- Tại buổi làm việc với Bộ TT&TT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của Bộ TT&TT trong quản lý lĩnh vực công nghệ, báo chí, dẫn dắt quá trình chuyển đổi số để đóng góp vào khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ.
Sáng 8/9/2018, tại trụ sở Bộ TT&TT, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến làm việc với Bộ TT&TT. Ảnh: Doãn Mạnh. |
Tham dự buổi làm việc có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT kiêm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc những nội dung cơ bản về hoạt động của Bộ TT&TT trong thời gian qua.
Quyền Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo Thủ tướng về kết quả các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ. Ảnh: Doãn Mạnh. |
Thời gian qua, ngành TT&TT ngày càng khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội, có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Theo đó, Bộ TT&TT là một Bộ quản lý đa lĩnh vực tập trung vào hai nhiệm vụ chính là Công nghệ và Tuyên truyền. Về mảng công nghệ, Bộ TT&TT là một Bộ quản lý về công nghệ, công nghiệp thông tin và Truyền thông, điện tử viễn thông đã đóng góp một phần rất lớn trong nền kinh tế đất nước.
Đồng thời, Bộ TT&TT là Bộ quản lý Nhà nước về báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử; xuất bản, in và phát hành. Đây chính là một công cụ quan trọng của Đảng, Nhà nước để tạo nên niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, khơi dậy khát vọng và tự hào dân tộc, nhằm cổ vũ và nâng cao sức mạnh tinh thần của đất nước.
Sẵn sàng cho CMCN 4.0
Tại buổi làm việc, ngoài nội dung báo cáo về thành quả trong các lĩnh vực Bưu chính Viễn thông, CNTT, An toàn thông tin, Công nghiệp và công nghệ, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã giới thiệu về Công nghệ 4.0.
Thực tế các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (big data) đã được ứng dụng từ vài năm trước tại Việt Nam, trong hệ thống chặn lọc tin nhắn rác tự động của các Viettel, và mới đây là Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia với khả năng quét lọc lượng thông tin rất lớn trên Inernet do người dùng và các mạng xã hội tạo ra mỗi ngày.
Các giải pháp công nghệ 4.0 khác hiện đã triển khai có thể kể đến như nền tảng kết nối IoT của VNPT, hệ thống kết nối camera giám sát thông minh của VP9, hay thử nghiệm xe ô tô tự lái của FPT...
Định hướng của Bộ TT&TT trong tương lai là sẽ thành lập tổ công tác thúc đẩy CMCN 4.0, nghiên cứu thành lập quỹ đầu tư vào các doanh nghiệp công nghệ 4.0 và sản phẩm công nghệ 4.0; kêu gọi các tập đoàn lớn về công nghệ thành lập một số phòng Lab 4.0 để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Công nghệ 4.0 cũng sẽ thay đổi các ngành nghề khác với khái niệm X-Tech. Nếu FinTech là khái niệm ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực tài chính, thì trong tương lai công nghệ sẽ len lỏi vào tất cả các lĩnh vực khác như Nông nghiệp (AgriTech), Giáo dục (EduTech), Du lịch (TravelTech)…
Theo Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Công nghệ 4.0 sẽ thay đổi mô hình kinh doanh của các ngành nghề, mở ra một không gian rất lớn cho các công ty khởi nghiệp sáng tạo mới, tạo nên sự phát triển chung của nhiều lĩnh vực.
Nhiều cơ quan chủ quản báo chí buông lỏng quản lý
Về lĩnh vực báo chí, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu ra vấn đề tồn tại hiện nay là có quá nhiều cơ quan chủ quản báo chí. Không ít cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý, dẫn tới nhiều vấn đề tiêu cực trong báo chí thời gian qua, làm mất uy tín của những người làm báo chân chính.
Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc triển khai nghị quyết của Trung ương về quy hoạch báo chí, Bộ TT&TT cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý nội dung báo chí, đưa vào trung tâm lưu chiểu toàn bộ các nội dung báo chí đã được số hóa.
Một vấn đề khác là tình trạng báo chí hóa trang tin điện tử. Hiện các trang tin điện tử được cấp phép khá dễ dàng, nhưng công tác quản lý chưa theo kịp để kiểm soát hoạt động của hơn 1500 trang tin này, cũng như hiện tượng báo chí hóa trang tin, vượt ra ngoài phạm vi tôn chỉ mục đích trang thông tin.
Lĩnh vực phát thanh truyền hình hiện có doanh thu quảng cáo khoảng hơn 10 ngàn tỷ, nhưng có tới 34 doanh nghiệp truyền hình trả tiền, 67 đài PTTH, 5 trung tâm truyền hình. Tuy nhiên doanh thu quảng cáo từ PTTH đang bị các mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube chiếm lấy, nên các doanh nghiệp và đài truyền hình ngày càng khó khăn trong việc tự chủ tài chính. Để giải quyết vấn đề này, Bộ TT&TT đề xuất nên xây dựng một số đài truyền hình cấp quốc gia làm trọng tâm, như mô hình của các nước trên thế giới.
