Lời toà soạn: Sau bài viết phân tích và dự báo “Thế giới sẽ ra sao sau đại dịch”, vào tháng 2/2021, nhà sử học nổi tiếng Yuval Noah Harari có tiếp bài viết quan sát những bài học sau một năm biến động. Dưới đây VietNamNet giới thiệu bài viết này.
*********
Chúng ta có thể tóm tắt năm Covid như thế nào từ một bối cảnh lịch sử rộng lớn? Nhiều người tin rằng, con số thương vong khủng khiếp mà virus corona chủng mới gây ra đã chứng tỏ sự bất lực của nhân loại khi đối mặt với sức mạnh của tự nhiên. Thực tế, năm 2020 đã cho thấy nhân loại không bất lực. Các đại dịch không còn là những lực lượng tự nhiên không thể kiểm soát được. Khoa học đã khiến chúng trở thành một thách thức có thể xử lý được.
Vậy tại sao lại có quá nhiều sự chết chóc và đau khổ? Đó là vì các quyết định chính trị tồi.
Trong các kỷ nguyên trước, khi con người đối mặt với một dịch bệnh như Cái chết Đen, họ không biết căn nguyên cũng như cách ngăn chặn. Khi dịch cúm năm 1918 bùng phát, các nhà khoa học giỏi nhất thế giới lúc bấy giờ đã không thể nhận diện được loại virus chết người, nhiều biện pháp đối phó được triển khai không có tác dụng và những nỗ lực nhằm phát triển một loại vắc xin hữu hiệu đã chứng minh vô ích.
Tình hình đã rất khác với Covid-19. Những hồi chuông cảnh báo đầu tiên về một đại dịch tiềm ẩn mới đã bắt đầu vang lên từ cuối tháng 12/2019. Đến ngày 10/1/2020, các nhà khoa học không chỉ phân lập được loại virus gây bệnh mà còn giải trình tự bộ gen và công bố thông tin trên mạng. Chỉ vài tháng sau đó, thế giới đã sáng tỏ việc những biện pháp nào có thể làm chậm lại và ngăn chặn các chuỗi lây nhiễm.
Trong không đầy một năm, một số loại vắc xin có hiệu quả đã được đưa vào sản xuất đại trà. Trong cuộc chiến giữa con người và các mầm bệnh, chưa bao giờ con người lại mạnh mẽ đến như vậy.
Sự đổi mới của con người đã cơ giới hóa quá trình sản xuất thực phẩm. Biểu đồ trên thể hiện tỷ lệ lực lượng lao động/việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp (đơn vị %). Đồ họa: FT
Dịch chuyển cuộc sống sang trực tuyến
Cùng với những thành tựu chưa từng thấy về công nghệ sinh học, năm Covid cũng làm nổi bật sức mạnh của công nghệ thông tin. Trong các kỷ nguyên trước đây, nhân loại hiếm khi có khả năng chấm dứt các đại dịch bởi vì con người không thể giám sát các chuỗi lây nhiễm theo thời gian thực và bởi vì những tổn thất kinh tế của các cuộc phong toả trên diện rộng là điều cấm kỵ. Vào năm 1918, bạn có thể cách ly những người mắc căn bệnh cúm đáng sợ, nhưng bạn không thể truy vết các dịch chuyển của những người mang mầm bệnh chưa bộc lộ triệu chứng hoặc không có triệu chứng. Và nếu bạn ra lệnh cho toàn bộ dân số của một đất nước phải ở nhà trong vài tuần, việc đó sẽ dẫn đến sự tàn phá về kinh tế, sự sụp đổ của xã hội và nạn đói hàng loạt.
Ngược lại, vào năm 2020, việc giám sát kỹ thuật số đã giúp theo dõi và xác định các vật chủ trung gian truyền bệnh dễ dàng hơn nhiều, đồng nghĩa việc cách ly có thể mang tính chọn lọc hơn vừa có hiệu quả hơn. Thậm chí quan trọng hơn, sự tự động hóa và internet đã làm cho các cuộc phong toả trên diện rộng trở nên khả thi, ít nhất ở những quốc gia phát triển. Trong khi ở một số nơi thuộc thế giới đang phát triển vẫn còn gợi nhớ về những bệnh dịch con người đã trải qua trong quá khứ, ở phần lớn thế giới phát triển, cuộc cách mạng kỹ thuật số đã làm thay đổi mọi thứ.
