Dựa trên kết quả phân tích dữ liệu liên quan hơn 15.000 công dân Mỹ trong hai năm qua, các nhà nghiên cứu của trường Đại học California, Berkeley chỉ ra rằng với sự trợ giúp của AI, tình trạng của từng cá nhân có thể dễ dàng được xác định bằng cách giám sát các dữ liệu phản ánh các thói quen, sở thích... được các thiết bị thông minh như đồng hồ thông minh, điện thoại thông minh...thu thập, sàng lọc và tổng hợp kết hợp với dữ liệu địa lý liên quan.

{keywords}
Trí tuệ nhân tạo tiềm ẩn nguy cơ đe dọa bảo mật dữ liệu y tế cá nhân

Tuy nhiên, các đạo luật hiện hành, kể cả Đạo luật về trách nhiệm giải trình và cung cấp thông tin bảo hiểm y tế (HIPAA), chưa đủ mạnh để có thể bảo mật hoàn toàn những dữ liệu riêng tư đó.

Trưởng nhóm nghiên cứu Anil Aswani cho rằng nhiều công ty công nghệ như Facebook có thể thu thập dữ liệu thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Nếu tích hợp thông tin thu thập được với dữ liệu chăm sóc y tế mua được từ một công ty khác, Facebook có thể bán quảng cáo dựa trên dữ liệu y tế này hoặc đơn giản thu lợi bằng cách bán thông tin cá nhân cho bên thứ 3.

Tiến bộ trong lĩnh vực AI tạo thuận lợi hơn cho các công ty dễ dàng tiếp cận dữ liệu y tế của con người, song nhiều công ty lại sử dụng dữ liệu đó theo cách bất hợp pháp và vô đạo đức.

Chuyên gia Aswani nhấn mạnh thông tin sức khỏe của con người là tài sản dữ liệu quan trọng luôn là mục tiêu "săn tìm" của các chủ sử dụng lao động, những người cho vay thế chấp, các công ty phát hành thẻ tín dụng và nhiều doanh nghiệp mong muốn đưa quảng cáo tới từng nhóm khách hàng có chung mối quan tâm, như phụ nữ có thai hoặc người khuyết tật...

Chính vì vậy, ông Aswani hối thúc các nhà lập pháp sửa đổi các quy định và điều luật hiện hành nhằm tạo ra "lá chắn toàn diện" để bảo vệ dữ liệu y tế cá nhân của người dân.

Theo TTXVN