Trước khi làn sóng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc lên đến đỉnh điểm do những căng thẳng trong mối quan hệ giữa 2 nước Ấn-Trung, Ấn Độ từ lâu vốn là “sân chơi” riêng các ông lớn sản xuất smartphone Trung Quốc.
Với dân số hơn 1,3 tỷ người, 800 triệu người Ấn Độ đang sử dụng điện thoại di động, trong đó 495 triệu người sở hữu trên tay chiếc điện thoại smartphone.
Theo con số thống kê của Counterpoint Research, 4/5 thương hiệu điện thoại đang thống lĩnh thị trường Ấn Độ thuộc về tay những cái tên như Xiaomi, Realme, Oppo và Vivo chiếm 73% thị phần.
4 trên 5 hãng điện thoại thống lĩnh thị trường Ấn Độ thuộc về tay các thương hiệu Trung Quốc. Ảnh: Counterpoint Research. |
Tuy là gã khổng lồ sản xuất điện thoại thông minh trên thế giới, Samsung tỏ ra khá “hụt hơi” trong cuộc đua cạnh tranh thị phần smartphone tại Ấn Độ khi chỉ xếp thứ 3 với 16%.
Nhưng, gió đổi chiều, thuận lợi hơn bao giờ hết, Samsung đang có trong tay cơ hội để thay đổi hoàn toàn cục diện hiện nay.
Khi các ông lớn Trung Quốc “ngã ngựa”
Là đối thủ duy nhất không dán nhãn “Made in China” có khả năng cạnh tranh trong cuộc đua thị phần, Samsung trong 3 năm qua đã để tuột mất nhiều khách hàng Ấn Độ vào tay các thương hiệu Trung Quốc do có giá trị sản phẩm bị đánh giá thấp hơn.
Tuy nhiên, thị trường màu mỡ này vẫn đem lại khoảng 7,5 tỷ USD doanh thu hàng năm cho tập đoàn.
Smartphone Trung Quốc có cấu hình cao, giá về tay rẻ, người dân Ấn Độ vẫn cần thời gian làm quen dần với các sản phẩm Samsung. Ảnh: Xinhua. |
Đi kèm với đó, sức mạnh sản xuất và khả năng cung ứng nhiều linh kiện đang là yếu tố quan trọng giúp Samsung dần thoát khỏi sức tàn phá của đại dịch Covid-19.
Trong khi những thương hiệu như Xiaomi hay Oppo gặp nhiều xáo trộn liên quan đến sản xuất tại địa phương, Samsung vẫn có khả năng cung cấp liên tục nhiều đơn hàng smartphone.
Kể từ tháng 6/2020, Samsung đã cho ra mắt 7 mẫu điện thoại thông minh, 3 trong số đó có mức giá tương đối hợp lý với túi tiền của người dân Ấn Độ, khoảng dưới 133 USD.
“Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng smartphone cho nhiều lĩnh vực, từ giáo dục trực tuyến cho đến thanh toán kỹ thuật số, ngoài ra không thể không nhắc đến khả năng kết nối bạn bè xung quanh như video call. Đó là lý do tại sao các dòng điện thoại phân khúc này tập trung vào thị trường đại chúng”, một nguồn tin quen thuộc với các chiến lược của Samsung tại Ấn Độ cho biết.
Vào tháng 5/2020, Samsung đã có chiến dịch đào tạo khoảng 200.000 cửa hàng của hãng cách sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để bán hàng và tiếp thị. Đồng thời Samsung cũng đưa ra nhiều chương trình trả góp cho khách hàng với nhiều ưu đãi, bao gồm chương trình giảm giá sản phẩm cho học sinh, sinh viên.
Quý II/2020, tầm phủ sóng của Samsung đã tăng lên đáng kể khi vươn lên vị trí thứ 2 với 26% thị phần, chỉ sau thương hiệu Xiaomi (29%).
Người phát ngôn của Samsung cho biết công ty từ lâu đã chứng kiến lượng nhu cầu điện thoại thông minh gia tăng mạnh tại Ấn Độ và dự đoán doanh thu sẽ bắt đầu tăng kể từ năm 2019.
Samsung vẫn phải đối mặt nhiều đối thủ
Với người dân Ấn Độ, các dòng smartphone của những thương hiệu đến từ Trung Quốc vẫn là một món hàng hấp dẫn. Tuy phong trào tẩy chay hàng hóa vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các mẫu điện thoại thông minh Trung Quốc nổi tiếng về cấu hình, chất lượng cao cũng như giá thành phải chăng đã khiến nhiều khách hàng Ấn Độ phải đắn đo suy nghĩ.
Samsung cho dù được đánh giá là thương hiệu tốt hơn vẫn phải tính nhiều phương án cạnh tranh về giá với các sản phẩm đến từ Trung Quốc.
Giá thành sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng quyết định khả năng mua hàng của người dân Ấn Độ. Ảnh: Samsung. |
Không chỉ vậy, thỏa thuận sản xuất và chế tạo các mẫu smartphone chạy hệ điều hành Andoird giá rẻ giữa công ty Ấn Độ Reliance Industries và Google cũng được xem là mối đe dọa đối với doanh số bán hàng của Samsung tại thị trường này.
“Về tính thương hiệu, Samsung đang đứng ở vị trí thứ 2 sau Apple, vậy nên các mẫu điện thoại của Samsung có giá thành từ 80-200 USD sẽ là một phương án tốt để chiếm lấy thị phần từ tay các đối thủ Trung Quốc”, chiến lược gia Harish Bijoor cho biết.
Tính đến thời điểm hiện tại, mẫu iPhone rẻ nhất có giá khoảng 418 USD, trong khi chiếc điện thoại thông minh Xiaomi rẻ nhất có giá khoảng 100 USD ở thị trường Ấn Độ
Theo SCMP, dù không thích mua các sản phẩm Trung Quốc, Ganesh Salvi, một người dân tại thị trấn Satara phía tây bang Maharashtra cho biết anh vẫn phải đầu tư một chiếc smartphone thương hiệu Trung Quốc cho con trai 16 tuổi để phục vụ nhu cầu học tập.
“Tôi tin rằng điện thoại di động của Samsung sẽ bền hơn các thương hiệu Trung Quốc, chắc chắn tôi sẽ mua nếu chúng có giá dưới 133 USD”, anh Salvi cho biết.
Theo Zing
Huawei đoạt ngôi vương smartphone của Samsung
Huawei vượt Samsung trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới trong quý II/2020 nhờ vào thị trường Trung Quốc.