Đặc điểm của kinh tế số là toàn bộ hoạt động kinh tế đều dựa trên nền tảng số, điều này cũng đúng với các doanh nghiệp trong ngành tài chính - ngân hàng.
Theo dự đoán của Citi GPS - Global Perspectives & Solutions, đến năm 2025, khoảng 1/3 doanh thu của các ngân hàng truyền thống được quản lý bởi các mô hình kinh doanh mới. Khi đó, các dịch vụ như thanh toán, quản lý tài sản, dịch vụ thẻ tín dụng, cho vay thế chấp, tiêu dùng, doanh nghiệp,... đều sẽ được số hóa ở một mức nhất định.
Ông Nguyễn Hưng - CEO ngân hàng TP Bank chia sẻ về chiến lược phát triển ngân hàng số tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt |
Chia sẻ tại Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đại diện Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank) đã nói về chặng đường mà doanh nghiệp này từng bước chuyển đổi với mục tiêu trở thành một ngân hàng số.
Theo đó, kể từ năm 2017, TP Bank đã bắt đầu chiến lược chuyển đổi số của mình với việc đưa vào hoạt động các điểm giao dịch tự động 24/7 (Live Bank) nhằm thay thế cho các điểm giao dịch truyền thống. Ở thời điểm này, TP Bank cũng đã triển khai dịch vụ thanh toán qua mã QR và cung cấp mã PIN điện tử.
Tiếp đến, ngân hàng này đã đưa vào hoạt động hệ thống tự động nhận dạng giọng nói khách hàng qua hotline, app ngân hàng ứng dụng AI, Machine Learning, dịch vụ chuyển tiền quốc tế bằng công nghệ Blockchain,...
Và đến thời điểm hiện tại, TP Bank có khoảng 300 điểm giao dịch Live Bank trên toàn quốc. Cứ mỗi 3 điểm giao dịch này sẽ có hiệu quả tương đương 1 chi nhánh giao dịch. Điều này cũng đã góp phần vào việc thay đổi thói quen và tăng cường trải nghiệm cho người sử dụng các dịch vụ ngân hàng.
Nhiều ngân hàng tại Việt Nam đang bắt tay vào chuyển đổi số bằng cách ứng dụng nhiều công nghệ. Ảnh: Trọng Đạt |
TP Bank hiện đang phát triển công nghệ định danh điện tử, nhận dạng khuôn mặt, bù trừ điện tử, công nghệ phân tích và xử lý dữ liệu lớn cho dự báo, tìm kiếm,..., bên cạnh đó là việc số hóa tới 90% quy trình hoạt động mà không cần dùng đến giấy tờ. Mục tiêu của doanh nghiệp này là phát triển được một hệ sinh thái ngân hàng số.
Theo đại diện TP Bank, bản thân giải pháp của các nhà cung cấp ( dù trong hay ngoài nước) cũng chỉ là công cụ. Việc triển khai, khai thác hiệu quả các công nghệ, giải pháp này để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới chính là việc thúc đẩy chiến lược Make in Vietnam.
Chúng ta phải có chiến lược lớn nhưng phải bắt đầu từ những việc nhỏ. Phải làm sao để mọi người nghĩ rằng công nghệ không phải điều gì quá cao siêu mà có thể triển khai được một cách dễ dàng.
Ngân hàng này cho rằng, đổi mới sáng tạo là động lực và chìa khóa tăng trưởng. Do vậy, TP Bank đang tích cực đổi mới số toàn diện về nguồn nhân lực, tổ chức quy trình cũng như phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng số.
Trọng Đạt