Lấy ví dụ ngành nông nghiệp. Suốt hàng nghìn năm, sản xuất lương thực đã dựa vào sức lao động của con người và khoảng 90% người làm nghề nông. Ngày nay, ở các nước phát triển, điều này không còn tồn tại nữa. Ở Mỹ, chỉ khoảng 1,5% người dân làm việc trong các trang trại, nhưng việc đó không chỉ đủ để nuôi sống tất cả mọi người ở nhà mà còn khiến Mỹ trở thành một nhà xuất khẩu lương thực hàng đầu. Gần như tất cả công việc nông trang đều do các máy móc thực hiện và chúng đều miễn dịch với bệnh tật. Các cuộc phong toả do đó chỉ có tác động nhỏ đến nghề nông.
Cảnh sát cưỡi ngựa ở Hanover, Đức giải tán một nhóm đang tụ tập chơi trong công viên. Ảnh: FT
Hãy tưởng tượng một cánh đồng lúa mì ở đỉnh điểm của Cái chết Đen. Nếu bạn yêu cầu các nông dân ở nhà vào thời gian thu hoạch, bạn sẽ đối mặt với nạn đói. Nếu bạn yêu cầu các nông dân ra đồng và thu hoạch, họ có thể lây truyền bệnh cho người khác. Có thể làm được gì?
Bây giờ hãy tưởng tượng cũng cánh đồng lúa mì như trên vào năm 2020. Một máy gặt đập liên hợp, được trang bị định vị GPS có thể thu hoạch toàn bộ cánh đồng với hiệu suất cao hơn nhiều và với cơ hội lây nhiễm bệnh bằng 0. Trong khi vào năm 1349, một nông dân bình thường thu hoạch được khoảng 5 giạ mỗi ngày, vào năm 2014, một máy gặt đập liên hợp đã thiết lập kỷ lục thu hoạch 30.000 giạ trong một ngày. Do vậy, Covid-19 không có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất toàn cầu của các loại cây trồng chủ lực như lúa mì, ngô và lúa gạo.
Để nuôi sống con người, thu hoạch ngũ cốc là chưa đủ. Bạn cũng cần phải vận chuyển nó, đôi khi qua hàng nghìn kilômét. Trong phần lớn lịch sử, thương mại là một trong những nhân vật phản diện chính trong câu chuyện về các đại dịch. Các mầm bệnh chết người đã phát tán khắp thế giới trên các tàu buôn và các đoàn lữ hành đường dài. Ví dụ, Cái chết Đen đã quá giang từ Đông Á đến Trung Đông dọc theo Con đường Tơ lụa và chính các tàu buôn của Genova sau đó đã mang nó đến châu Âu. Thương mại đã gây ra một mối đe dọa chết người như vậy bởi vì mỗi toa chở hàng cần một người quản lý và ngay cả những tàu biển nhỏ cũng đòi hỏi hàng tá thủy thủ để vận hành. Các con tàu và những nhà trọ đông đúc là các ổ dịch.
Vào năm 2020, thương mại toàn cầu có thể tiếp tục vận hành ít nhiều trơn tru hơn vì nó huy động rất ít người. Một tàu công-ten-nơ hầu như tự động hóa ngày nay có thể chở nhiều hơn hàng tấn hàng so với các đội tàu buôn của cả một vương quốc thuở sơ khai hiện đại. Vào năm 1582, đội tàu buôn của Anh có tổng sức chuyên chở 68.000 tấn và cần khoảng 16.000 thủy thủ. Tàu công-ten-nơ OOCL Hong Kong, được đặt tên vào năm 2017, có thể chở khoảng 200.000 tấn trong khi đòi hỏi thủy thủ đoàn chỉ gồm 22 người.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Vi sinh học Bundeswehr ở Munich, một cơ sở nghiên cứu của quân đội đã chẩn đoán cho các mắc Covid đầu tiên của Đức. Ảnh: FT
Quả thực, các du thuyền với hàng trăm du khách và những máy bay chở đầy khách đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát tán Covid-19. Song, ngành du lịch và lữ hành lại không thiết yếu đối với thương mại. Các du khách có thể ở nhà và các doanh nhân có thể dùng (ứng dụng liên lạc) Zoom, trong khi các con tàu ma tự động và những chuyến tàu hoả gần như không người vẫn giữ cho nền kinh tế toàn cầu hoạt động. Mặc dù ngành du lịch quốc tế đã lao dốc vào năm 2020 nhưng khối lượng thương mại đường biển toàn cầu chỉ suy giảm 4%.
