Sau khi Nokia chi 16,6 tỷ USD để thâu tóm đối thủ yếu hơn trên thị trường thiết bị viễn thông, cái tên Alcatel-Lucent SA sẽ chỉ còn tồn tại trong sách lịch sử bởi nó sẽ bị Nokia thẳng thừng xóa khỏi tên gọi của tập đoàn mới.


{keywords}

Cũng theo các điều khoản của hợp đồng đã ký, trụ sở chính của tập đoàn mới - kết hợp Nokia với Alcatel-Lucent, sẽ được đặt tại Phần Lan.

"Để thương hiệu Nokia nuốt chửng hoàn toàn thương hiệu Alcatel-Lucent là một ý tưởng hay. Bằng cách đó, Nokia sẽ củng cố được vị thế của họ trong làng công nghệ và được đón nhận rộng rãi hơn", chuyên gia David J.Cord, tác giả cuốn sách "Sự trượt dốc và ngã ngựa của Nokia" bình phẩm.

Thương vụ này cũng đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử tồn tại của Nokia. Thành lập năm 1865 với ngành nghề kinh doanh gốc là nghiền bột gỗ, Nokia từng sản xuất qua đủ loại sản phẩm, từ ủng cao su cho đến giấy vệ sinh và TV trước khi chuyển đổi thành hãng điện thoại di động lớn nhất thế giới. Tại thời kỳ đỉnh cao, vốn hóa thị trường của Nokia đạt tới 320 tỷ USD. Với người dân Phần Lan, Nokia chính là biểu tượng cho tiến trình chuyển mình lên nền kinh tế công nghệ của đất nước này.

Thế nên cả đất nước Phần Lan sửng sốt khi chứng kiến Nokia nhanh chóng bị hạ gục bởi những đối thủ như Apple và Samsung Electronics, và đến tháng 9/2013 đã phải bán lại mảng thiết bị cho Microsoft.

"Nokia là một phần của văn hóa và bản sắc Phần Lan, thật khó để người dân nước này chứng kiến Nokia gục ngã", Cord bình luận. "Giờ đây, với những nước cờ lớn ở quy mô quốc tế như thâu tóm và sáp nhập, Nokia đang mở rộng trở lại".

Nhưng mọi chuyện sẽ không dễ dàng, bởi môi trường kinh tế chung của châu Âu đang rất ảm đạm. Năm 2000, Nokia chiếm khoảng 4% GDP của Phần Lan, nhưng nay thì con số đó chỉ còn 0.2% mà thôi. Với việc mua lại Alcatel-Lucent, Giám đốc điều hành Rajeev Suri đang muốn đưa công ty 150 tuổi này sang một ngã rẽ mới: kinh doanh thiết bị mạng viễn thông. Sau khi sáp nhập, liên minh mới sẽ có quy mô doanh thu lớn thứ 2 thị trường, chỉ sau Ericsson của Thụy Điển. Tuy nhiên, Huawei của Trung Quốc cũng là đối thủ rất đáng gờm.

Với người dân Pháp, thương vụ này sẽ là dấu chấm hết cho một thương hiệu từng có thời đại diện cho lịch sử sáng chế và phát minh kỹ thuật của nước này. Việc bị Nokia mua lại sẽ là chương cuối trong lịch sử của một cựu đại gia công nghiệp Pháp, với lĩnh vực hoạt động trải rộng từ tàu vũ trụ cho đến vật lý.

"Sự hồi phục sẽ rất nhanh nếu đi đúng hướng. Chỉ mới vài năm trước, nhiều người tưởng Nokia sẽ đệ đơn phá sản đến nơi. Nhưng giờ thì họ vừa tiến hành một trong những thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử thị trường thiết bị mạng", Cord kết luận.

T.Cầm