Năm nay, chị Thanh Loan (Quận 10, TP.HCM) đang ở cữ nên mọi việc mua sắm đều giao cho chồng. Chồng chị Loan làm việc đến 29 Tết nên tất cả mọi hàng hóa chuẩn bị Tết đều được mua sắm qua mạng.
“Chồng em mua qua mạng mọi thứ, từ cái bé nhất là thảm chống trượt, khăn lau bếp, các loại nước giặt xả, nước lau nhà tẩy rửa, đến đồ ăn. Có thể nói online đã “cứu” chồng em giai đoạn này”, chị Loan vui vẻ kể.
Các nền tảng thương mại điện tử giao hàng xuyên Tết. (Ảnh: Hải Đăng) |
Trong khi đó, mâm cỗ chay ngày Tết của chị D. (Bình Chánh) không tốn công sức nấu nướng. Chị Đa (Quận 2 cũ) cũng mua từ xa nhiều thứ cho Tết.
“Cận Tết, mỗi ngày cả chục lượt giao hàng tới nhà”, chị Loan kể. Vừa mua sắm vật dụng cho nhà mới, vừa trang trí Tết, vừa cần đồ dùng cho bé mới sinh, nhà chị Loan nghe điện thoại liên tục từ shipper.
Chị D. sống ở TP.HCM với em gái, ba mẹ đã định cư nước ngoài nên mâm cỗ ngày Tết đơn giản, tuỳ theo ý hai chị em. Năm nay, chị D. cúng đồ chay. “Toàn bộ mâm cỗ em đều đặt hàng qua ứng dụng. Không phải nấu nướng gì cả”, chị D. chia sẻ.
Chị Đa là một tín đồ mua hàng online. Từ trước Tết chị đã mua sắm đầy đủ cho cả nhà. Trừ đồ ăn phải đi siêu thị, còn lại quần áo, mỹ phẩm, đồ dùng chị đều mua trên mạng.
Năm nay, lần đầu tiên đón Tết tại Sài Gòn do quê nhà bị giãn cách, chị Đa cũng tất bật với việc mua sắm cuối năm. Có sẵn siêu thị dưới nhà nên chị thường mua đồ tại siêu thị. Tuy nhiên mấy món độc, lạ chị vẫn phải mua online.
“Như chiếc bánh chưng dùng gạo khẩu hang em đặt mua của một cửa hàng chuyên bán hoa, trái cây, thực phẩm đặc sản trên mạng xã hội”, chị Đa cho biết.
Mười năm trước khi sinh bé đầu, chồng chị Loan phải loay hoay với việc mua sắm khá vất vả. Tuy nhiên hiện tại các thứ đã dễ dàng hơn rất nhiều.
Nhà chị thường lên Tiki mua sách, lên Shopee mua đồ lặt vặt, lên Lazada mua hàng chuyển từ nước ngoài về. “Như cái ấm trà Tử Sa nhà em cũng mua từ nước ngoài, ship cũng nhanh lắm”, bà mẹ hai con chia sẻ.
Mua đồ trên mạng hàng hoá rất đa dạng. Ngồi tại nhà, chị Loan mua được cả lá trầu giao hàng tận nơi. Lá trầu được bà mẹ này dùng cho em bé tắm, hơ người, và cả dùng cho mâm cúng trầu cau ngày Tết.
Năm nay các nền tảng như Shopee, Tiki giao hàng xuyên Tết tại một số tỉnh, thành phố lớn. Điều này càng tạo điều kiện cho nhiều người mua hàng khi gấp gáp.
Chị Uyên (Tân Phú) khi đã rời Sài Gòn về quê ăn Tết mới chợt nhớ đồ ăn cho mèo tại nhà đã hết. Chị liền đặt hàng giao nhanh trong Tết đến cổng bảo vệ chung cư. Chị nhờ người bảo vệ quen thân mang đồ ăn thêm lên cho chú mèo đang một mình trên căn hộ tầng 16.
Từ trước Tết, nhiều nền tảng thương mại điện tử đã dự báo nhu cầu mua sắm cuối năm gia tăng nên đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng.
Ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng giám đốc Phát triển doanh nghiệp tại Tiki, dự báo doanh số Tết Tân Sửu sẽ tăng 70% so với cùng kỳ. Điều này do nhu cầu mua sắm tăng mạnh dịp Tết cổ truyền, cộng với tình hình dịch bệnh khiến đi lại hạn chế.
Lazada cũng dự báo tương tự, đồng thời khẳng định các ngành hàng bách hóa và nhà cửa đời sống, điện tử và sức khỏe, làm đẹp sẽ có sức mua tăng.
Ở ngành hàng tiêu dùng, Tiki cho hay đã tăng ít nhất 30% lượng cung hàng hóa so với dịp Tết năm ngoái. Đồng thời, sàn cũng phối hợp cùng các nhà bán chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết từ 3 tháng trước, từ việc sản xuất, nhập khẩu mặt hàng thực phẩm, thời trang, trang sức…, đến thiết kế và sản xuất bao bì mới, các giỏ quà mang không khí Tết cũng như đảm bảo bình ổn giá.
Ở ngành hàng tươi sống, các sản phẩm tươi như trái cây, rau củ, thịt, hải sản, thực phẩm chế biến sẵn, đến thực phẩm đông lạnh, thực phẩm khô… được kết hợp với các nhà bán lớn để trữ và bảo quản.
Với ngành hàng điện tử - điện lạnh, ngoài việc chuẩn bị sản phẩm ở các phân khúc giá rẻ đến cao cấp, nền tảng này kéo dài dịch vụ giao hàng và lắp đặt theo lịch hẹn đến 10 giờ tối mỗi ngày, đáp ứng nhu cầu cuối năm.
Hải Đăng
Tiki, Lazada, Shopee tất bật chuẩn bị đợt mua sắm Tết
Chuẩn bị cho đợt mua sắm cuối cùng của năm, tất cả các nền tảng thương mại điện tử lớn đều tăng cường hàng hoá, tối ưu kho vận, thậm chí giao hàng xuyên Tết.