Theo đó, công trình nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR phát hiện SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 do Học viện Quân y phát triển đã được trao tặng giải thưởng Bảo Sơn năm 2020.
Đây là giải thưởng do Quỹ Giáo dục Bảo Sơn – Tập đoàn Bảo Sơn và Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức thường niên từ năm 2011.
Giải thưởng được trao cho 5 lĩnh vực gồm: Cải cách giáo dục và đào tạo; Xóa đói, giảm nghèo; Phát triển kinh tế bền vững; Y – dược học, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng và Văn học với giá trị giải thưởng tăng dần theo từng năm.
KIT test Covid-19 Việt Nam nhận giải thưởng 60.000 USD. |
Bộ sinh phẩm real-time RT-PCR phát hiện SARS-CoV-2 đã được sản xuất trên 200.000 test tại Việt Nam. Số test này nhằm phục vụ việc xét nghiệm sàng lọc phát hiện bệnh nhân Covid-19 ở 63 trung tâm, bệnh viện lớn trong cả nước như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, CDC Hà Nội, Đà Nẵng,…
Theo đơn vị sản xuất, tổng số lượng KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam đã xuất khẩu là khoảng hơn 20.000 bộ. Mỗi bộ KIT do Việt Á sản xuất bao gồm 50 test. Mức giá của mỗi test này dao động trong khoảng từ 400.000 - 600.000 đồng. Mỗi test dùng được cho một lần thử.
Bộ sản phẩm này hiện đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE) và đang trong quá trình làm thủ tục xin chứng nhận FDA để có đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Theo ông Phan Quốc Việt, đại diện đơn vị sản xuất bộ KIT test Covid-19 của Học viện Quân y, đã có tổng cộng 20.000 KIT xét nghiệm Covid-19 Việt Nam được xuất khẩu đi 8 nước. Ảnh: Trọng Đạt |
Đánh giá về công trình nghiên cứu sản xuất bộ KIT test Covid-19, Ban tổ chức cho biết, việc ra đời được bộ sinh phẩm “Made in Vietnam” có ý nghĩa xã hội to lớn. Ngoài việc giúp Việt Nam không phải mua những KIT chẩn đoán của nước ngoài với giá thành cao, việc chủ động sản xuất được bộ KIT trong nước cũng giúp giảm giá thành sản phẩm và khẳng định thương hiệu Việt Nam trên bản đồ khoa học công nghệ Quốc tế.
Ngoài bộ KIT test Covid-19, giải thưởng Bảo Sơn năm nay còn vinh danh Công trình Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa của PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng và nhóm cộng sự đến từ ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.
Kết quả từ công trình nghiên cứu này quá trình sấy được tiến hành ở điều kiện nhiệt độ của nguyên vật liệu ẩm thấp, dưới điểm nước kết tinh (dưới 0 độ C) trong môi trường chân không gần như tuyệt đối.
Nhờ vậy, sản phẩm sau khi sấy giữ lại toàn bộ tính chất tự nhiên và bảo toàn toàn bộ chất lượng nguyên liệu như ban đầu. Công nghệ này giúp bảo quản một số loại thực phẩm đặc biệt với thời gian lên tới 6 năm mà không cần dùng tới chất bảo quản.
Trọng Đạt