Gần như mọi bậc phụ huynh đều đau đầu trước thời gian sử dụng máy tính bảng, smartphone hay tivi mỗi ngày của con cái. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu năm 2017, thời gian trẻ dành cho các loại màn hình không thực sự quan trọng bằng sự phụ thuộc của trẻ với thiết bị.
Dành quá nhiều thời gian trước màn hình có liên quan đến thiếu ngủ, ngôn ngữ chậm chạp, kỹ năng xã hội nghèo nàn. Nghiên cứu của Đại học Michigan (Mỹ) chỉ ra vấn đề lớn hơn là liệu việc sử dụng màn hình có gây ra các vấn đề trong các khía cạnh đời sống khác hay trở thành một hoạt động tiêu tốn toàn bộ thời gian của trẻ. Khi điều đó xảy ra, nó có thể xem là trẻ đã nghiện màn hình.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Michigan đã phát triển một công cụ để đo lường mức độ nghiện màn hình của trẻ từ 4 tới 11 tuổi. Khi nói tới trẻ em và màn hình, biểu hiện của mỗi đứa trẻ không quá khác biệt. Dưới đây là những dấu hiệu mà người lớn cần lưu tâm:
1. Không thể kiểm soát thời gian dùng màn hình
Các nhà nghiên cứu gọi đây là “kiểm soát không thành công”, khi trẻ gặp vấn đề không thể ngừng sử dụng thiết bị. Khi muốn giới hạn thời gian sử dụng màn hình, trẻ không hợp tác.
2. Thiếu hứng thú với hoạt động khác
Nếu thời gian xem điện thoại, máy tính bảng hay tivi là thứ duy nhất tạo động lực cho con bạn mà không phải sách, đồ chơi, vận động, có thể chúng đã quá mải mê với các loại màn hình.
3. Màn hình xâm chiếm ý nghĩ của trẻ
Ngay cả khi trẻ đang không chơi game, chúng vẫn nhắc đến Minecraft, băn khoăn YouTuber yêu thích sẽ đăng gì tiếp theo, hay diễn cảnh như trong Angry Birds, đây có thể là dấu hiệu của nghiện màn hình.
4. Can thiệp vào hoạt động chung
Con của bạn có mang theo điện thoại ra bàn ăn? Có chúi mũi vào máy tính bảng khi đang nói chuyện với bà? Khi thiết bị can thiệp vào các hoạt động tập thể, nó chính là vấn đề.
5. Gây vấn đề gia đình nghiêm trọng
Bạn đã bao giờ cãi vã căng thẳng xuất phát từ việc sử dụng màn hình? Hay các vấn đề cư xử khác liên quan tới một thứ mà trẻ xem? Đây là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ “không lành mạnh” với màn hình.
6. Dấu hiệu chống đối
Khi đã tới giờ tắt tivi đi ngủ hay cất điện thoại để dành thời gian cho gia đình, những đứa trẻ của bạn lại tỏ ra giận dữ, thiếu hợp tác, chúng có thể đang biểu hiện chống đối.
7. Thời gian xem ngày càng tăng
Nếu trẻ quen xem 30 phút YouTube mỗi ngày sau giờ học nhưng bây giờ lại xem cả trên đường từ trường về nhà, khả năng rời xa màn hình của chúng ngày càng kém.
8. Nói dối
Nếu trẻ lén lút xem điện thoại vào buổi tối hay nói dối về thời gian chơi game, đây là báo động đỏ mà cha mẹ không thể bỏ qua.
9. Dùng màn hình cải thiện cảm xúc
Nếu trẻ về nhà sau một ngày tồi tệ trên trường và cần đến một chương trình tivi hay game để cảm thấy tốt hơn, các chuyên gia cho rằng đây là một dấu hiệu của nghiện màn hình.
Nghiên cứu không chỉ rõ trẻ mắc bao nhiêu dấu hiệu thì được cho là nghiện màn hình hay đưa ra lời khuyên nên làm gì nếu trẻ thực sự nghiện màn hình. Dù vậy, nếu trẻ có vài biểu hiện như trên, đã tới lúc đánh giá lại thời gian và cách trẻ sử dụng màn hình trước khi mọi chuyện trở nên tệ hơn.
Du Lam (Theo Todaysparents)
Những đứa con của bạn có ‘nghiện màn hình’?
Thế nào là một đứa trẻ 'nghiện màn hình'? Có phải cứ xem nhiều, dùng nhiều thiết bị điện tử là 'nghiện màn hình' hay không?