Các công ty truyền thông xã hội có thể phải đối mặt với các quy định khi các nhà quảng cáo trên Google rút lui để phản đổi các nội dung cực đoan.
Theo The Guardian, các chính trị gia và các nhà quảng cáo đã cảnh báo Google rằng công ty cần đại tu lại các chính sách quảng cáo hoặc có nguy cơ đối mặt với các quy định và các cuộc tẩy chay.
Một công ty tiếp thị toàn cầu lớn đã trở thành công ty đầu tiên rút chi tiêu quảng cáo cho Google sau khi có tin quảng cáo của nhiều tổ chức lớn đã bị vô ý đặt cạnh những nội dung cực đoan. Trong khi đó, các nghị sỹ thì đe dọa sẽ áp dụng luật pháp nếu các công ty truyền thông xã hội không tự điều chỉnh hoạt động một cách hợp lý.
Google đã phải xem xét lại các chính sách quảng cáo của mình sau khi chính phủ Anh gia nhập nhóm các tổ chức bao gồm Guardian, BBC và Transport for London trong việc rút quảng cáo khỏi Google và YouTube trước thông tin nói trên. Google cũng đã được triệu tập đến văn phòng nội các.
Một nhóm các nghị sỹ có tầm ảnh hưởng thuộc ủy ban lựa chọn của bộ nội vụ đã gửi thông báo đến Google hôm thứ Sáu vừa qua, buộc tội họ "kiếm lợi từ sự thù ghét" chỉ vài ngày sau khi Google, Twitter và Facebook bị buộc tội "mại dâm thương mại" do không xử lý được những phát ngôn thù địch trên các nền tảng của mình một cách thành công.
Nghị sỹ đảng Lao động Yvette Cooper, chủ tịch HASC cho biết bất chấp những trấn an trong phiên làm việc của ủy ban rằng các công ty này không cho phép kiếm tiền dựa trên các phát ngôn thù địch hay nội dung khủng bố, các hãng truyền thông đã tiết lộ rằng "đây không phải là vấn đề được nói đến."
"Các quảng cáo của chính phủ và các thương hiệu lớn vẫn đang được đặt trên các trang web không phù hợp hay đầy sự thù ghét," bà viết. "Kết quả là, Google và các tổ chức này vẫn đang kiếm lời từ sự thù hận."
Cooper kêu gọi Google hoàn tiền cho chính phủ và các nhà quảng cáo khác và giải thích "chuyện này đã xảy ra như thế nào, và phải làm gì để ngăn chúng tái diễn."
Google có thể phải đổi mặt với vô số yêu cầu đòi hoàn tiền đáng xấu hổ, sẽ được gửi đến dưới dạng tín dụng cho các nhà quảng cáo nếu công ty phạm sai lầm khi đặt quảng cáo và kết luận rằng nội dung được đặt quảng cáo đủ phản cảm để làm mất uy tín của thương hiệu.
Nghị sỹ đảng Lao động Yvette Cooper. (Nguồn: Guardian)
|
Nghị sỹ đảng Bảo thủ Tim Loughton, người cũng thuộc ủy ban cho biết nếu các công ty truyền thông xã hội "không tự quản lý được, họ sẽ phải đối mặt với các quy định quản lý thực thụ" - làm tăng khả năng xuất hiện các quy định pháp lý chặt chẽ hơn ở Anh với những người khổng lồ trên internet.
Ông ủng hộ một động thái ở Đức đề nghị mức phạt lên đến 50 triệu euro cho các công ty truyền thông xã hội nếu họ không xóa các nội dung phản cảm trong vòng một tuần.
"Công chúng thực sự rất mong chờ việc các công ty này được đưa vào khuôn khổ," ông nói.
Nghị sỹ đảng Lao động Chuka Umunna cho biết: "Thật không đúng khi các công ty truyền thông xã hội này kiếm được hàng tỷ đô trên các nền tảng của họ nhưng không có những đầu tư cần thiết để quản lý phù hợp."
Trong khi đó, Google đang đối mặt với áp lực thương mại gia tăng khi tập đoàn quảng cáo Havas của Pháp, với các khách hàng như O2, EDF và Royal Mail trở thành công ty tiếp thị toàn cầu lớn đầu tiên rút mọi nguồn chi quảng cáo khỏi nền tảng Google.
