“Số hoá các nền công nghiệp nông thôn là chìa khoá để phát triển nông thôn, và cũng là động lực mới để phát triển nền kinh tế nông thôn bền vững”, Huang Jikun, thành viên của Ủy ban tư vấn tái thiết nông thôn của Bộ Nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc, cho biết.

Theo đó, việc tích hợp các công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet of Things (IoT) vào trồng trọt và chăn nuôi sẽ là trọng tâm trong chiến lược nông nghiệp thông minh.

“Công nghệ số tham gia vào chuỗi cung ứng sẽ giúp tăng hiệu quả và giảm chi phí”, ông Huang nói.

Thúc đẩy hướng tới nông nghiệp số là kết quả của kế hoạch được Chính phủ Trung Quốc công bố hồi tháng 1/2020 nhằm tăng cường nông nghiệp thông minh và cung cấp hỗ trợ tái sinh diện mạo nông thôn tầm nhìn tới năm 2025.

Kế hoạch này được Bộ Nông nghiệp & nông thôn và Cục quản lý không gian mạng công bố, trong đó đề xuất xây dựng hệ thống dữ liệu cơ bản cho các khu vực nông thôn, tạo cơ sở để quản lý và cung cấp các dịch vụ có định hướng.

Số hoá nông thôn là chủ đề trọng tâm

Chủ đề đã được nêu lần đầu trong Văn kiện trung ương số 1 của Trung Quốc năm 2018 và được nhắc lại năm 2021, nhấn mạnh việc nghiên cứu và sử dụng máy móc nông nghiệp thông minh, cũng như phát triển nông nghiệp số dựa trên IoT, cảm biến, hệ thống định vị và robot.

Xu Lijun, chuyên gia tại Viện Tài nguyên Nông nghiệp và Quy hoạch vùng, thuộc Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc (CAAS), cùng nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ số nhằm thúc đẩy một giống yến mạch mới tại huyện Hội Trạch, tỉnh Vân Nam.

{keywords}
Camera theo dõi tăng trưởng của cây chè tại một trang trại thông minh ở thành phố Phúc An. (Ảnh: Xinhua)

Kể từ khi dự án này được triển khai từ tháng 11/2017, trồng yến mạch đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và tiếp sức cho nông thôn tại đây.

Nhóm nghiên cứu đã tiếp cận dữ liệu toàn diện về các giống cỏ cũng như phương pháp canh tác liên quan và chiến lược quản lý đồng ruộng để phòng trừ sâu bệnh, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho phát triển nông nghiệp.

Với khí hậu lạnh và địa hình cao so với mặt nước biển, Hội Trạch thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu thức ăn cho gia súc. Khi nhóm của Xu tới đây, huyện đang muốn tìm ra loại cây trồng có thể sinh trưởng tốt để thúc đẩy kinh tế.

Sau khi phân tích các tài nguyên thiên nhiên thông qua dữ liệu cảm biến từ xa và thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã xác định yến mạch là cây trồng phù hợp nhất và bắt đầu khám phá khả năng thích ứng của từng giống khác nhau.

“Cuối cùng, chúng tôi đã có thể chọn ra một giống phù hợp để trồng trên cả huyện. Chúng tôi cũng áp dụng quản lý nông nghiệp thông minh tại các cánh đồng lúa mạch, chẳng hạn thông qua dữ liệu để xác định khi nào cần làm cỏ và kiểm soát sâu bệnh”, Xu chia sẻ. Không chỉ vậy, trung tâm kỹ thuật số mà nhóm nghiên cứu thiết lập tại Hội Trạch còn hỗ trợ trồng những giống cà chua hay loại cây trồng khác.

Kết quả, Hội Trạch đang nghiên cứu chuyển sang các nền tảng thương mại điện tử để mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Hạ tầng số thay đổi bộ mặt nông thôn

Kế hoạch phát triển quốc gia của Trung Quốc nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy số hoá nông nghiệp, tạo đột phá trong công nghệ và các thiết bị quan trọng, như dây chuyền đóng gói tự động và hệ thống kiểm soát nhiệt độ thông minh.

Các công ty tại Truy Bác, tỉnh Sơn Đông đã được khuyến khích áp dụng tự động hoá, cơ khí và thiết bị thông minh để phát triển sản xuất cũng như quản lý nông nghiệp nhằm thúc đẩy chuỗi nông nghiệp ứng dụng công nghệ số.

