Theo BBC, các lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh G20, gồm 20 nền kinh tế lớn đã đạt thỏa thuận áp thuế trên toàn cầu với các công ty lớn, mức thuế ít nhất 15%. Thỏa thuận được thông qua vào ngày 31/10 (giờ Mỹ), dự kiến có hiệu lực từ năm 2023.
Thỏa thuận ban đầu do Mỹ đề xuất nhằm ngăn chặn các công ty sử dụng chiến lược "kế toán sáng tạo" (creative accounting), ví dụ như "Hai người Ireland và Bánh kẹp Hà Lan". Với chiến lược này, các công ty kê khai lợi nhuận tại các quốc gia đánh thuế thấp để tránh việc trả thuế cao trong nước.
Hội nghị G20 năm 2021 diễn ra tại Italy. Ảnh: Reuters. |
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen cho biết thỏa thuận đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế toàn cầu, giúp chấm dứt tình trạng thuế doanh nghiệp đang chạm đáy. Trên Twitter, ông Yellen nhận định các doanh nghiệp và công nhân Mỹ sẽ hưởng lợi từ thỏa thuận. Tuy vậy, một số công ty lớn có trụ sở tại Mỹ sẽ phải nộp thuế cao hơn.
Với các hãng công nghệ lớn như Amazon, Apple, Google, Meta (Facebook) hay Netflix, thỏa thuận này có thể hạn chế việc lợi dụng kẽ hở trong chính sách thuế để tối ưu lợi nhuận. Nếu thu được khoản tiền như dự tính, chính phủ các nước có thể sử dụng để đầu tư cho dịch vụ công, giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu.
Một số quốc gia như Đức đã ủng hộ ý tưởng áp thuế toàn cầu từ năm 2018. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thỏa thuận này có thể thu về khoảng 150 tỷ USD từ các tập đoàn lớn trên thế giới.
Dù vậy, thỏa thuận áp thuế mới của EU vướng một số chỉ trích. Liên minh Oxfam cho rằng tuyên bố này "cực kỳ hạn chế" khi chỉ ảnh hưởng đến dưới 100 công ty, trong khi tạo ra ít tiền cho các nước nghèo hơn.
Một số chủ đề khác được thảo luận tại hội nghị G20 như biến đổi khí hậu, thỏa thuận cung cấp nhiều vaccine cho các nước nghèo trên thế giới.
Theo Zing/Engadget
Apple hái ra tiền từ iPhone cũ như thế nào?
Đầu năm nay, Apple công bố công ty này đã cán mốc hơn 1 tỷ chiếc iPhone đang hoạt động trên toàn thế giới. Điều đáng nói là, một ngày nào đó các iPhone cũ đều sẽ cần phải xử lý.