Sự tự động hóa và số hóa thậm chí còn có ảnh hưởng sâu sắc hơn đến các dịch vụ. Vào năm 1918, người ta không thể tưởng tượng được rằng các văn phòng, trường học, tòa án hay các nhà thờ có thể tiếp tục hoạt động trong quá trình phong toả. Nếu các học sinh và giáo viên ở lỳ trong nhà họ, làm thế nào bạn có thể duy trì các lớp học? Ngày nay, chúng ta đã biết câu trả lời. Chuyển đổi sang trực tuyến có nhiều nhược điểm, đặc biệt là tổn thất tinh thần to lớn. Nó cũng đã tạo ra các vấn đề không thể tưởng tượng được trước đây, ví dụ như các luật sư xuất hiện tại tòa như những con mèo. Tuy nhiên, thực tế rằng tất cả những điều đó rốt cuộc đều có thể được thực hiện thật đáng kinh ngạc.
Vào năm 1918, nhân loại chỉ sinh sống trong thế giới thực và khi virus cúm chết người càn quét khắp thế giới này, con người chẳng còn nơi nào để trốn chạy. Ngày nay, nhiều người trong chúng ta đang sống trong hai thế giới – thực và ảo. Khi virus corona lan truyền khắp thế giới thực, nhiều người đã chuyển phần lớn cuộc sống của họ sang thế giới ảo, nơi virus không thể bám theo.
Tất nhiên, con người vẫn là những thực thể và không phải mọi thứ đều có thể số hóa được. Năm Covid đã nêu bật vai trò thiết yếu của nhiều ngành nghề được trả lương thấp trong việc duy trì nền văn minh nhân loại: các y tá, công nhân vệ sinh, các tài xế xe tải, những người thu ngân, các nhân viên giao hàng. Người ta thường nói, mỗi nền văn minh chỉ cách sự mọi rợ dăm ba bữa. Vào năm 2020, những người giao hàng là lằn ranh đỏ mỏng manh giữ nền văn minh kết nối. Họ đã trở thành những huyết mạch tối quan trọng của chúng ta đối với thế giới thực.
Các nhà nghiên cứu tại trạm xét nghiệm dã chiến ven đường ở trung tâm chiến lãm Saarbrücken . Ảnh: FP
Internet vẫn đứng vững
Khi nhân loại tự động hóa, số hóa và chuyển đổi các hoạt động sang trực tuyến, điều đó khiến chúng ta đối mặt với những hiểm họa mới. Một trong những điều đáng kể nhất của năm Covid là internet không bị đổ vỡ. Nếu chúng ta đột ngột tăng lưu lượng giao thông qua lại trên một cây cầu vật chất, chúng ta có thể gặp tắc đường và có lẽ thậm chí là sập cầu. Năm 2020, các trường học, các văn phòng và các nhà thờ đã chuyển đổi sang trực tuyến gần như chỉ trong một đêm, nhưng internet vẫn đứng vững.
Chúng ta khó mà dừng lại để suy nghĩ về điều này, nhưng chúng ta nên như vậy. Sau năm 2020, chúng ta biết rằng, cuộc sống có thể tiếp diễn ngay cả khi toàn bộ một quốc gia trong tình trạng phong toả. Hiện hãy thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của chúng ta gặp sự cố.
Công nghệ thông tin đã khiến chúng ta kiên cường hơn khi đối mặt với các loại virus hữu cơ, nhưng nó cũng khiến chúng ta dễ bị tổn thương hơn trước các phần mềm độc hại và chiến tranh mạng. Mọi người thường hỏi: “Covid tiếp theo là gì?”. Ứng viên hàng đầu là một vụ tấn công vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của chúng ta. Virus corona mất vài tháng để lây lan khắp thế giới và lây nhiễm cho hàng triệu người. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của chúng ta có thể sụp đổ chỉ trong một ngày. Và trong khi các trường học và các văn phòng có thể nhanh chóng chuyển đổi sang trực tuyến, bạn nghĩ sẽ mất bao nhiều thời gian để chuyển từ thư điện tử sang thư gửi qua bưu điện?
