Hồi giữa năm 2018, các nhà phân tích đã cắt giảm dự báo doanh số của iPhone. Một trong số những nguyên nhân chính là sự sa sút tại Trung Quốc. Đến tháng 1/2019, Apple cảnh báo các nhà đầu tư về việc doanh thu ở Trung Quốc giảm sút trong quý IV vì cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.
Sau đó, dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc hồi đầu tháng 12 khiến Apple buộc phải đóng các cửa hàng và nhà máy ở đất nước tỷ dân. Tuy nhiên, Apple đã vượt kỷ lục về doanh số bán hàng tại Trung Quốc vào quý IV/2020. Doanh thu tăng vọt 57% so với cùng kỳ năm 2019 lên 21 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu mạnh mẽ đối với iPhone 12.
Kết quả này đánh dấu chiến thắng lớn của Apple tại một trong những thị trường trọng điểm. Doanh thu đến từ Trung Quốc chiếm gần 20% tổng doanh thu của gã khổng lồ công nghệ Mỹ vào quý IV/2020.
"Trung Quốc từng là cái gai đối với sự phát triển của Apple. Nhưng giờ, gió đã hoàn toàn đổi chiều", CNN dẫn lời ông Dan Morgan, Giám đốc danh mục đầu tư cao cấp tại Synovus Trust Company, khẳng định.
Apple đã vượt kỷ lục về doanh số bán hàng tại Trung Quốc vào quý cuối năm 2020. Ảnh: Reuters. |
Thị trường trọng điểm
Đối với các nhà đầu tư, thành công của Apple tại Trung Quốc trong quý gần nhất không phải điều bất thường. Trong những năm gần đây, doanh số bán hàng của Apple tại thị trường tỷ dân không phải lúc nào cũng ổn định. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường trọng điểm của nhà sản xuất Mỹ.
Tầng lớp trung lưu của đất nước 1,4 tỷ dân có sức chi tiêu lớn. Thêm vào đó, các ứng dụng di động cung cấp dịch vụ mua sắm và ngân hàng rất phổ biến đối với người tiêu dùng Trung Quốc. Điều đó tạo cơ hội cho Apple kiếm thêm từ doanh thu App Store và những dịch vụ phần mềm khác.
Ngoài ra, Apple vẫn còn dư địa tăng trưởng ở Trung Quốc. Theo dữ liệu của Gartner, thị phần của Apple trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu là 14,8%, nhưng tại Trung Quốc chỉ 10,1%.
Theo nhà phân tích Dan Ives của Wedbush, các khách hàng Trung Quốc sẽ chiếm 20% trong số những người nâng cấp iPhone trong năm tới. Ông nhấn mạnh đất nước tỷ dân vẫn là "yếu tố quan trọng" đối với thành công của Apple.
Nền kinh tế Trung Quốc bật dậy nhanh chóng từ khủng hoảng Covid-19, giúp người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu. Ảnh: Reuters. |
Mới đây, CEO Apple Tim Cook đã dành một cuộc phỏng vấn cho He Shijie, một sinh viên đại học có ảnh hưởng công nghệ ở Trung Quốc. Động thái đó có khả năng thu hút thêm người tiêu dùng nước này.
Ông Cook tiết lộ rất nhiều tính năng của các sản phẩm Apple được lấy cảm hứng từ người tiêu dùng Trung Quốc, bao gồm quét mã QR và chế độ ban đêm của iPhone.
"Chúng tôi lắng nghe cực kỳ cẩn thận khách hàng của mình tại Trung Quốc, sau đó tạo ra các sản phẩm đưa ra toàn cầu. Chúng tôi nhận được rất nhiều phản hồi từ Trung Quốc", ông khẳng định.
