Việt Nam có tốc độ tăng trưởng TMĐT từ 25-30%/năm
Phát biểu tại Tọa đàm cấp cao Kinh tế số vừa được tổ chức ngày hôm nay, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã xác định phát triển kinh tế số là trụ cột, trọng tâm chiến lược trong tiến trình phát triển chuyển đổi số quốc gia những năm tiếp theo và đề ra mục tiêu vào năm 2025 kinh tế số Việt Nam chiếm 20% GDP.
Theo ông Nguyễn Đức Hiển, hoạt động kinh tế số tại Việt Nam đang phát triển mạnh, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech), viễn thông, sản xuất máy tính và đồ điện tử, các dịch vụ CNTT&TT.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. |
Tuy nhiên thực tế chung cho thấy, nước ta đang đối diện với một số khó khăn, vướng mắc như: Môi trường thể chế và pháp lý còn yếu, chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt, các hình thức kinh doanh mới phát triển nhanh làm cho các cơ quan quản lý nhà nước tỏ ra khá lúng túng trong quản lý các hoạt động kinh tế số. Đây là những rào cản đối với phát triển kinh tế số cần được nhanh chóng tháo gỡ.
Theo ông Nguyễn Thế Quang - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), thương mại điện tử tại Việt Nam chưa bao giờ phát triển mạnh như hiện nay.
Đánh giá của Bộ Công thương cho thấy, từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử tại Việt Nam là từ 25-30%/năm. Doanh thu B2C của thương mại điện tử Việt Nam đã tăng từ 5 tỷ USD năm 2016 lên thành 11,8 tỷ USD trong năm 2020.
Đây là những số liệu rất lạc quan của kinh tế số Việt Nam. Đại diện Bộ Công thương cho rằng, đến năm 2025, quy mô doanh thu B2C trong thương mại điện tử Việt Nam là 35 tỷ USD, chiếm khoảng 10% doanh số bán lẻ trên cả nước.
Ông Nguyễn Thế Quang - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương). |
Lượng tiền bỏ ra cho mua sắm trực tuyến của mỗi người dân Việt Nam năm 2020 là 240 USD/người/năm. Tuy nhiên, con số này được dự đoán sẽ tăng lên thành 600 USD/người/năm trong năm 2025.
Không chỉ kinh doanh trên nền tảng số phát triển, y tế, giáo dục và các lĩnh vực khác đều đang tận dụng công nghệ số để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, nhất là khi dịch Covid-19 đã lan rộng.
Trong bối cảnh đó, buổi tọa đàm về Kinh tế số được tổ chức nhằm lấy ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp để tìm ra chìa khóa tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới.
Sau đại dịch, sẽ là một bức tranh hoàn toàn mới về TMĐT Việt Nam
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch, tất cả chuỗi trong nền kinh tế đã bị đứt gãy.
Trong cả một chuỗi cung ứng của nền kinh tế, TMĐT đã đóng góp phần lớn để hàng hóa lưu thông. Tuy nhiên trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, rất nhiều vấn đề đã phát sinh và làm ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty thương mại điện tử.
Theo ông Dũng, ở chiều ngược lại, cũng do Covid-19, tất cả những gì liên quan đến online đều được phát triển. Thời gian dịch bệnh đã đẩy nhanh tiến độ ứng dụng thương mại điện tử từ 1-2 năm so với kế hoạch của Hiệp hội.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam. |
Ở thời điểm này, các công ty thương mại điện tử đang bị ảnh hưởng nặng. Trong bối cảnh đó Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đang có kiến nghị để các shipper được di chuyển, lưu thông và giao hàng hóa liên quận.
Nhiều địa phương đã hỗ trợ và có sự ưu ái đặc biệt tới hoạt động của đội ngũ shipper, nhờ vậy mà công việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã trôi chảy trở lại. Tuy nhiên, những việc đó vẫn còn đang rất hạn chế.
Nhìn về tương lai, ông Dũng cho biết hiện tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử đang khoảng từ 30-35%/năm. Thế nhưng sau đại dịch là một bức tranh hoàn toàn khác, tất cả những dự đoán và tính toán sẽ không còn chính xác nữa.
Tuy nhiên hoạt động của thương mại điện tử sẽ sang một trang mới. Mọi người đã được educate (đào tạo) về thương mại điện tử trong đại dịch, do vậy, thời gian tới, sau khi kiểm soát và có kế hoạch sống chung với đại dịch, chúng ta sẽ đón nhận một làn sóng mới cho thương mại điện tử. Điều này sẽ phụ thuộc nhiều vào chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế số của các bộ, ngành, địa phương
Theo ông Dũng, nhiều doanh nghiệp ở mảng chuỗi khối (Blockchain) đã rất thành công khi gọi được một nguồn vốn lớn trong đại dịch thông qua Internet. Đây là một điểm mới của nền kinh tế số Việt Nam.
Đề xuất phối hợp công tư trong chống dịch và phát triển kinh tế số
Tại tọa đàm Kinh tế số, bà Nguyễn Thái Hải Vân - Giám đốc điều hành Grab Việt Nam đã nêu ý kiến đề xuất về việc nên đẩy mạnh hợp tác công tư giữa chính phủ và doanh nghiệp, vận dụng nền tảng công nghệ nhằm duy trì hoạt động chống dịch và đẩy mạnh kinh tế số.
Bà Vân cho rằng, thời gian qua TP.HCM đã có nhiều thử thách về việc duy trì chuỗi cung ứng. Theo vị lãnh đạo của Grab, nếu đưa sự phối hợp công tư vào tốt hơn, ví dụ như vận hành việc đi chợ hộ thử ở Thủ Đức như hiện tại, doanh nghiệp này sẽ có thể hỗ trợ chính quyền nhiều hơn trong công tác chống dịch và phục hồi nền kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp đã đưa ra đề xuất về việc cho các nền tảng gọi xe tham gia phối hợp cùng chính phủ để duy trì chuỗi cung ứng. |
Bà Nguyễn Thái Hải Vân cũng đề nghị cần có sự thống nhất trong việc nhìn nhận về vai trò của shipper trong chuỗi cung ứng. Ở nhiều nước, đội shipper được xem như một lực lượng tuyến đầu, Việt Nam cũng nên học hỏi kinh nghiệm đó
Chia sẻ thêm, vị chuyên gia này cho rằng, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ có một bước tiến lớn và là đòn bẩy trong việc duy trì nền kinh tế trong đại dịch. Lượng người lần đầu tiên dùng thanh toán không tiền mặt của Grab đã tăng tới 30% trong năm 2020. Đây là minh chứng cho thấy tiềm năng và tốc độ phát triển của mảng kinh tế này.
Trọng Đạt
Dư địa tăng trưởng của Việt Nam nằm ở kinh tế số
Dư địa phát triển của các cấu phần kinh tế số Internet và kinh tế số ngành đang còn khá lớn.