Theo Ryan Koontz – một nhà phân tích tại Ngân hàng đầu tư Rosenblatt Securities cho biết, việc rút lui của Huawei trong các hoạt động kinh doanh 5G và các dịch vụ viễn thông khác tại một số thị trường do tác động từ các lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ đã tạo ra cơ hội hàng năm trị giá 27 tỷ USD cho các đối thủ như Nokia, Ericsson và Samsung.
Do thiết bị của Huawei phần lớn không tồn tại ở Mỹ nên các lệnh trừng phạt gần đây nhất chủ yếu ảnh hưởng đến các thị trường châu Á, Mỹ Latinh và châu Âu của Huawei. Ở thị trường châu Âu, các gã khổng lồ viễn thông đã tìm cách tiếp cận một số thị trường các nước. Chẳng hạn như, ngày 9/10 vừa qua, nhà cung cấp thiết bị viễn thông Nokia của Phần Lan cho biết họ đã được 2 nhà mạng viễn thông của Bỉ là Orange và Proximus chọn để xây dựng mạng 5G sau khi các nhà mạng này bị buộc phải từ bỏ thiết bị viễn thông từ công ty của Trung Quốc.
Lệnh trừng phạt của Mỹ tạo cơ hội 27 tỷ USD cho các đối thủ của Huawei |
Thỏa thuận này có ý nghĩa đặc biệt đối với Nokia vì thủ đô Brussels của Bỉ đóng vai trò là “trái tim của châu Âu”, là nơi đóng trụ sở của cơ quan hành pháp và Nghị viện của Liên minh châu Âu và NATO.
Trước đó, Nokia cũng đã ký một thỏa thuận với BT - công ty viễn thông lớn nhất của Vương quốc Anh, để loại bỏ dần các thiết bị của Huawei tại đó. Mặc dù giá trị của thương vụ này không được tiết lộ nhưng theo ước tính của Earl Lum, người sáng lập công ty nghiên cứu EJL Wireless Research thì thương vụ này có thể lên tới 4,5 tỷ USD.
Một đối thủ khác của Huawei là Ericsson của Thụy Điển dự kiến sẽ ký các hợp đồng tương tự trên toàn quốc trong những tháng tới. Riêng nhà cung cấp thiết bị viễn thông Samsung đến từ Hàn Quốc cho biết, dự kiến lợi nhuận của họ trong quý 3 vừa qua sẽ tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 10,6 tỷ USD.
Các đối thủ của Huawei dự kiến sẽ tiếp tục tham gia vào một cuộc chiến giành thị phần kéo dài nhiều năm từ Huawei.
Một số lệnh trừng phạt của Mỹ đã hạ gục hoạt động kinh doanh mạng viễn thông của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc cũng như các kế hoạch 5G của họ, bằng cách nhắm vào quyền tiếp cận chất bán dẫn, vốn rất cần thiết để vận hành cơ sở hạ tầng viễn thông của Huawei.
Do những lo ngại liên quan đến an ninh quốc gia, tháng 8 vừa qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn bất kỳ công ty bán dẫn nước ngoài nào bán chip được phát triển bằng công nghệ của Mỹ cho Huawei mà không có giấy phép của Mỹ.
Các nhà quan sát trong ngành công nghiệp viễn thông cho rằng, những lệnh trừng phạt đó là dấu chấm hết cho tương lai của Huawei với tư cách là nhà cung cấp 5G hàng đầu, vì mảng kinh doanh thiết bị mạng bao gồm mạng truy cập vô tuyến và truyền thông vô tuyến và băng rộng chủ yếu dựa vào chất bán dẫn.
Trước các lệnh trừng phạt đó, Huawei được cho là đã dự trữ hàng tỷ USD chip bán dẫn, nhưng các nhà phân tích tin rằng hàng tồn kho của họ có thể chỉ đủ để sử dụng trong vòng một năm.
Phan Văn Hòa (theo Forbes)
Cạn chip, Huawei đứng trước nguy cơ phải bán Honor
Trước lệnh cấm của Mỹ, Huawei đang đối mặt với nguy cơ phải bán đi thương hiệu con Honor nhằm giải tỏa áp lực nguồn cung chip xử lý.