Số lượng người nâng cấp kỷ lục
IPhone 12 là sản phẩm đóng góp phần lớn vào tăng trưởng doanh số bán hàng tại Trung Quốc của Apple trong quý qua. Theo các nhà phân tích, ở nhiều thị trường khác, người tiêu dùng trì hoãn nâng cấp iPhone bởi vòng đời của điện thoại thông minh đã dài hơn. Thêm vào đó, cũng không có đủ tính năng mới để người dùng bỏ tiền ra mua một thiết bị mới.
Tuy nhiên, có nhiều lý do giúp iPhone 12 trở nên phổ biến tại Trung Quốc. CEO Apple tiết lộ đây là thị trường có "số khách hàng nâng cấp máy kỷ lục". Lý do đầu tiên là mạng 5G của Trung Quốc mạnh hơn ở nhiều thị trường khác, mang lại động lực cho người tiêu dùng nâng cấp. Ngược lại, tại Mỹ, khách hàng có thể phải đợi đến khi mạng 5G phổ biến hơn.
"Đã có một quá trình xây dựng 5G rất tích cực tại Trung Quốc. Ở Mỹ, chúng ta vẫn đang dần đạt được điều đó dù chưa thực hiện như cam kết", ông Morgan tại Synovus Trust Company bình luận.
Ngoài ra, theo nhà phân tích Annette Zimmermann tại Gartner, nền kinh tế Trung Quốc cũng bật dậy nhanh từ cuộc khủng hoảng Covid-19 hơn các nước khác. Do đó, nhiều người tiêu dùng sẵn sàng chi tiên hơn.
Theo Gartner, so với những năm trước đó, Apple đã bán được nhiều điện thoại thông minh hơn 8% ở Trung Quốc vào năm 2020. Thậm chí, con số đó chỉ tính đến khoảng hai tháng doanh số bán iPhone 12.
"Chúng ta vẫn sẽ chứng kiến sự tăng trưởng rất tích cực trong vòng hai quý tới. Có rất nhiều người cần nâng cấp lên đời tiếp theo và bị thu hút bởi 5G", ông Zimmermann dự đoán.
Apple cũng có thể được hưởng lợi từ cuộc chiến giữa Mỹ và đối thủ Trung Quốc Huawei. Các chính sách mới của Mỹ đã chặn đứng Huawei với quyền tiếp cận nguồn cung công nghệ hàng đầu từ Mỹ. Chẳng hạn, gã khồng lồ công nghệ Trung Quốc không thể sử dụng phần mềm của Google trên điện thoại thông minh, khiến sức hút đối với người tiêu dùng sụt giảm.
IPhone 12 được cho là sản phẩm sẽ rơi vào "siêu chu kỳ" của Apple. Ảnh: CNN. |
Theo dữ liệu của IDC, trong quý IV/2020, thị phần của Apple trên thị trường điện thoại thông minh của Trung Quốc đã tăng gần 5 điểm phần trăm. Trong khi đó, thị phần của Huawei sụt giảm hơn 10 điểm.
Câu hỏi đặt ra là liệu Apple có giữ vững phong độ tại thị trường Trung Quốc trong những quý tới, iPhone 12 có rơi vào "siêu chu kỳ" như các nhà phân tích dự đoán hay không. Siêu chu kỳ (supercycle) là thuật ngữ được dùng để mô tả một năm hoặc một chu kỳ sản phẩm có số lượng người dùng quyết định nâng cấp lên phiên bản mới nhiều hơn mức bình thường.
"Theo tôi, những con số trong tháng 12 của Apple tại Trung Quốc không phải chiến thắng ngắn ngủi", ông Morgan tại Synovus nhận định. "Tôi cho rằng trên thực tế, chúng ta sẽ chứng kiến siêu chu kỳ. Quý IV/2020 chỉ là khởi đầu", ông nói thêm.
Theo Zing/
Hé lộ thời điểm Apple ra mắt iPhone không 'tai thỏ'
Chuyên gia hàng đầu về Apple – Ming Chi Kuo – vừa đưa ra các dự báo về iPhone 13 và các mẫu iPhone ra mắt năm 2022, 2023.