Tề Hà Sơn Đông Biotechnology, doanh nghiệp xuất khẩu nấm lớn nhất Trung Quốc, đã sử dụng điều khiển số, Big data, cảm biến và công nghệ 5G tại nhà máy thông minh để thu hoạch nấm hương.

{keywords}
Nhà máy thông minh của Tề Hà Sơn Đông Biotechnology

Hu Zhengpeng, Trưởng phòng thông tin công ty, cho biết nhà máy thông minh có các quy trình sản xuất tự động như đóng gói, khử trùng và xếp chồng, đồng thời hãng cũng tăng cường ứng dụng số hóa trong khâu hậu cần và tiếp thị. Do đó, nhà máy không cần tới nhiều lao động thường trực.

“Chúng tôi thường sử dụng 20-30 lao động tại mỗi nhà máy vận hành máy móc, nhưng giờ chỉ cần 2-3 người để kiểm tra máy móc, điều này đã giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí nhân công”, ông Hu nói.

Trong khi đó, công suất hàng ngày lại tăng gấp 10 lần trước đây, đạt 60.000 bao/ngày. Công nghệ thông minh cũng được sử dụng để vận hành các thiết bị có nhiệt độ cao nhằm đảm bảo khử trùng 100%, yếu tố quyết định tới sự phát triển khoẻ mạnh của nấm, đã đem lại hiệu quả gấp đôi so với nồi hơi trước kia.

Đại diện doanh nghiệp cho biết, cài đặt thông minh không chỉ giúp giảm nhân công mà còn đảm bảo môi trường trong nhà tốt nhất cho trồng nấm.

Công ty đã đầu tư 200 triệu NDT (30,85 triệu USD) vào nhà máy thông minh và thu lại vốn đầu tư chỉ trong vòng hơn 1 năm. Cơ sở sản xuất tại đây rộng hơn 133 ha, đưa ra thị trường 75 triệu thanh gỗ nấm/năm, với tổng giá trị hàng năm khoảng 600 triệu NDT.

Ông Hu khẳng định cơ sở hạ tầng số là nền tảng để thúc đẩy phát triển bộ mặt nông thôn thông qua công nghệ số.

“Trung Quốc cần thúc đẩy các dự án cảm biến từ xa tại vùng nông thôn và tăng cường dịch vụ quản lý, sản xuất nông nghiệp dựa trên dữ liệu lớn”, ông Hu chia sẻ, đồng thời hé lộ dự định xây dựng nền tảng Big Data nhằm thu thập toàn bộ số liệu về chuỗi cung ứng nấm ăn quy mô toàn cầu.

Yu Qiangyi, chuyên gia tại CAAS, cho biết nhóm của ông đang làm việc trên hệ thống cảm biến thông minh tích hợp dữ liệu thu thập từ vệ tinh và máy bay không người lái. Những dữ liệu này có thể tạo ra bức tranh tổng thể về môi trường và sản xuất nông nghiệp.

“Hệ thống không chỉ thu thập dữ liệu từ các cảm biến, mà còn hoạt động như hệ thống hỗ trợ đưa ra các quyết định chính xác trong quản lý trang trại thông minh, bằng cách theo dõi sự phát triển của cây trồng và những yếu tố môi trường như nước, đất, chất lượng không khí và hệ sinh thái”, chuyên gia CAAS nói.

“Hơn nữa, ứng dụng công nghệ AI còn giúp chẩn đoán mùa màng, từ đó người nông dân sẽ biết sử dụng các sản phẩm như thuốc trừ sâu ở đâu, như thế nào”.

Việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu trên các cánh đồng luân canh lúa mì và ngô ở phía Bắc Trung Quốc đã giảm tới 10% nhờ áp dụng hệ thống này, trong khi năng suất tăng 10%. Hệ thống còn được dùng tại một vườn cây ăn quả thông minh tại Thành Đô, cung cấp thông tin cho nông dân. Ông Yu tiết lộ sẽ quảng bá hệ thống tại các đồng lúa tại Tô Châu.

Vinh Ngô (Theo ChinaDaily)

Chuyển đổi số tăng cường sức sống của hệ thống y tế Trung Quốc

Chuyển đổi số tăng cường sức sống của hệ thống y tế Trung Quốc

Bên cạnh việc phát triển nền kinh tế, tích cực chuyển đổi kỹ thuật số trong đổi mới hệ thống y tế cũng là điều mà chính phủ Trung Quốc đặc biệt lưu tâm.