Havas, tập đoàn dịch vụ tiếp thị lớn thứ sáu thế giới đã dành khoảng 175 triệu bảng Anh hàng năm cho quảng cáo kỹ thuật số thay mặt các khách hàng ở Anh.
Công ty cho biết đã tiến tới bước đi này sau khi các cuộc thảo luận với Google không đạt kết quả vì "họ không đưa ra được những sự bảo đảm hay chính sách cụ thể về việc các nội dung hay video được phân loại kịp thời hay bằng những bộ lọc chuẩn xác."
Ngài Martin Sorrell, giám đốc điều hành tập đoàn dịch vụ tiếp thị lớn nhất thế giới WPP, cũng phê bình Google, nhưng không đưa công ty này vào danh sách đen quảng cáo.
"Google, Facebook và các công ty khác là công ty truyền thông, vì thế có cùng trách nhiệm như bất kỳ công ty truyền thông nào khác. "Họ không thể cứ gọi mình là công ty công nghệ, nhất là khi họ đặt quảng cáo kiểu đó," ông nói.
Trong khi đó, Publicis, tập đoàn tiếp thị lớn thứ ba thế giới cho biết đang đánh giá lại quan hệ toàn cầu của mình với Google và YouTube. Công ty có các khách hàng như Samsung, Coty and Mars tỏ ra gay gắt trước những thất bại của Google.
"Publicis Media cam kết ở tuyến đầu trong nỗ lực bảo vệ an toàn thương hiệu, khả năng được nhìn thấy và các tiêu chuẩn và giao thức xác minh," một người phát ngôn của công ty cho biết. "Chúng tôi đề nghị các nhà xuất bản, bao gồm cả Google và YouTube, phải có trách nhiệm bảo đảm những tiêu chuẩn quảng cáo cao nhất luôn được đáp ứng."
Tesco cũng đã gia nhập đội ngũ các nhà quảng cáo "tạm dừng" tiêu dùng quảng cáo trên YouTube trong thời gian này.
Trước áp lực ngày càng gia tăng, Google đã hứa rằng sẽ thực hiện "đánh giá chi tiết các chính sách quảng cáo và kiểm soát thương hiệu của chúng tôi." Ronan Harris, giám đốc quản lý Google Anh cho biết công ty sẽ thực hiện các thay đổi trong những tuần sắp tới để cho các thương hiệu nhiều quyền kiểm soát địa điểm xuất hiện quảng cáo của họ.
Harris cho biết có 400 giờ video được tải lên YouTube mỗi phút, và năm ngoái Google đã gỡ bỏ 2 tỷ "quảng cáo xấu" khỏi hệ thống, gỡ hơn 100.000 nhà xuất bản khỏi chương trình AdSense và ngăn quảng cáo xuất hiện trên hơn 300 triệu video YouTube.
"Chúng tôi đã nghe từ các nhà quảng cáo một cách rất rõ ràng rằng chúng tôi có thể mang lại những cách đơn giản và tích cực hơn để ngăn quảng cáo của họ xuất hiện cạnh những nội dung gây tranh cãi."
Cuộc tranh cãi nổ ra sau khi một bài điều tra của tờ Times tiết lộ rằng quảng cáo của các cơ quan chính phủ, kênh Channel 4, BBC, Argos, L’Oréal và nhiều tên tuổi khác được đặt cạnh những video YouTube của những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng người Mỹ, một nhà thuyết giáo thù địch bị cấm ở Anh và một nhà tuyên truyền Hồi giáo gây tranh cãi.
Các quảng cáo thuộc chương trình thành viên của Guardian đã được đặt cạnh nhiều nội dung cực đoan sau khi một công ty quảng cáo thay mặt tập đoàn này sử dụng công cụ thương mại tự động AdX của Google. Guardian đã rút quảng cáo của mình khỏi Google và YouTube để phản ứng lại.
Việc sử dụng thương mại tự động để tự động hóa quá trình mua và bán quảng cáo trực tuyến đang ngày càng gây tranh cãi, làm dấy lên những quan ngại về ảnh hưởng tới doanh thu truyền thông và hỗ trợ các nội dung cực đoan.
Một người phát ngôn của chính phủ cho biết chính phủ đã ra lệnh cấm tạm thời quảng cáo trên YouTube để chờ bảo đảm. Google đã được triệu tập đến Văn phòng nội các để "giải thích cách thực hiện các dịch vụ chất lượng cao mà chính phủ yêu cầu thay mặt những người nộp thuế".
Theo VietnamPlus