Chế tài xử lý báo chí sai phạm còn nhẹ, không đủ sức răn đe
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Doãn Mạnh. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đồng tình với báo cáo của Bộ TT&TT. Tuy nhiên, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Bộ TT&TT cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện những quy định pháp luật trong lĩnh vực báo chí. Quan điểm của Đảng là không có báo chí tư nhân nhưng trên thực tế tư nhân có mặt trong nhiều khâu quan trọng của hoạt động báo chí, như các chương trình liên kết. Hiện chưa có những quy định cụ thể để xử lý nên tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường khi có vấn đề xảy ra.
Một số quy định pháp luật liên quan đến tôn chỉ, mục đích, báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử, tên miền, quy định về trích dẫn, đưa lại thông tin,… chưa rõ ràng nên trong thực tế triển khai gần như mất kiểm soát.
Công tác thanh tra, kiểm tra chưa tương xứng với yêu cầu thanh tra, kiểm tra trong giai đoạn hiện nay. Chế tài xử lý còn rất nhẹ, không đủ sức răn đe.
Trưởng ban Tuyên giao Trung ương cũng lưu ý Bộ cần khẩn trương thực hiện Quy hoạch báo chí, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí chủ lực, cơ quan báo chí lớn, có đông bạn đọc, bạn xem, bạn nghe đài… phát triển, thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, đóng vai trò chủ lực, định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội.
Đối với lĩnh vực xuất bản, sắp xếp lại các nhà xuất bản theo đúng tiêu chí, điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.
Khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc công nghệ
Sau khi nghe báo cáo của Quyền Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và ý kiến đóng góp của các bộ ngành liên quan cho sự phát triển của ngành TT&TT, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của Bộ TT&TT trong quản lý lĩnh vực công nghệ, báo chí, dẫn dắt quá trình chuyển đổi số để đóng góp vào khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ., khát vọng về quốc gia 4.0.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Doãn Mạnh. |
Thủ tướng nhìn nhận trong thời gian qua, báo chí cách mạng cũng có đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước. Ngành TT&TT có nhiều nhân tài, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ, trong đó có tập đoàn “tỷ USD”, tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng GDP, tăng đến 18% về doanh thu.
Với sự tham mưu của Bộ TT&TT và các bộ, ngành chức năng khác, Chính phủ đã chủ động đón bắt thời cơ CMCN 4.0. Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; Quyền Bộ trưởng TT&TT dù mới nhận nhiệm vụ nhưng đã đoàn kết, thống nhất, tập hợp lực lượng khoa học công nghệ và doanh nghiệp, một lực lượng quan trọng đối với sự phát triển đất nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra Bộ TT&TT còn tồn tại một số mặt hạn chế, yếu kém như triển khai quy hoạch báo chí chậm. Quản lý báo chí, mạng xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập. Tình trạng báo chí bị thương mại hóa với việc đăng tải thông tin, hình ảnh thiếu văn hóa, thiếu nhân văn và phản giáo dục, tác động tiêu cực, làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí. Công tác tham mưu cơ chế, chính sách vẫn còn những trường hợp chậm, chất lượng chưa cao, thậm chí còn để xảy ra sai sót, vi phạm.
Thủ tướng cũng đánh giá việc phân bổ băng tần viễn thông phục vụ phát triển, hoàn thiện chất lượng dịch vụ mạng 4G, tiến tới 5G còn lúng túng, chậm trễ, cụ thể là tốc độ triển khai mạng 4G tại Việt Nam hiện mới đứng thứ 75 trên thế giới. Việt Nam hiện bị đánh giá là là nước có nguy cơ nhiễm mã độc cao trên thế giới, là một trong các nước đứng đầu về tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại qua các thiết bị đa phương tiện, tuy nhiên còn lúng túng, bị động trong việc khắc phục.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng cho rằng, chúng ta cần tiến tới một nền kinh tế số, xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển thương mại điện tử, xây dựng thành phố thông minh, áp dụng nhanh hơn, tốt hơn trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật (IoT), tự động hóa, robot, dữ liệu lớn… hiện đang làm thay đổi mô hình kinh doanh, phương thức hoạt động trên mọi lĩnh vực.
Việc đổi mới tư duy về quản trị nhà nước không chỉ thúc đẩy sự phát triển công nghệ mà còn phải bảo vệ cuộc sống của người dân an toàn trong không gian số. Những vấn đề này rất quan trọng mà “Bộ TT&TT là cơ quan hướng dẫn về mặt quản lý Nhà nước để thực hiện, thúc đẩy”, Thủ tướng nói.