Một trong khoảng 400 trung tiêm chủng được thiết lập trong Trung tâm Festhalle của Frankfurt, nơi thường được chọn tổ chức các nhạc hội
Điều gì quan trọng?
Năm Covid đã làm bộc lộ một hạn chế thậm chí còn quan trọng hơn về năng lực khoa học và công nghệ. Khoa học không thể thay thế chính trị. Khi chúng ta đi đến quyết định về chính sách, chúng ta phải tính đến nhiều lợi ích và giá trị. Và vì không có phương thức khoa học nào để xác định những lợi ích và giá trị nào quan trọng hơn nên không có phương thức khoa học nào để quyết định những gì chúng ta nên làm.
Ví dụ, khi quyết định liệu có áp phong toả hay không, sẽ không đầy đủ nếu hỏi: “Có bao nhiêu người sẽ ngã bệnh vì Covid-19 nếu chúng ta không triển khai phong toả?”. Chúng ta cũng nên đặt câu hỏi: “Có bao nhiêu người sẽ trải qua trầm cảm nếu chúng ta áp phong toả? Bao nhiêu người sẽ chịu đựng tình trạng dinh dưỡng tồi tệ? Bao nhiêu người sẽ thất học hoặc mất việc làm? Bao nhiêu người sẽ bị bạn đời của họ đánh đập hoặc sát hại?”.
Ngay cả khi tất cả dữ liệu là chính xác và đáng tin cậy, chúng ta luôn nên hỏi: “Chúng ta coi trọng điều gì? Ai quyết định việc này? Làm thế nào để chúng ta đánh giá những con số đối chọi nhau?”. Đây là một nhiệm vụ chính trị hơn là khoa học. Chính các chính trị gia phải cân bằng giữa các suy tính về y tế, kinh tế và xã hội với việc đưa ra một chính sách toàn diện.
Tương tự, các kỹ sư đang tạo ra những nền tảng kỹ thuật số mới giúp chúng ta hoạt động trong tình trạng phong toả và các công cụ giám sát mới giúp chúng ta phá vỡ các chuỗi lây nhiễm. Song, sự số hóa và giám sát đe doạ quyền riêng tư của chúng ta và mở đường cho sự trỗi dậy của các chế độ toàn trị chưa từng thấy. Vào năm 2020, việc giám sát hàng loạt đã trở nên hợp pháp và phổ biến hơn. Chống lại đại dịch là quan trọng, nhưng liệu điều đó có đáng để hủy hoại sự tự do của chúng ta trong quá trình này hay không? Đó là công việc của các chính trị gia thay vì các kỹ sư, nhằm tìm ra sự cân bằng đúng đắn giữa việc giám sát hữu ích và những cơn ác mộng tồi tệ.
Ba quy tắc cơ bản có thể tiến một chặng đường dài trong việc bảo vệ chúng ta khỏi sự độc tài kỹ thuật số, ngay cả trong thời gian dịch bệnh. Thứ nhất, bất cứ khi nào bạn thu thập dữ liệu về mọi người - đặc biệt về những gì đang xảy ra bên trong cơ thể họ - dữ liệu này nên được sử dụng để giúp đỡ những người này thay vì để thao túng, kiểm soát hoặc làm hại họ. Bác sĩ riêng của tôi biết nhiều điều cực kỳ riêng tư về tôi. Tôi cảm thấy ổn với điều đó, bởi vì tôi tin tưởng bác sĩ của mình sử dụng dữ liệu này vì lợi ích của tôi. Bác sĩ của tôi không được bán dữ liệu này cho bất kỳ tập đoàn hay đảng phái chính trị nào. Điều tương tự cũng nên áp dụng với bất kỳ loại “cơ quan giám sát đại dịch” nào mà chúng ta có thể thiết lập.
