Vào cuối tuần vừa qua, Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine, thông báo thành lập đội quân hacker tình nguyện của nước này. Nhóm “IT quân sự của Ukraine” cũng đã đạt 290.000 người theo dõi trên nền tảng Telegram.

{keywords}

Hoạt động của các hacker bao gồm từ xây dựng công cụ phần mềm cho phép chủ sở hữu smartphone và máy tính ở bất kỳ đâu đều có thể tham gia vào các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) cho tới các robot (bot) tự động nhắn tin trên nền tảng Telegram để người dân chia sẻ các vị trí quân sự cũng như hướng dẫn sơ cứu cơ bản.

Các hacker tình nguyện phía Ukraine đã sử dụng cuộc gọi, emails, tin nhắn qua các tổng đài ảo để gửi hình ảnh, videos binh lính Nga tử trận trực tiếp tới người dân tại Moscow.

Một số thì xây dựng các trang web kiểu như website “giúp những người mẹ tại Nga tìm kiếm con em mình trong số các tù binh”, Zakharov, người điều hành startup tự động hoá, trước khi tham gia lực lượng hacker tình nguyện của Kiev, cho biết.

Các website của chính phủ Nga liên tục bị đánh sập trong thời gian ngắn, chủ yếu bởi DdoS, nhưng cũng nhanh chóng củng cố các biện pháp đối phó. Do đó, rất khó có thể đánh giá những gián đoạn này có tạo ra nhiều thiệt hại đối với mục tiêu hay không.

Nhóm tin tặc này cũng phát triển “Liberator”, công cụ cho phép bất kỳ ai ở bất kỳ địa điểm nào toàn cầu, chỉ cần có thiết bị kết nối Internet (máy tính, điện thoại) là có thể tham gia 1 cuộc tấn công DDoS, hay còn gọi là botnet. Trong đó, ưu tiên mục tiêu tấn công cũng thường xuyên được cập nhật trên “ứng dụng”.

Zakharov cho biết lĩnh vực ngân hàng của Nga đã được bảo vệ khá tốt trước những cuộc tấn công, nhưng một số mạng viễn thông và dịch vụ đường sắt thì không như vậy.

Một số cuộc tấn công mạng do Ukraine tổ chức đã làm gián đoạn trong thời gian ngắn các hoạt động bán vé đường sắt khu vực miền tây nước Nga, xung quah Rostov và Voronezh, đồng thời đánh sập dịch vụ điện thoại ở khu vực miền đông Ukraine đang được kiểm soát bởi các lực lượng do Nga hậu thuẫn. Tuy nhiên, các thông tin này chưa được xác nhận bởi một bên thứ ba.

Belarus cũng trở thành mục tiêu tấn công của các nhóm hacker khi nước này bị cáo buộc hậu thuẫn cho Nga tấn công Ukraine. Tuần trước, 1 nhóm hacker người Belarus đã nhận trách nhiệm cuộc tấn công mạng làm gián đoạn dịch vụ bán vé đường sắt tại đây.

Dấy lên những lo ngại

Victor Zhora, quan chức an ninh mạng hàng đầu của Ukraine, ngày 4/3 khẳng định lực lượng hacker tình nguyện chỉ nhắm vào các mục tiêu mà họ cho là liên quan tới hoạt động quân sự bao gồm lĩnh vực tài chính, phương tiện truyền thông và đường sắt do Kremlin kiểm soát.

Thế nhưng, một số chuyên gia an ninh mạng đã bày tỏ lo ngại việc kêu gọi các tin tặc độc lập tham gia cuộc chiến là vi phạm những tiêu chuẩn mạng quốc tế, có thể tạo ra những hệ quả nguy hiểm.

Hãng thông tấn Interfax trích lời ông Dmitry Rogozin, Tổng giám đốc cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga, khẳng định một cuộc tấn công mạng vào các vệ tinh của nước này sẽ bị coi như hành động chiến tranh, đồng thời phủ nhận thông tin việc 1 nhóm tin tặc tuyên bố hack thành công vệ tinh của Moscow.

Hôm 3/3, Google cũng đã ngừng cho phép thêm các bài đánh giá vào dịch vụ Bản đồ trực tuyến của mình ở Belarus, Nga và Ukraine để tránh các thông tin sử dụng cho các cuộc giao tranh. Trong khi đó, nền tảng du lịch Tripadvisor đã chặn các bài đánh giá về nhà hàng, khách sạn hoặc các địa điểm khác nếu bài bình luận tập trung vào xung đột của Nga và Ukraine.

Tài khoản Twitter @YourAnonNews, người tự xưng là tiếng nói của nhóm hacker Anonymous, đã chia sẻ trên Twitter: "Đi tới Google Maps. Đi tới Nga. Tìm một nhà hàng hoặc doanh nghiệp và viết đánh giá. Khi bạn viết bài đánh giá, hãy giải thích những gì đang xảy ra ở Ukraine". Do đó, các biện pháp bảo vệ bao gồm tạm thời chặn các bài đánh giá, ảnh hoặc video mới được thêm vào Maps cho các địa điểm ở Belarus, Nga và Ukraine lúc này là vô cùng cần thiết.

Giám đốc điều hành Steve Kaufer của Tripadvisor cho biết: “Chúng tôi đã tạo các chủ đề trong các diễn đàn của mình để những người sống ở Ukraine chia sẻ thông tin về những gì đang xảy ra ở đất nước này trong thời gian thực. "Chúng tôi sẽ sử dụng các diễn đàn Ukraine hiện có của mình để cho phép người dùng chia sẻ thông tin thông qua nền tảng của chúng tôi trong những ngày tới", ông chia sẻ.

Trong một diễn biến khác, Ukraine cho biết đã kêu gọi hơn 70 công ty công nghệ hỗ trợ nước này trong cuộc chiến tranh kỹ thuật số với Nga.

Elon Musk, nhà sáng lập SpaceX, đã gửi hàng trăm cổng kết nối Starlink (dịch vụ Internet qua vệ tinh) để giúp Ukraine đảm bảo các kênh liên lạc trọng yếu. Trong khi đó, nối gót Apple, Netflix và TikTok ngày 6/3 cũng ra thông báo tạm dừng phần lớn dịch vụ tại Nga.

Vinh Ngô (Tổng hợp)

Cuộc chiến trên không gian mạng giữa Nga - Ukraine

Cuộc chiến trên không gian mạng giữa Nga - Ukraine

Các cuộc chiến trên mạng tuy không có tiếng súng nhưng vẫn sở hữu mức độ “sát thương” cao trên diện rộng trong cuộc chiến Nga - Ukraine.