Để bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0, cần tiến hành số hóa quốc gia càng nhanh càng tốt. Chuyển đổi số phải là nền tảng đi sâu vào mọi ngành, lĩnh vực, tổ chức, doanh nghiệp của cả khu vực công và tư. Bộ TT&TT phải giữ vai trò dẫn dắt công tác này, đi đầu trong đổi mới tư duy, thử nghiệm những cách làm mới, chủ động đề xuất cơ chế chính sách có tính đột phá, cùng các bộ, ngành liên quan tích cực hợp tác, hỗ trợ để nước ta có thể trở thành một trong những nước đi đầu trong cách mạng công nghiệp 4.0.
Khẩn trương triển khai thực hiện quy hoạch báo chí
Thủ tướng đề nhắc lại một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ TT&TT là công tác quản lý báo chí. Bộ cần khẩn trương triển khai thực hiện quy hoạch báo chí theo kết luận của Bộ Chính trị và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, bảo đảm khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như các biện pháp mới, mạnh mẽ của Chính phủ, các cấp, các ngành trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đấu tranh phản bác đối với những luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu độc; xử lý nghiêm các vi phạm.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý báo chí, thông tin điện tử và mạng xã hội. Có giải pháp hiệu quả để giám sát, quản lý các mạng xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phân tích dự báo xu thế thông tin và những vấn đề nổi cộm trên mạng xã hội.
Tăng cường công tác quản lý đối với các nhà xuất bản và hoạt động xuất bản, bảo đảm theo đúng các quy định của Luật Xuất bản, khắc phục các sai sót trong hoạt động xuất bản.
Bộ TT&TT cũng cần tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật, tháo gỡ các khó khăn để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng viễn thông. Chỉ đạo xây dựng một số doanh nghiệp dẫn đầu, đầu tầu cho cách mạng công nghiệp 4.0.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông từ khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo để nước ta chuyển từ nước nhập khẩu thành nước sản xuất các sản phẩm này, từ nước gia công phần mềm cho nước ngoài thành nước phát triển phần mềm.
Ứng dụng công nghệ cao để ngày càng có nhiều sản phẩm công nghệ thông tin mang nhãn hiệu “Made in Viet Nam”, đưa nước ta thành cường quốc về công nghệ thông tin, hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển thông minh trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Công nghiệp công nghệ thông tin không chỉ sản xuất các sản phẩm dân dụng mà còn phục vụ quốc phòng, an ninh như vệ tinh viễn thám, ra đa, thiết bị bay không người lái, hệ thống chỉ huy điều khiển…
Bộ TT&TT cũng cần tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, trong đó chú trọng hoàn thiện một số thể chế như cơ chế đầu tư mua sắm, thuê sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin, định danh điện tử cho tổ chức cá nhân… Khẩn trương xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, hướng tới Chính phủ số và dữ liệu mở tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… Tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.
Triển khai các giải pháp để đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Chú trọng việc đào tạo, chuyển đổi nhân lực đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ và sản xuất của cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhân dịp này, Thủ tướng chúc Bộ TT&TT luôn xứng đáng với 10 chữ vàng của ngành: “Trung thành, Dũng cảm, Tận tụy, Sáng tạo, Nghĩa tình” và khẳng định “sẽ luôn đồng hành với các đồng chí trên con đường nhiều khó khăn, thách thức này”.
H.P. – VGP
Sinh viên cần được truyền cảm hứng để tạo ra thiết bị Made in Việt Nam
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, tương lai là cái có thể tạo ra, chẳng có điều gì vượt ngoài tầm với, miễn là chúng ta làm việc chăm chỉ và sẵn sàng dám mơ ước cho những điều lớn lao.
Kết hợp Công nghệ và Tuyên truyền vì mục tiêu cường quốc ICT
Quyền Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng xác định Bộ sẽ tạo ra cơ chế, chính sách thuận lợi để hai mảng Công nghệ và Tuyên truyền cùng hợp tác, cùng phát triển vì một cường quốc về ICT.
Đổi mới chính phủ vì sự phát triển bền vững
Diễn đàn Quản trị nhà nước châu Á có chủ đề: Đổi mới chính phủ vì sự phát triển bền vững: Hướng tới xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ.
Muốn không gian mạng an toàn, cần quản lý từng hành vi người dùng
Có những cô gái mất cả tuổi thanh xuân vì những lời đàm tiếu của cộng đồng. Muốn ngăn chặn hành vi “ném đá” trên Internet, cơ quan chức năng cần quản lý định danh đến từng người dùng mạng xã hội.
Cần 'đóng dấu chính chủ' cho mọi tài khoản mạng xã hội?
Mạng xã hội là môi trường rộng mở, giúp ai cũng có thể chia sẻ thông tin, quan điểm của mình. Tuy nhiên với môi trường không gian ảo và tài khoản ẩn danh, hiện tượng thông tin giả mạo đang trở thành vấn nạn trên Google, Facebook, Twitter...
Việt Nam cần thêm chế tài để quản lý Google, Facebook
Kinh nghiệm cùng mô hình quản lý của các nước Châu Âu, Trung Quốc hay Malaysia là những ví dụ đáng tham khảo để những nước có đông đảo người dùng Internet như Việt Nam thắt chặt quản lý các loại hình mạng xã hội.