Thứ hai, việc giám sát phải luôn luôn diễn ra theo cả hai chiều. Nếu việc giám sát chỉ đi từ trên xuống dưới, đây là con đường dẫn đến chế độ độc tài. Vì vậy, bất cứ khi nào bạn tăng cường giám sát các cá nhân, bạn nên đồng thời tăng cường việc giám sát chính phủ và các tập đoàn lớn. Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng hiện nay, các chính phủ đang phân phát lượng tiền khổng lồ. Quy trình phân bổ các quỹ nên được thực hiện minh bạch hơn. Là một công dân, tôi muốn dễ dàng xem ai nhận được cái gì và ai đã quyết định tiền sẽ đi đâu. Tôi muốn đảm bảo rằng, tiền được chuyển đến các doanh nghiệp thực sự cần nó hơn là vào một tập đoàn lớn mà các chủ sở hữu là những người bạn của một bộ trưởng. Nếu chính phủ nói quá phức tạp để thiết lập một hệ thống giám sát như vậy giữa đại dịch, đừng tin vào điều đó. Nếu không quá phức tạp để bắt đầu giám sát những gì bạn làm, thì cũng không quá phức tạp để bắt đầu giám sát những gì chính phủ làm.
Các phòng thí nghiệm của Rafael Heygster ở thamh phố Frankfurt , nơi đang chẩn đoán, đánh giá và lưu trữ thông tin về các ca nghi nhiễm. Ảnh: FP
Thứ ba, không bao giờ cho phép tập trung quá nhiều dữ liệu ở bất cứ nơi nào. Không chỉ trong đại dịch và ngay cả khi nó qua đi.Nếu chúng ta thu thập dữ liệu sinh trắc học của mọi người để ngăn chặn đại dịch, việc này nên do một cơ quan y tế độc lập thực hiện hơn là cảnh sát. Và dữ liệu thu được nên được lưu giữ tách biệt với các kho dữ liệu khác của các bộ trong chính phủ và các tập đoàn lớn. Chắc chắn, nó sẽ tạo ra những sự dư thừa và kém hiệu quả. Tuy nhiên, sự kém hiệu quả là một đặc điểm, chứ chẳng phải là một thiếu sót. Bạn muốn ngăn chặn sự gia tăng của chế độ độc tài kỹ thuật số? Hãy giữ mọi thứ ít nhất có một chút kém hiệu quả.
Trách nhiệm của các chính trị gia
Những thành công chưa từng có về khoa học và công nghệ của năm 2020 đã không giải quyết được cuộc khủng hoảng Covid-19. Chúng đã biến dịch bệnh từ một thiên tai thành một tình thế tiến thoái lưỡng nan về chính trị. Khi Cái chết Đen cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, chẳng ai kỳ vọng nhiều vào các vị vua và các hoàng đế. Khoảng 1/3 dân số Anh đã chết trong làn sóng đầu tiên của Cái chết Đen, nhưng điều này không khiến Vua Edward III của Anh mất đi ngôi báu. Rõ ràng là việc ngăn chặn dịch bệnh vượt quá sức mạnh của các nhà cầm quyền nên không ai đổ lỗi cho họ về sự thất bại.
Tuy nhiên, ngày nay loài người đang có các công cụ khoa học để ngăn chặn Covid-19. Một vài nước đã chứng minh rằng ngay cả khi không có vắc xin, các công cụ sẵn có vẫn có thể ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, những công cụ này có giá cao về mặt kinh tế và xã hội. Chúng ta có thể đánh bại virus, nhưng chúng ta không chắc mình có sẵn sàng trả giá cho chiến thắng. Đó là lý do mà các thành tựu khoa học đã đặt một trách nhiệm lớn lao lên vai các chính trị gia….
Ở Anh, ban đầu chính phủ dường như bận tâm đến Brexit nhiều hơn Covid-19. Đối với tất cả các chính sách biệt lập của mình, chính quyền Johnson đã thất bại trong việc tách biệt nước Anh khỏi một thứ thực sự quan trọng: virus. Đất nước Israel quê hương tôi cũng từng chịu sự quản lý yếu kém về chính trị. Giống như New Zealand và Síp, Israel trên thực tế là một “quốc đảo”, với những đường biên giới khép kín và chỉ có duy nhất một cửa khẩu chính - sân bay Ben Gurion. Song, ở giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch, chính phủ Netanyahu đã cho phép các hành khách đi qua sân bay mà không cần cách ly hoặc thậm chí là soi kiểm phù hợp và đã bỏ qua việc thực thi các chính sách phong toả của chính mình.
