Tại diễn đàn công nghệ FPT Techday, nói về thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải trong việc chuyển sang trạng thái “bình thường xanh”, ông Nguyễn Tuấn Hồng Phúc - Phó Tổng Giám đốc Bộ phận chiến lược và hoạt động KPMG Việt Nam cho rằng, rủi ro lớn nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt là về chuỗi cung ứng.
Nghiên cứu của KPMG cho thấy, rủi ro về chuỗi cung ứng hiện là thách thức hàng đầu, tiếp theo mới đến vấn đề giá cả, đặc biệt là tại Việt Nam.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ tập trung vào một hoặc một vài đối tác duy nhất để tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Do đó, khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, họ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Chính vì vậy, điều mà các doanh nghiệp cần làm trong bối cảnh bình thường mới là phải thay đổi cách thức hoạt động, làm sao để có khả năng nhanh chóng chuyển đổi sang nhà cung ứng khác ngay khi có khủng hoảng. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp Việt có thể thích nghi hậu Covid-19.
Ông Nguyễn Tuấn Hồng Phúc - Phó Tổng Giám đốc Bộ phận chiến lược và hoạt động KPMG Việt Nam chia sẻ tại FPT Techday. |
Ngoài ra, theo chuyên gia của KPMG, các công ty cũng cần phải trở nên linh hoạt. Có 3 yếu tố giúp thích ứng linh hoạt, đó là đa dạng hóa nhà cung cấp, tích cực chuyển đổi số, tìm kiếm các công nghệ phù hợp và cuối cùng là phải làm sao để quản trị rủi ro một cách có hiệu quả.
Theo khảo sát của KPMG, 80% doanh nghiệp được hỏi cho rằng các chương trình chuyển đổi số đã được tăng tốc trong giai đoạn bùng phát của đại dịch Covid-19. Đáng chú ý khi có tới 67% CIO (Chief Information Officer - Giám đốc CNTT) muốn đầu tư nhiều hơn cho công nghệ.
Chia sẻ kỹ hơn về điều này, ông Nguyễn Tuấn Hồng Phúc - Phó Tổng Giám đốc Bộ phận chiến lược và hoạt động KPMG Việt Nam cho biết, tất cả các khách hàng của công ty “Big Four” trong ngành kiểm toán này đều có nhu cầu chuyển đổi số.
Rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang có nhu cầu chuyển đổi số. Ảnh: Trọng Đạt |
Tuy vậy, người đứng đầu bộ phận chiến lược và hoạt động KPMG cho rằng, chỉ đầu tư cho công nghệ thôi là chưa đủ. Để chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp cần phải chuyển đổi số cả cách mà công ty mình đang hoạt động.
“Họ phải xác định xem các nguồn doanh thu mới là gì, làm sao để hoạt động hiệu quả, tiếp đó mới nên nghĩ đến việc làm sao để chuyển đổi số.”, ông Phúc nói.
Theo ông Nguyễn Tuấn Hồng Phúc, chuyển đổi số chính là tương lai. Các doanh nghiệp không tiến hành chuyển đổi số sẽ sớm bị tụt lại phía sau. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực chuyển đổi số. Cũng nhờ vậy, họ đang tiến xa hơn rất nhiều nếu so với các công ty khác trong ngành.
Trọng Đạt
Thế giới đang thay đổi, AI, tự động hóa được ứng dụng nhiều hơn nhờ Covid-19
Trong đại dịch Covid-19, việc sử dụng AI và các công nghệ tự động hoá đang tăng nhanh. Hầu hết các công ty được khảo sát đều đang đầu tư mạnh vào chuyển đổi số.