Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Nam Thắng cho biết, sau khi Thủ tướng phê duyệt nguyên tắc lớn về cổ phần hóa MobiFone, Bộ sẽ xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, trong đó có việc đánh giá giá trị doanh nghiệp, chọn nhà đầu tư chiến lược, bán đấu giá cổ phần...


Hiện tại, Bộ TT&TT đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa MobiFone. Ban chỉ đạo đã họp nhiều phiên và đang báo cáo Thủ tướng để xin ý kiến chỉ đạo về quan điểm, nguyên tắc lớn khi cổ phần doanh nghiệp này, do MobiFone có doanh thu bình quân năm 2014 gần 40.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 7.000 tỷ đồng, là một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn tiến hành cổ phần hóa và được thị trường đánh giá là "siêu cổ phiếu".

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng

Tháng 6/2014, thực hiện Quyết định 888 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu Tập đoàn VNPT, MobiFone đã được tách riêng để trở thành doanh nghiệp độc lập. Đến tháng 12 vừa qua. MobiFone được Thủ tướng phê duyệt nâng cấp từ công ty TNHH một thành viên lên thành Tổng công ty viễn thông MobiFone. Với quyết định này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh rằng, MobiFone đã trở thành doanh nghiệp đa dịch vụ, có đủ điều kiện để cạnh tranh bình đẳng với các tập đoàn viễn thông lớn khác của Việt Nam như Viettel, VNPT. Những diễn biến của thị trường cho tới thời điểm này hoàn toàn phù hợp với Quy hoạch viễn thông Việt Nam đến năm 2020, khi thị trường có thể hình thành được 'thế chân vạc", quy tụ từ 3-4 tập đoàn, tổng công ty lớn.

"Chúng tôi tin tưởng rằng với việc tổ chức lại các doanh nghiệp viễn thông nói riêng và thị trường viễn thông nói chung, thì sức cạnh tranh trên thị trường viễn thông ngày càng tăng, bảo dảm chất lượng dịch vụ ngày càng cao, giá cước hạ hơn, mang lại quyền lợi cho người sử dụng dịch vụ", Thứ trưởng chia sẻ.

Nhiều dấu ấn 2014

Có thể nói, năm 2014 là một năm chứng kiến nhiều biến động và thay đổi lớn của thị trường viễn thông trong nước.  Đối với quản lý nhà nước, theo Thứ trưởng Thắng, dấu ấn quan trọng nhất chính là tiếp tục hoàn chỉnh hành lang pháp luật, ban hành nhiều thông tư liên quan đến quản lý nhà nước, trình Chính phủ nhiều nghị định, Quyết định, tạo điều kiện cho thị trường viễn thông phát triển.

Bộ cũng đã triển khai nhiều đề án liên quan, tạo điều kiện cho việc phát triển hạ tầng và dịch vụ viễn thông như Đề án số hóa truyền hình; phê duyệt một loạt đề án quan trọng khác như đề án chuyển mạng giữ nguyên số, thực hiện từ nay đến 2017, bảo đảm khi thuê bao di động chuyển đổi nhà khai thác thì vẫn giữ được nguyên số của mình; đề án về việc triển khai hệ thống bảo đảm an toàn an ninh cho hệ thống máy chủ tên miền quốc gia; triển khai các đề án về thu thập dữ liệu của các doanh nghiệp viễn thông bảo đảm kiểm soát tất cả các thuê bao di động...

Đối với phương diện sản xuất kinh doanh, năm 2014 cũng là năm doanh nghiệp viễn thông để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Mặc dù trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, cạnh tranh trên thị trường khốc liệt, ảnh hưởng từ OTT… nhưng những doanh nghiệp viễn thông vẫn giữ vững thị trường trong nước, vươn ra quốc tế. Các doanh nghiệp như VNPT, Viettel, MobiFone, Tổng công ty Bưu điện… đều làm ăn có lãi, có tăng trưởng cả về doanh số, lợi nhuận, nộp ngân sách, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Chờ đợi gì trong 2015?

Dự đoán về thị trường viễn thông trong năm 2015, Thứ trưởng Thắng cho rằng, với những động thái tái cơ cấu doanh nghiệp và thị trường tích cực vừa qua, sự cạnh tranh trong thị trường sẽ tăng lên, thị trường phát triển tốt hơn, bền vững hơn theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, hiệu quả cao, người dùng được lợi hơn một cách rõ rệt.

Bên cạnh đó, xu hướng hội tụ công nghệ dịch vụ giữa viễn thông -phát thanh truyền hình - CNTT trên một nền tảng ngày càng rõ nét hơn. Các doanh nghiệp không chỉ kinh doanh một dịch vụ đơn lẻ mà người dân còn có nhu cầu đối với các dịch vụ như thoại, internet, truyền hình, giải trí… trên cùng nền tảng kết nối đó. Ngay cả một chiếc smartphone hiện nay cũng vừa chơi game, vừa xem tivi, gọi điện, giao dịch ngân hàng… Do đó, các doanh nghiệp khi triển khai kế hoạch kinh doanh cần lưu ý xu hướng này để các giải pháp, dịch vụ đưa ra bảo đảm tính hội tụ và tích hợp dịch vụ công nghệ trên cùng một nền tảng, Thứ trưởng khuyến nghị.

Tuy nhiên, sự phát triển bùng nổ của thiết bị di động cũng đi đôi với nhu cầu bảo đảm An toàn thông tin ngày càng lớn. Vụ công ty Việt Hồng cài phần mềm nghe lén lên 14.000 thiết bị di động trong năm qua chính là một hồi chuông báo động cho tình trạng sử dụng điện thoại thiếu bảo mật của người dùng Việt. Trong năm 2015, người dùng cần được bảo đảm ở cả 2 góc độ: thông tin cá nhân phải được bảo đảm an toàn; dịch vụ sử dụng không bị gián đoạn, không bị phá hoại, thu thập thông tin trái phép; dịch vụ yên tâm, không bị quấy rối bởi tin nhắn rác, thư rác…Các văn bản pháp luật ban hành hay các hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp triển khai trong năm 2015 sẽ đều phải tính đến những vấn đề này, Thứ trưởng kết luận.

  • Trọng Cầm