Cả Israel và Anh sau đó đều đi đầu trong việc triển khai tiêm các vắc xin, nhưng những đánh giá sai lầm ban đầu đã khiến họ phải trả giá đắt. Ở Anh, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của 120.000 người, đứng thứ sáu trên thế giới về tỷ lệ tử vong trung bình. Trong khi đó, Israel có tỷ lệ ca mắc trung bình được ghi nhận cao thứ bảy và để chống lại thảm họa nước này đã nhờ cậy một thỏa thuận “đổi vắc xin lấy dữ liệu” với tập đoàn dược phẩm Pfizer của Mỹ. Pfizer đồng ý cung cấp cho Israel đủ số vắc xin chủng ngừa cho toàn bộ dân số, để đổi lấy lượng dữ liệu có giá trị khổng lồ, điều đang làm dấy lên những lo ngại về sự riêng tư và việc độc quyền dữ liệu. Điều đó cũng chứng minh, dữ liệu của các công dân hiện là một trong những tài sản có giá trị nhất của nhà nước.
Trong khi một số nước đã thực hiện tốt hơn nhiều, nhân loại nhìn chung cho đến nay đã thất bại trong việc kiểm soát đại dịch hoặc đề ra một kế hoạch toàn cầu để đánh bại virus. Những tháng đầu năm 2020 giống như chứng kiến một vụ tai nạn ở chế độ "quay chậm". Truyền thông hiện đại khiến mọi người trên toàn thế giới có thể chứng kiến theo thời gian thực những hình ảnh đầu tiên từ Vũ Hán, sau đó là từ Italia rồi từ càng ngày càng nhiều nước khác nữa. Song, không có bất kỳ sự lãnh đạo toàn cầu nào xuất hiện để ngăn chặn thảm họa nhấn chìm thế giới.
Những người ngoại quốc giúp cứu nguy
Một lý do giải thích cho khoảng cách giữa thành công khoa học và thất bại chính trị là các nhà khoa học đã hợp tác trên toàn cầu, trong khi các chính trị gia lại có xu hướng ác cảm với nhau. Làm việc trong tình trạng căng thẳng và không chắc chắn cao, các nhà khoa học khắp thế giới đã thoải mái chia sẻ thông tin cũng như dựa vào những phát hiện và vốn hiểu biết của nhau. Nhiều dự án nghiên cứu quan trọng do các nhóm quốc tế tiến hành. Ví dụ, một nghiên cứu then chốt chứng minh tính hiệu quả của các biện pháp phong toả đã được các nhà nghiên cứu từ 9 tổ chức, một ở Anh, ba ở Trung Quốc và năm ở Mỹ hợp tác thực hiện.
Ngược lại, các chính trị gia đã không thành lập một liên minh quốc tế chống lại virus và đồng thuận về một kế hoạch toàn cầu. Hai siêu cường hàng đầu thế giới, Mỹ và Trung Quốc, cáo buộc lẫn nhau che giấu thông tin trọng yếu, phổ biến thông tin sai lệch cũng như các thuyết âm mưu và thậm chí cố tình phát tán virus. Nhiều nước khác rõ ràng đã làm sai lệch hoặc giấu giếm dữ liệu về diễn biến của dịch bệnh.
Sự thiếu hợp tác toàn cầu tự bộc lộ không chỉ trong các cuộc chiến thông tin như trên mà thậm chí còn nhiều hơn thế trong các cuộc xung đột về thiết bị y tế khan hiếm. Dù đã có nhiều trường hợp về sự cộng tác và hào phóng, nhưng không có nỗ lực nghiêm túc nào được thực hiện nhằm chia sẻ tất cả các nguồn lực sẵn có, hợp lý hóa quá trình sản xuất toàn cầu và đảm bảo phân phối bình đẳng các nguồn cung. Đặc biệt, "chủ nghĩa dân tộc vắc xin" tạo ra một loại bất bình đẳng toàn cầu mới giữa các nước có thể tiêm chủng cho người dân của họ và các nước không thể.
Thật đáng buồn khi nhiều người không hiểu một sự thật đơn giản về đại dịch này: chừng nào virus vẫn tiếp tục lây lan ở bất kỳ đâu, không đất nước nào có thể cảm thấy thực sự an toàn. Giả sử Israel hoặc Vương quốc Anh thành công trong việc loại bỏ virus bên trong biên giới của họ, nhưng virus vẫn tiếp tục lây lan trong hàng trăm triệu người ở Ấn Độ, Brazil hoặc Nam Phi. Một biến thể mới ở một thị trấn xa xôi nào đó của Brazil có thể khiến vắc xin mất tác dụng và dẫn đến một làn sóng lây nhiễm mới.
