Đầu tuần này, cơ quan quản lý Trung Quốc bất ngờ phạt gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group Holdings số tiền phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD vì cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền. Đây là hình phạt tài chính lớn nhất từ trước đến nay mà chính quyền Trung Quốc chỉ định một công ty phải tuân thủ.
Theo CNN, khoản phạt hành vi cản trở tự do thương mại lớn nhất trước đó mà cơ quan quản lý Trung Quốc từng áp dụng chỉ là 975 triệu USD đối với công ty Qualcomm hồi năm 2015.
Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường (SAMR) điều tra Alibaba vì "các thỏa thuận giao dịch độc quyền" ngăn cản người bán bán sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử đối thủ - một hành vi vi phạm luật tự do thương mại.
Cúi đầu nhận phạt
Ông Joe Tsai, nhà đồng sáng lập kiêm phó chủ tịch điều hành Alibaba, cho biết rằng công ty sẽ không kháng cáo hình phạt 18,2 tỷ nhân dân tệ (2,8 tỷ USD) mà sẽ nghiêm chỉnh chấp hành.
"Chúng tôi chấp nhận hình phạt một cách chân thành và nghiêm túc", đại diện Alibaba tuyên bố. Trên thực tế, khoản phạt chỉ có trị giá khoảng 4% doanh thu của Alibaba, không gây quá nhiều ảnh hưởng về mặt tài chính đối với khổng lồ thương mại điện tử.
Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba điệu thấp nhận án phạt từ chính quyền Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Nhờ tuyên bố chắc nịch từ ban điều hành, các nhà đầu tư của Alibaba thở phào nhẹ nhõm. Cổ phiếu của công ty tăng hơn 6% trong các giao dịch ở Hong Kong hôm qua. Tuy nhiên, đà tăng nhẹ ngắn hạn không đủ sức vực dậy cổ phiếu của Alibaba vốn đã giảm 20% so với cuối năm ngoái kể từ khi cuộc chiến chống độc quyền được châm ngòi.
Ngoài đóng phạt, công ty cũng cam kết ngừng vi phạm các quy tắc chống độc quyền và tuân thủ gửi báo cáo trong ba năm tiếp theo. Mới đây, Alibaba cho biết sẽ giảm phí người bán và cung cấp thêm các dịch vụ bổ sung.
Mới đây, các nhà quản lý Trung Quốc tiếp tục yêu cầu Ant Group, công ty tài chính của Alibaba phải thay đổi cơ cấu để trở thành công ty mẹ (holding company) tuân theo các quy tắc nghiêm ngặt hơn. Các nhà chức trách cũng yêu cầu Ant dừng các hoạt động phản cạnh tranh. Trước đó, đợt IPO kép khổng lồ của Ant Group đã bị hoãn đột ngột cũng bởi sự ngăn trở từ chính quyền.
Khoản phạt có thể cản trở tham vọng của Alibaba, nhưng đó chưa phải là cái giá lớn nhất. Theo luật chống độc quyền của Trung Quốc, Alibaba có thể bị phạt tới 10% doanh thu, nhiều hơn so với khoản phạt 2,8 tỷ USD thực tế.
"Giết gà dọa khỉ"
Chiêu "giết gà dọa khỉ" bằng động thái đưa đế chế kinh doanh của tỷ phú Jack Ma vào tầm ngắm cho thấy chính quyền Bắc Kinh đang gửi một thông điệp mang tính cảnh cáo hết sức rõ ràng đến những gã khổng lồ Internet khác của nước này.
Alibaba trở thành "đòn cảnh cáo" cho các công ty khác khi Bắc Kinh tiếp tục thăm dò khu vực công nghệ tư nhân. Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận đã khẳng định thắt chặt kiểm soát khu vực công nghệ tư nhân là một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm 2021 nhằm "duy trì sự ổn định xã hội".
"Hình phạt này được ban hành nhằm cảnh báo các công ty như chúng tôi", đại diện Alibaba nói. "Nó phản ánh kỳ vọng về chuẩn mực của các nhà quản lý đối với sự phát triển của ngành. Cổ phiếu của Tencent và Baidu đã giảm trong hôm qua vì các đối thủ lo sợ họ có thể là người tiếp theo", người này nói.
Hình phạt cho Alibaba chỉ là một chiêu "giết gà dọa khỉ" mang tính cảnh cáo đối với các gã khổng lồ công nghệ khác. Ảnh: Bloomberg. |
Ông Brock Silvers, giám đốc điều hành công ty đầu tư Kaiyuan Capital, nhân xét: "Khoản phạt của Alibaba không phải là một đòn giáng mạnh về mặt tài chính, nó chỉ phản ánh quá trình đàm phán, giải quyết các vấn đề về quy định của các công ty".
Đồng thời, khoản phạt là một ví dụ về cách các quy định, chính sách có thể đột ngột xóa sạch tài sản của những doanh nghiệp khổng lồ.
"Các cơ quan quản lý đang tăng tốc trong cuộc chiến kiểm soát các tập đoàn khổng lồ của Trung Quốc. Điều này khiến nhà đầu tư toàn cầu ngày càng lo lắng bởi những rủi ro mà lâu nay họ không nhận thức được và cũng không thể lường trước", ông Silvers nói thêm.
Ông Alex Capri, thành viên nghiên cứu tại Hinrich Foundation, nói: "Án phạt Alibaba là một 'phát súng cảnh cáo' đối với toàn bộ lĩnh vực công nghệ lớn ở Trung Quốc".
Ông Capri nói thêm chính quyền Bắc Kinh sẽ tiếp tục con đường của mình để giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực tài chính và đảm bảo các gã khổng lồ công nghệ sẽ trung thành với chính phủ. "Mục tiêu của Trung Quốc là khai thác thế mạnh của các ông lớn công nghệ, trong khi ngăn họ tự đi quá xa. Do vậy, cuộc chiến mà chúng ta đang thấy đối với Alibaba nói riêng và các công ty lớn nói chung vẫn chưa kết thúc", ông nói.
Theo Zing/CNN
Nhìn vào Jack Ma, startup Trung Quốc không dám lên sàn
Những gì diễn ra với Ant Group và Jack Ma khiến nhiều startup của Trung Quốc e ngại việc “lên sàn”.