Tại hội thảo về An toàn An ninh mạng trong thế giới số vừa được Netpoleon tổ chức sáng 14/8, nhiều thông tin quan trọng đã được chia sẻ về tình hình ATTT tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay.
Tình hình ATTT tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019
Theo ông Đỗ Việt Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm CNTT & Giám sát An ninh mạng (Ban Cơ yếu Chính phủ), Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) nhiều nhất trong Q1 và Q2 năm 2019.
Không chỉ vậy, Việt Nam cũng đứng thứ 7 trong top 10 quốc gia có số lượng máy chủ botnet nhiều nhất Q1 năm 2019. Đây là mạng máy tính bị nhiễm mã độc mà hacker có thể điều khiển từ xa nhằm thực hiện các cuộc tấn công DDoS.
Thống kê top 10 quốc gia có lượng máy chủ botnet nhiều nhất Q1/2019. Việt Nam hiện xếp vị trí thứ 7 trogn danh sách này. |
Ông Đỗ Việt Thắng cho rằng, tình trạng lỗ hổng ATTT không được vá và cập nhật thường xuyên là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này. Bên cạnh đó, việc người Việt vẫn có thói quen xài phần mềm crack, không bản quyền đã tạo điều kiện cho sự phát tán và lây nhiễm của các loại mã độc.
Việt Nam hiện xếp thứ 4 thế giới về phát tán thư rác (phishing e-mails). Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là quốc gia hứng chịu nhiều các cuộc tấn công thông qua emails, chiếm 5,09% số vụ tấn công bằng hình thức này trên thế giới.
Biểu đồ về số vụ tấn công thông qua tài khoản email. Việt Nam hiện cũng nằm trong top đầu do người dùng dễ bị đánh lừa bởi email giả mạo. |
Vị đại diện của Ban Cơ yếu Chính phủ cho rằng, các mã độc lây lan qua thư điện tử là phương thức chủ yếu mà các hacker sử dụng để tấn công vào các hệ thống thông tin Việt Nam.
Thống kê của Ban Cơ yếu Chính phủ cho thấy, chỉ trong ngày 29/7 vừa qua, đơn vị này ghi nhận tới hơn 42.000 lượt tấn công mã độc được thực hiện thông qua con đường này.
Người Việt chủ quan với mail cơ quan, lừa cài mã độc rất dễ
Theo ông Kenzo Masamoto - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo mật Macnica Networks, đồng thời là chuyên gia tư vấn bảo mật cho Chính Phủ Nhật Bản, số vụ email lừa đảo nhằm cài cắm mã độc đang gia tăng một cách chóng mặt.
Ông Kenzo Masamoto - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo mật Macnica Networks. Ảnh: Trọng Đạt |
Những kẻ tấn công rất dễ dàng để khai thác vào các hệ thống email văn phòng nhờ sử dụng các nguồn thông tin mở (OSINT). Lợi dụng các địa chỉ được khai thác từ các trang web đen, các tệp PDF, tin tặc sau đó sẽ tạo ra các email giả thoạt nhìn giống hệt như email thật. Mục tiêu của chúng thường nhằm vào các tài khoản email, khiến nạn nhân tin tưởng và sau đó thực hiện hành vi lừa đảo chuyển tiền.
Tin tặc thường sử dụng các tên miền na ná để nhắm tới việc đánh lừa nạn nhân là người trong một công ty, tổ chức. |
Cùng chung quan điểm này, ông Đỗ Việt Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm CNTT & Giám sát An ninh mạng cho rằng, ở Việt Nam, việc giả mạo email cực kỳ dễ.
Người Việt thường có tâm lý tuân thủ mệnh lệnh cấp trên. Do vậy, những email giả danh từ cấp trên khiến người dùng dễ mất sự cảnh giác và hay bị đánh lừa.
“Nếu nhận được email có địa chỉ na ná email của sếp, phải đến 90% người dùng sẽ bất chấp tất cả và click vào đường link trong bức thư này. Kỳ thực, đây chính là nguồn lây nhiễm mã độc”, ông Thắng nói.
Ông Đỗ Việt Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm CNTT & Giám sát An ninh mạng (Ban Cơ yếu Chính phủ). Ảnh: Trọng Đạt |
Thông thường, mỗi người sẽ sở hữu khoảng hai địa chỉ email, một cho cá nhân và một cho công việc. Theo ông Đỗ Việt Thắng, tại Việt Nam, email cá nhân thường an toàn hơn email công việc, điều này ngược hoàn toàn so với xu thế chung của thế giới.
Lý giải cho điều này, vị chuyên gia về ATTT cho rằng, người dùng Việt Nam lười cập nhật mật khẩu và gần như không quan tâm đến vấn đề ATTT với email công việc. Cùng chung chủ tài khoản, thế nhưng email cá nhân thường được để ở chế độ xác thực 2 bước, trong khi đó, với email công việc thì lại không.
Bên cạnh việc lừa đảo email, người Việt cũng dễ bị lây nhiễm mã độc qua đường USB. Ghi nhận của Ban Cơ yếu Chính phủ cho thấy, đã có nhiều mã độc có chủ đích được viết để nhắm vào từng cơ quan một.
Hiện đã có USB chuyên về bảo mật, tuy nhiên do cơ chế phức tạp và kém tiện dụng, người dùng thường chủ quan và ít sử dụng loại thiết bị này. Đây chính là các lỗi nhận thức dẫn tới khủng hoảng về an toàn thông tin của người Việt.
Trọng Đạt