Trong một bài bình luận được World Journal xuất bản vào tháng 10/2020, Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên bố sẽ “tập trung thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Mỹ” nếu được người dân tín nhiệm. Bên cạnh đó, vì lợi ích quốc gia, nước Mỹ dưới thời ông Biden sẽ vẫn bỏ ngỏ khả năng hợp tác với Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích, cuộc chiến ngành công nghiệp bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ còn tiếp tục diễn ra dưới thời ông Biden. Tuy nhiên, giới phân tích dự đoán chính quyền tổng thống mới sẽ có phương án tiếp cận khác nhằm kìm hãm khả năng sản xuất chip tự lực của Bắc Kinh.
“Ông Biden tỏ ra rất kiên quyết với Trung Quốc. Nhưng, những thay đổi về chính sách công nghệ sẽ không xảy ra ngay lập tức. Mối quan tâm hàng đầu của ông Biden hiện nay là đối phó với bệnh dịch”, Bryan Ma, Phó chủ tịch mảng chiến lược khách hàng của công ty nghiên cứu IDC, nhận xét.
Nhiều nhà phân tích cho rằng ông Biden sẽ cứng rắn hơn với công nghệ Trung Quốc. Ảnh: Soohee Cho. |
Trong tương lai, Trung Quốc sẽ gặp nhiều thách thức trên con đường tự lực mảng bán dẫn. Ngoài các mối quan hệ ngoại giao, sự thiếu hụt công nghệ lõi cũng là nguyên nhân cản trở quá trình phát triển của quốc gia này, ngay cả khi chính phủ Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD.
“Ngành công nghiệp chip đòi hỏi định hướng thị trường, sự tích lũy công nghệ và sử dụng nhiều nhân tài. Tôi tin ông Biden sẽ vẫn đi theo con đường của người tiền nhiệm, tác động đến các đồng minh và buộc chính quyền Bắc Kinh nhượng bộ nhiều hơn”, Roger Sheng, chuyên gia phân tích tại Research Gartner, nhận định.
Theo Will Hunt, nhà phân tích tại Trung tâm An ninh và Công nghệ, thay vì tăng cường biện pháp hạn chế Trung Quốc, Mỹ cần hợp tác với Nhật Bản và Hà Lan để kiểm soát các công nghệ lõi cũng như thiết bị sản xuất chất bán dẫn.
Ngày nay, vật liệu bán dẫn là nền tảng cho các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, 5G, điện thoại thông minh, xe tự hành. Ngành công nghiệp này đang là tâm điểm trong cuộc xung đột thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Kể từ thời ông Trump, Mỹ đã và đang cắt giảm khả năng tiếp cận công nghệ lõi của Trung Quốc. Phần lớn công nghệ bán dẫn hiện nay đều bắt nguồn từ Mỹ. Tháng 5/2020, giới chức Washington đã mở rộng lệnh trừng phạt Huawei. Theo đó yêu cầu các nhà sản xuất chip nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ phải có giấy phép chấp thuận từ Bộ Thương mại nước này nếu muốn giao dịch với công ty Trung Quốc.
Tháng 12/2020, Mỹ đã thêm SMIC, nhà sản xuất chip bán dẫn hàng đầu Trung Quốc, vào danh sách đen. Đồng thời cáo buộc công ty này có quan hệ quân sự với chính phủ Trung Quốc.
Chính sách mới đang làm hại Trung Quốc
Theo Nick Marro, nhà phân tích thương mại toàn cầu tại Economist Intelligence Unit, bức tường ngăn cách Trung Quốc với công nghệ Mỹ khó có thể được phá bỏ dưới thời ông Biden. Thậm chí, ngành công nghệ Trung Quốc sẽ tiếp tục nằm trong “tầm ngắm của các nhà hoạch định chính sách Mỹ”.
Để đối phó với các lệnh trừng phạt, Trung Quốc đã nỗ lực tạo điều kiện cho nhân tài trong nước cũng như hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất chip nội địa.
Tháng 8/2020, Quốc hội nước này đã tung ra ưu đãi thuế quan có thời hạn 10 năm dành riêng cho các dự án bán dẫn và doanh nghiệp trong ngành. Các chính sách mới cũng chú trọng ươm mầm tài năng, tăng cường quyền sở hữu trí tuệ và khuyến khích các công ty niêm yết trên sàn STAR tập trung vào công nghệ Trung Quốc.
