Apple và các nhà cung ứng của hãng này mới đây đã lên tiếng tố cáo Huawei sử dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm khai thác các bí mật về công nghệ trên các sản phẩm của họ.
Một ví dụ cho điều này là trường hợp liên quan đến công nghệ đo nhịp tim trên Apple Watch. Theo Phonearena, tuy Huawei cũng sở hữu sản phẩm với tính năng tương tự nhưng hiệu quả sử dụng thực tế cho thấy sự thua kém so với công nghệ của Apple.
Bởi vậy, một kỹ sư của hãng này đã tìm tới một công ty chuyên cung ứng các bộ phận liên quan đến tính năng đo nhịp tim của Apple Watch. Huawei hứa hẹn sẽ ký hợp đồng lớn với công ty nọ nhằm đổi lấy bí mật công nghệ của Apple, tuy nhiên nhà cung ứng này đã từ chối.
Ngày càng xuất hiện nhiều vụ lùm xùm liên quan đến cách làm việc kiểu "đi đêm" của Huawei. |
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra vào năm 2016 khi Huawei muốn sao chép công nghệ liên quan đến phần bản lề của những chiếc MacBook Pro. Theo Phonearena, Huawei đã liên hệ với nhiều cung ứng của Apple và hầu hết bị từ chối. Tuy nhiên, một trong số các nhà cung ứng đó đã đồng ý sản xuất các linh kiện cho Huawei. Chi tiết này sau đó được ứng dụng trên những chiếc Huawei Mate Book Pro.
Vào năm 2014, T-Mobile đã kiện Huawei, cáo buộc công ty Trung Quốc đánh cắp công nghệ liên quan đến Tappy. Đây là loại robot có nhiệm vụ thực hiện các bài kiểm tra chất lượng QC (Quality Control).
T-Mobile đã cáo buộc nhân viên của Huawei đã chụp ảnh trái phép Tappy khi đến thăm trụ sở của hãng này. Một nhân viên khác của Huawei sau đó đã lén tháo rời các bộ phân của robot và bỏ vào trong túi sách. Huawei sau đó đã thừa nhận rằng robot của họ không tốt bằng T-Mobile. Đây là lý do dẫn đến hành vi trộm cắp công nghệ.
Cách phát triển sản phẩm bằng mọi giá của Huawei khiến thế giới phương tây tỏ ra dị ứng. |
Huawei cũng thường săn đón các cựu nhân viên từng làm việc trong chuỗi cung ứng của Apple. Trong các buổi phỏng vấn tuyển dụng, nhiều câu hỏi về các sản phẩm và công nghệ mới của Apple đã được đặt ra để tìm cách moi thông tin từ họ. Đó cũng là lý do không ít người tham gia phỏng vấn cho rằng Huawei muốn thông tin về Apple hơn là khả năng làm việc của mình.
Nhân viên của Foxconn - công ty chuyên gia công iPhone cũng là đối tượng được Huawei nhắm tới để khai thác. Do những người này không được trả lương cao và thường xuyên phải làm việc quá sức, nhiều người đã bán thông tin để nhận về những khoản tiền mặt.
Không chỉ vậy, với quy mô khổng lồ của mình, Huawei có đủ sức ép để buộc cả các nhà cung ứng phải tiến hành thỏa hiệp. Với những hoạt động ngầm đằng sau hậu trường, không khó để hiểu tại sao chính phủ của tổng thống Donal Trump lại coi các thiết bị Huawei như một mối đe dọa về an ninh đối với nước Mỹ.
Tuấn Nghĩa (Theo Phonearena)