Trong đơn đệ trình lên Tòa án Liên bang Washington, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Google, công ty con của Alphabet, đã lợi dụng vị thế của mình để gây thiệt hại các đối thủ cũng như khách hàng. Theo đó, gã khổng lồ công nghệ bị cho là đã luồn lách bằng nhiều thỏa thuận đặc biệt và các hoạt động kinh doanh "có vấn đề" nhằm đạt được vị trí dẫn đầu trong ngành tìm kiếm online, chiếm lĩnh gần 80% thị trường tại Mỹ.
Cụ thể, công ty bị tố chi trả hàng tỷ USD cho Apple để thanh công cụ tìm kiếm Google được đặt mặc định trên iPhone. Ngoài ra, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng công ty này đã ký nhiều thỏa thuận với các nhà sản xuất điện thoại sử dụng hệ điều hành Android nhằm tạo thế độc quyền mảng tìm kiếm, ngăn chặn khả năng cạnh tranh.
Vụ kiện sẽ được bắt đầu vào ngày 20/10 theo giờ Mỹ. |
Từ lâu, Google luôn phủ nhận các cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền, đồng thời khẳng định sự quan trọng mà dịch vụ của công ty mang lại cho các doanh nghiệp nhỏ.
Dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, các ông lớn công nghệ như Google, Amazon, Facebook hay Apple thường xuyên phải hứng chịu nhiều chỉ trích liên quan đến vấn đề độc quyền.
Vụ kiện Google diễn ra 2 tuần sau khi một số quan chức đảng Dân chủ trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện công bố bản báo cáo tố Google kiểm soát hoạt động tìm kiếm của người dùng. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, William P.Barr ngay sau đó đã công khai vụ kiện nhắm vào Google với hy vọng thúc đẩy cuộc điều tra.
“Không ít tổ chức, bao gồm các công ty lớn, doanh nghiệp nhỏ và người kinh doanh cá nhân phụ thuộc lưu lượng truy cập vào Google và họ đều không có công cụ tìm kiếm thay thế”, trích nội dung đơn kiện.
Theo ước tính, Google hiện kiểm soát 90% thị trường tìm kiếm trực tuyến. Theo công ty nghiên cứu eMarketer, trong năm 2019, Google kiếm được 34,3 tỷ USD nhờ dịch vụ truy vấn, con số này dự kiến sẽ tăng lên 42,5 tỷ USD vào năm 2022.
“Nhiều người đang tự hỏi tại sao một gã khổng lồ như Google lại có thể phát triển những hoạt động như vậy ngay trước mắt các cơ quan chống độc quyền”, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William P.Barr nhận xét. Vị này cũng nhiều lần tuyên bố sẽ đưa các ông trùm công nghệ ra điều trần vào đầu năm 2019.
Gọng kìm của ông Barr càng thắt chặt khi người đứng đầu bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp, Makan Delrahim, rút lui khỏi cuộc điều tra vì có liên quan đến hợp đồng mua lại dịch vụ quảng cáo DoubleClick của Google vào năm 2007.
Đây không phải lần đầu tiên Google phải đối mặt với các cáo buộc độc quyền trong kinh doanh. Liên minh Châu Âu trước đó đã đưa 3 vụ kiện chống lại Google, tập trung vào dịch vụ tìm kiếm, hoạt động kinh doanh quảng cáo và hệ điều hành di động Android.
“Đây là hành động chống độc quyền đáng tin nhất mà chính phủ Mỹ tạo ra kể từ vụ bê bối liên quan đến Microsoft vào cuối những năm 90. Điều quan trọng là các quan chức đã thực sự tin rằng một nền tảng công nghệ có thể duy trì thế độc quyền một cách bất hợp pháp, gây tổn hại cho người dùng và các công ty cạnh tranh”, Bill Baer, cựu giám đốc bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp.
Theo New York Times, vụ kiện chống lại Microsoft đã tiêu tốn của các nhà lập pháp Mỹ hơn một thập kỷ để giải quyết, rất có thể vụ kiện với Google cũng sẽ rơi vào kịch bản tương tự.
Theo Zing
Chống độc quyền kích thích sự đổi mới ở Thung lũng Silicon?
Những cuộc điều tra chống độc quyền được đặt trên hy vọng nối lại sự đổi mới ở Thung lũng Silicon.