Như VietNamNet đã đưa tin, chiều tối nay (19/11) sẽ xuất hiện nguyệt thực một phần. Kỳ nguyệt thực một phần này kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ và là nguyệt thực dài nhất 500 năm qua.
Nguyệt thực bắt đầu diễn ra lúc 14h19”, đạt cực đại khoảng 16h và kết thúc vào lúc 17h47” ngày 19/11 (giờ Hà Nội).
Vị trí thuận lợi nhất để quan sát nguyệt thực là các đảo thuộc Thái Bình Dương, các quốc gia châu Mỹ, châu Úc, một phần châu Á, châu Âu và châu Phi.
Các quốc gia Bắc Mỹ, Trung Mỹ và châu Đại Dương có vị trí thuận lợi để quan sát giai đoạn cực đại của nguyệt thực ngày 19/11. |
Việt Nam không nằm ở khu vực có thể quan sát nguyệt thực 19/11 ở thời điểm cực đại. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể quan sát được giai đoạn cuối của hiện tượng này.
Khoảng thời gian quan sát nguyệt thực sẽ tính từ thời điểm Mặt Trăng xuất hiện ở cuối đường chân trời cho đến 17h47”.
Tại Hà Nội, Mặt Trăng sẽ mọc vào lúc 17h14 phút. Do đó, người dân Thủ đô sẽ có khoảng 30 phút để quan sát giai đoạn cuối của nguyệt thực một phần.
Với TP.HCM, Mặt Trăng mọc khá muộn lúc 17h26”, gần với thời điểm nguyệt thực một phần kết thúc. Người dân các tỉnh phía Nam sẽ chỉ có khoảng 20 phút để quan sát nguyệt thực một phần.
Các giai đoạn của nguyệt thực ngày 19/11. |
Sau khi kết thúc nguyệt thực một phần, sẽ chuyển sang giai đoạn nguyệt thực nửa tối (kéo dài hơn một tiếng). Tuy vậy ở giai đoạn này, Mặt Trăng không có khác biệt đáng kể so với những đêm trăng tròn.
Nguyệt thực là hiện tượng có thể quan sát được bằng mắt thường. Tuy nhiên, nguyệt thực sẽ dễ dàng quan sát hơn nếu người xem có ống nhòm hoặc một chiếc kính thiên văn nhỏ.
Để quan sát nguyệt thực, người xem cần tìm đến vị trí thuận lợi với góc nhìn rộng. Điều kiện thời tiết có thể ảnh hưởng đến quá trình quan sát. Người xem chỉ có thể quan sát được nguyệt thực nếu trời quang mây và điều kiện thời tiết tốt.
Trọng Đạt
Ngày mai sẽ diễn ra nguyệt thực một phần dài nhất thế kỷ
Không chỉ đơn giản như các kỳ nguyệt thực thông thường, đây là kỳ nguyệt thực kéo dài nhất trong vòng 500 năm trở lại đây.