Tuy nhiên, Maro cho biết “việc thúc đẩy chính sách này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa công suất và gia tăng căng thẳng không gian tài khóa ở cấp địa phương, đặc biệt trong các phân khúc sản xuất cấp thấp và trung bình”.
Có đến 12.740 công ty chip bán dẫn Trung Quốc được thành lập trong năm 2020. Ảnh: BBC. |
Không nằm ngoài dự đoán, các chính sách và trợ cấp của chính phủ Trung Quốc đã đẩy nhiều công ty thiếu kinh nghiệm sản xuất chip bán dẫn tham gia cuộc đua. Theo công ty thống kê Qichacha, trong số 50.000 công ty chip đã đăng ký tại Trung Quốc tính đến tháng 10/2020, có đến 12.740 công ty được thành lập trong năm 2020.
Thiếu đầu tư và nghiên cứu, nhiều dự án sơ sài đã thất bại. Đơn cử vào tháng 5/2020, một nhà máy trị giá 100 triệu USD do tập đoàn Mỹ GlobalFoundries và chính quyền thành phố Thành Đô thành lập đã ngừng hoạt động sau gần 2 năm bỏ không. 2 tháng sau, một nhà máy chip trị giá 2,8 tỷ USD thuộc công ty Tacoma Nanjing Semiconductor Technology đã phá sản sau khi không thu hút được các nhà đầu tư mới.
Một số nhà phân tích cho rằng cách tiếp cận thiếu minh bạch và ưu tiên động cơ chính trị của chính quyền trung ương là nguyên nhân đứng đằng sau sự thất bại.
“Những năm gần đây, các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài đã bị quá trình mở rộng của khu vực nhà nước kìm hãm. Động cơ phát triển thị trường có thể dễ dàng dính líu đến yếu tố chính trị. Các nhà chức trách đang khuyến khích các dự án rủi ro. Trong khi các công ty thiếu kinh nghiệm đang đánh giá quá cao khả năng của mình”, nhà phân tích Maro nhận xét.
Trước những thất bại này, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin (MIIT) Wang Zhijun đã kêu gọi giám sát chặt chẽ các khoản đầu tư “thiếu tầm nhìn” và “dự án bị bỏ rơi”.
Khó khăn chồng khó khăn
Tham vọng làm chủ “sân chơi” bán dẫn đã được Trung Quốc thể hiện trước khi công nghệ này trở thành chủ đề nóng trong cuộc chiến Mỹ-Trung. Năm 2014, chính quyền Bắc Kinh hứa hẹn sẽ đầu tư 150 tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn trong nước. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Trung Quốc vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước nếu muốn độc lập hoàn toàn công nghệ này.
“Không quốc gia hoặc khu vực nào có khả năng cung cấp mọi thứ cần thiết trong chuỗi cung ứng chip bán dẫn. Hệ sinh thái bán dẫn và sự phát triển của nó đều phải thông qua sự hợp tác toàn cầu. Rất khó để tự chủ công nghệ này", Szeho Ng, nhà điều hành tại China Renaissance, chia sẻ.
Trung Quốc không nắm được công nghệ lõi trong quy trình sản xuất bán dẫn. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Theo Szeho Ng, mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ, Trung Quốc vẫn bị tụt hậu trong các lĩnh vực tự động hóa thiết bị điện tử (EDA) và công cụ phần tử xử lý tổng hợp (SPE). Hiện nay, các công ty có trụ sở tại Mỹ như Synopsys, Cadence và Mentor Graphics chiếm hơn 95% thị trường công cụ EDA.
Ngoài những lỗ hổng trong công nghệ chất bán dẫn, chính quyền Bắc Kinh không có mối quan hệ tốt đẹp các công ty chip cần hợp tác, điển hình như TSMC hay MediaTek.
“Không chỉ Mỹ, quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu cũng tương đối căng thẳng”, nhà phân tích Marro từ Economist Intelligence Unit cho biết.
Trước những xung đột giữa 2 nước, nhiều người vẫn tin rằng một nước Mỹ dưới thời ông Biden sẽ vẫn để ngỏ cơ hội hợp tác với Trung Quốc. Theo Huang Kwei-bo, Phó hiệu trưởng Đại học Quốc gia Chengchi, chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ cố gắng hợp tác với Trung Quốc nhiều hơn người tiền nhiệm Donald Trump.
Theo Zing
Mỹ đưa nhà sản xuất chip số 1 Trung Quốc vào danh sách ‘đen’
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thêm nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc SMIC vào danh sách cấm vận.