Chỉ mới ngày đầu khai mạc, triển lãm CES 2017 đã chứng kiến sự xuất hiện của không ít thiết bị công nghệ "độc, dị", phô diễn sự sáng tạo và trí tưởng tượng bay bổng của các nhà sản xuất.
Huấn luyện viên tóc Kérastase
Thiết bị có cái tên khá lạ "Huấn luyện viên tóc" Kérastase là một loại lược thông minh dành riêng cho việc chăm sóc mái tóc. Sản phẩm này sử dụng các cảm biến của hãng Withings và các thuật toán "phân tích tín hiệu" do Trung tâm nghiên cứu và cải tiến công nghệ của L'Oreal phát triển để đánh giá sức khỏe mái tóc của người dùng cũng như đo đếm tác động của những liệu trình chăm sóc tóc khác nhau đối với nó.
Giống như phần lớn các thiết bị thông minh, lược Kérastase truyền mọi thông tin thu thập được, bao gồm cả những tình trạng hư hại của tóc như khô, xơ, chẻ ngọn, ... và điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, tia UV tới một ứng dụng di động thông qua wifi hoặc Bluetooth để người dùng có thể thực sự "hiểu và cải thiện các kiểu chải tóc". Thiết bị dự kiến có giá bán lẻ ra thị trường dưới 200 USD/sản phẩm. Do hãng phát hành mới chỉ trưng bày các nguyên mẫu lược thông minh nên đa số khách tham quan triển lãm chưa có cơ hội được thực sự trải nghiệm "Huấn luyện viên tóc".
Hộp yêu LoveBox
Nếu nuối tiếc cách thể hiện của các tin nhắn gửi từ điện thoại vỏ sò hồi thập niên 90, bạn có thể bỏ tiền tậu một chiếc hộp nhận tin nhắn đặc biệt, có tên gọi là LoveBox. Được chế tạo từ gỗ sồi và trang bị một màn hình số phản chiếu bên trong, LoveBox hiển thị các thông điệp được gửi tới thông qua ứng dụng tương thích. Nếu hộp chứa tin nhắn chưa được đọc, bộ phận hình trái tim bên ngoài hộp sẽ xoay tròn. Sản phẩm này được định giá là 120 USD và sẽ bắt đầu được phân phối ở Mỹ vào tháng 6 năm nay.
Bát ăn thông minh cho thú cưng Catspad
Được quảng cáo như "trợ lý thông minh cho thú cưng của bạn", Catspad thực chất là một bộ hai bát tự động, cung cấp thức ăn và nước đã được lọc. Tại CES 2017, khách tham quan được chứng kiến hai chiếc bát tự động làm đầy nước và thức ăn khi họ ra lệnh cho chúng thực hiện việc đó. Theo các nhà sáng chế, người dùng có thể giám sát và lên thời gian biểu các bữa ăn cho thú cưng (chó, mèo) thông qua một ứng dụng smartphone. Họ dự kiến sẽ ra mắt Catspad trên trang huy động vốn cộng đồng vào cuối tuần này, với giá phát hành là 199 USD/sản phẩm. Năm ngoái, nhóm sáng chế đã không thể quyên đủ số tiền cần thiết cho dự án trên trang gọi vốn Indiegogo.
Khối hộp thông minh 42tea
Các loại trà khác nhau được hãm ngon nhất ở các mức nhiệt độ khác nhau. Các chuyên gia trà đạo có thể tiết lộ cho bạn biết rằng, trà đen đòi hỏi nước nóng già hơn trà xanh hoặc trà trắng. Sản phẩm khối hộp thông minh của công ty 42tea cũng có thể nói cho người dùng biết điều đó.
Chọn loại trà mình sắp dùng trên ứng dụng 42tea, rồi đặt khối hộp vào trong nước nóng. Ứng dụng sẽ cảnh báo bạn khi nào đến mức nhiệt độ thích hợp để hãm loại trà đã chọn. 42tea đã lên kế hoạch bán ra thị trường khối hộp thông minh vào cuối năm nay. Ngoài sản phẩm này, công ty cũng đang sản xuất 12 - 13 loại trà khác nhau và mục tiêu cuối cùng là nâng tổng sản phẩm trà lên con số 42.
Máy chụp ảnh cho tủ lạnh Smarter FridgeCam
Hãng Smarter cho rằng, người dùng sẽ sẵn sàng chi ra 150 USD để mua một chiếc máy chụp ảnh cho tủ lạnh, thay vì phải mất tới hàng ngàn USD để tậu một chiếc "tủ lạnh thông minh" kết nối Internet. Sản phẩm FridgeCam của Smarter được lắp đặt bên trong tủ lạnh và chụp ảnh những gì chứa đựng bên trong nó, chẳng hạn như nửa hộp sữa hoặc thanh kẹo quá hạn bạn đáng lẽ đã phải vứt bỏ từ ngày hôm qua. Bạn có thể xem các bức ảnh trên một ứng dụng tương thích để gợi nhắc bản thân khi chuẩn bị đi siêu thị mua sắm đồ. Ứng dụng cũng sẽ đề xuất các món ăn cùng công thức nấu dựa vào những thứ có trong tủ lạnh của bạn.
Tuy nhiên, nhược điểm của loại máy ảnh trên là chỉ chụp được những gì ở phía trước nó. Điều này đồng nghĩa, bạn sẽ không có được bức ảnh ghi lại trọn vẹn mọi thứ chứa bên trong tủ lạnh. Để xem được toàn bộ, bạn sẽ phải mua thêm chiếc máy ảnh thứ hai.
Tuấn Anh (Theo CNN)