyết làm để tránh lãng phí tài nguyên kho số, và quan trọng hơn là để đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội."
“Tôi đề nghị Cục viễn thông, Thanh tra Bộ TT&TT và thường xuyên kiểm tra công tác xử lý Sim đăng ký sai quy định, các doanh nghiệp viễn thông cũng cần thường xuyên kiểm tra lẫn nhau chứ không chỉ làm theo từng đợt thanh tra. Tôi có thể kiểm tra đột xuất vào bất cứ thời điểm nào, nếu đơn vị nào xảy ra sai phạm, tôi sẽ xử lý người đứng đầu đơn vị đó, nhất là đối với các đơn vị trực thuộc ngành TT&TT”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn kiểm tra công tác khóa Sim đăng ký sai quy định tại MobiFone. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
"Chúng ta cần phải hạn chế đến mức tối thiểu vấn nạn Sim rác. Điều này sẽ động chạm tới quyền lợi của một số doanh nghiệp, thậm chí ảnh hưởng tới quyền lợi người sử dụng và bị khiếu nại do chặn nhầm. Nhưng dù vậy, người tiêu dùng cũng vẫn sẽ chia sẻ và đồng cảm với cách làm này của Bộ TT&TT để xử lý triệt để vấn nạn Sim rác, từ đó ngăn chặn tin nhắn rác."
Đề nghị cơ quan báo chí cùng vào cuộc quyết liệt
Người đứng đầu ngành TT&TT cũng đề xuất các cơ quan báo chí cần vào cuộc mạnh mẽ, cần chủ động ghi nhận ngoài thị trường và phản ánh các trường hợp kinh doanh Sim kích hoạt sẵn, sai thông tin thuê bao để cơ quan quản lý giải quyết dứt điểm, cho dù đó là ở đơn vị nào thì cũng cần phải xử lý triệt để.
"Tại nhiều quốc gia tôi tìm hiểu, họ đều khuyến khích thuê bao trả sau, có nhiều hình thức khuyến mại để phát triển thuê bao trả sau bền vững. Đây cũng là vấn đề các doanh nghiệp viễn thông trong nước cần nghiên cứu và thực hiện để vừa phục vụ lợi ích doanh nghiệp, nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh thông tin và trật tự an toàn xã hội", Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn kiểm tra công tác thu hồi Sim kích hoạt sẵn tại Viettel. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Trong đợt thu hồi sim kích hoạt sẵn và đăng ký sai thông tin thuê bao này, ở giai đoạn 1, từ ngày 5/11,hệ thống tổng đài của các nhà mạng đã nhắn tin tới các thuê bao yêu cầu xác nhận thông tin. Giai đoạn 2, từ ngày 22/11 đến 23/11, các nhà mạng sẽ khóa các Sim không đăng ký lại thông tin thuê bao. Các trường hợp khách hàng khiếu nại đến tổng đài của nhà mạng vì bị khoá thuê bao sẽ được yêu cầu đăng ký lại thông tin thuê bao chính xác. Khi có thông tin thuê bao hợp lệ, nhà mạng sẽ mở lại liên lạc cho thuê bao.
Theo thông tin tổng kết sơ bộ của đợt kiểm tra, tổng số thuê bao kết xuất tồn trên kênh trong diện phải khóa là 12,7 triệu thuê bao trả trước, bao gồm ở cả 5 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile và Gmobile. Tính đến thời điểm chiều ngày 23/11 đã khóa 10,69 triệu thuê bao. Trong đó, Viettel khóa hơn 3,68 triệu thuê bao, VinaPhone khóa hơn 3,72 triệu thuê bao, MobiFone khóa hơn 3,29 triệu thuê bao.
H.P.