Lái GraBike kiếm trăm triệu, nộp thuế 4,5 triệu đồng

Thông báo này cũng cho biết, việc thu thuế tài xế GrabBike được thực hiện theo công văn 384/TCT-TNCN của Tổng cục thuế về chính sách đối với hoạt động hợp tác kinh doanh của công ty Grab.

Theo đó, đối với các khoản doanh thu chia sẻ, Grab sẽ khấu trừ 4.5% tiền nghĩa vụ thuế trên tổng số doanh thu chia sẻ của đối tác. Trong số này, 3% sẽ là tỷ lệ tính thuế GTGT và 1.5% là tỷ lệ tính thuế thu nhập cá nhân. Với các khoản hỗ trợ dựa trên doanh thu, Grab sẽ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân với tỷ lệ 1%.

{keywords}
Cánh xe ôm công nghệ thảo luận với nhau về chính sách mới của Grab. Ảnh: Trọng Đạt

Chia sẻ thêm về điều này, Grab cho biết họ chỉ uỷ quyền thu nộp hộ đối với doanh thu chia sẻ mà các đối tác nhận từ cuốc xe sử dụng ứng dụng Grab và các khoản hỗ trợ nhận từ Grab. 

Số tiền này sẽ được nộp vào tài khoản kho bạc Nhà nước TP.HCM. Grab sẽ phát hành chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân hàng năm nếu nhận được yêu cầu từ phía đối tác.

Đối tượng áp dụng trong đợt thu nộp hộ thuế của Grab là các tài xế GrabBike có tổng doanh thu năm 2019 trên 100 triệu đồng và những người có khả năng đạt mức 100 triệu đồng. Grab cho biết phương thức thu hộ là trừ thẳng 60.000 đồng/ngày trên tài khoản ví của đối tác. 

Việc thu thuế sẽ được Grab tự động thực hiện từ ngày 26/8/2019 cho tới khi khấu trừ hết tiền thuế cần nộp cho năm 2019.

Thuế tính không hợp lý, tài xế đề nghị ra chính sách phù hợp

Sau khi thông tin trên được công bố, chính sách mới của Grab ngay lập tức thu hút sự quan tâm lớn từ cánh lái xe GrabBike. Đây cũng là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chính sách này. Ngay từ trưa 25/8, nhiều tài xế Grab đã nhận được thông báo về việc có doanh thu đạt mức đủ để phát sinh nghĩa vụ thuế.

{keywords}
Grab đã bắt đầu khấu trừ thuế các tài xế GrabBike với số tiền 60.000 trừ thẳng vào ví mỗi ngày.

Theo anh Đình Chinh (Hai Bà Trưng, Hà Nội), chính sách trên của Grab là quá vô lý. “Trước tôi làm công ty lương tháng 12 triệu chỉ phải đóng thuế 600.000 đồng. Những tháng dưới 9 triệu sẽ không phải đóng thuế. Còn với Grab, nếu với cùng làm 2 tháng với mức thu nhập như trên, tôi sẽ phải đóng số tiền thuế 4,5% của 20 triệu, tức là gần 1 triệu đồng”, anh Chinh nói. 

Anh Hoàng Nam (Đống Đa, Hà Nội), một tài xế Grab khác cho biết, một người lao động đi làm công ty bình thường có thu nhập thuần 108 triệu/năm mới bắt đầu phải đóng thuế cho phần thu nhập vượt, tức là chỉ chịu thuế cho phần thu nhập vượt trên 108 triệu/năm. 

Theo anh Nam, những người này sẽ được khấu trừ thuế khi có những người phụ thuộc (con nhỏ, cha mẹ già,...) với số tiền 3,6 triệu/người/tháng (tức 43,2 triệu/người/năm). 

{keywords}
Giới xe ôm công nghệ cho biết có sự bất hợp lý trong cách tính thuế. Phần thuế đánh thẳng vào 80% doanh thu của họ. Trong khi đó, giới xe ôm công nghệ hiện mất khoảng 20% doanh thu nộp phế cho Grab và 15% doanh thu cho cầu đường, xăng dầu và khấu hao xe. Ảnh: Trọng Đạt

Với xe ôm công nghệ, anh Nam cho rằng việc đóng 4,5% cho toàn bộ 80% doanh thu (20% thuộc về Grab) là có phần chưa phù hợp. Trong số 80% doanh thu này, thông thường tài xế mất khoảng 15% chi phí xăng dầu, khấu hao xe cộ. Do vậy, thu nhập thực của tài xế chỉ chiếm khoảng 65% số tiền mà họ thu được hàng ngày. 

Mặt khác, các lao động thông thường còn được đảm bảo các quyền lợi của người lao động như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Điều này khác hẳn với trường hợp của các tài xế GrabBike khi Grab xem họ là đối tác chứ không phải người lao động.

Theo giới xe ôm công nghệ, họ đề nghị được giảm tỷ lệ thuế phải đóng hoặc nâng mức doanh thu bắt đầu tính thuế lên khoảng 140 triệu đồng. Những tài xế GrabBike cũng mong muốn Grab có thể trao đổi với ngành thuế để có chính sách phù hợp nhất với những người lao động đặc thù là cánh xe ôm công nghệ. 

Trọng Đạt