Trong tình trạng khẩn cấp hiện nay, những lời kêu gọi chủ nghĩa vị tha thuần tuý có lẽ sẽ không lấn át được những lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp hiện nay, sự hợp tác toàn cầu không phải là chủ nghĩa vị tha. Nó là thiết yếu cho việc đảm bảo lợi ích quốc gia.
Chống virus vì thế giới
Các tranh luận về những gì đã xảy ra vào năm 2020 sẽ tái lặp trong nhiều năm. Song, mọi người thuộc tất cả các phe cánh chính trị cần nhất trí về ít nhất ba bài học chính.
Thứ nhất, chúng ta cần bảo vệ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của mình. Nó là sự cứu rỗi của chúng ta trong đại dịch này, nhưng nó có thể sớm trở thành nguồn gốc của một thảm họa thậm chí còn tồi tệ hơn.
Thứ hai, mỗi nước nên đầu tư nhiều hơn vào hệ thống y tế công. Điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng các chính trị gia và các cử tri đôi khi đã thành công trong việc bỏ qua bài học rõ ràng nhất.
Thứ ba, chúng ta nên thiết lập một hệ thống toàn cầu mạnh mẽ để giám sát và ngăn chặn các đại dịch. Trong cuộc chiến dai dẳng giữa con người và các mầm bệnh, tuyến đầu nằm ngay trong cơ thể của mỗi con người. Nếu tuyến này bị phá vỡ ở bất kỳ đâu trên hành tinh, nó sẽ đẩy tất cả chúng ta vào nguy hiểm. Ngay cả những người giàu nhất ở các nước phát triển nhất cũng có lợi ích cá nhân để bảo vệ những người nghèo nhất ở các nước kém phát triển nhất. Nếu một loại virus mới nhảy từ dơi sang người ở một làng nghèo trong một cánh rừng xa xôi nào đó, thì trong vài ngày virus đó có thể dạo chơi khắp Phố Wall.
Bộ khung của một hệ thống chống bệnh dịch toàn cầu như vậy đã tồn tại dưới hình dạng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và một số tổ chức khác. Tuy nhiên, các nguồn ngân sách hỗ trợ hệ thống này rất ít ỏi và nó hầu như không mang lại lợi ích chính trị. Chúng ta cần cung cấp cho hệ thống này một ít ảnh hưởng chính trị và nhiều tiền hơn nữa, để nó không hoàn toàn phụ thuộc vào những ý thích bất chợt của các chính trị gia vị kỉ...
Nhiều người lo sợ Covid-19 đánh dấu sự khởi đầu của một làn sóng các đại dịch mới. Song nếu các bài học trên được áp dụng, cú sốc Covid-19 thực tế có thể dẫn đến việc các đại dịch trở nên ít phổ biến hơn. Nhân loại không thể ngăn chặn sự xuất hiện của các mầm bệnh mới. Đây là một quá trình tiến hóa tự nhiên đã diễn ra hàng tỷ năm nay và sẽ tiếp tục trong tương lai. Tuy nhiên, ngày nay loài người có kiến thức và các công cụ cần thiết để ngăn chặn một mầm bệnh mới phát tán và trở thành một đại dịch.
Nếu Covid-19 tiếp tục lây lan vào năm 2021 và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người hoặc nếu một đại dịch thậm chí còn chết chóc hơn nữa tấn công nhân loại vào năm 2030, thì đây sẽ không phải là một thảm họa tự nhiên không thể kiểm soát hay sự trừng phạt từ Chúa trời. Đó sẽ là một thất bại của con người và chính xác hơn là một thất bại về chính trị.
Quỳnh Anh (Theo FT)
Yuval Noah Harari: "Thế giới sẽ ra sao sau đại dịch Covid-19?"
Cơn bão đại dịch rồi sẽ qua đi, nhưng những lựa chọn hiện tại sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta trong tương lai!
Nhận thức lại thế giới trong thời kỳ cách mạng công nghệ
Thế giới hiện tại với nhiều bất ổn từ biến đổi khí hậu đến khủng bố, đặc biệt khi công nghệ bùng nổ, có thể “đọc” được suy nghĩ của con người.