Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI trên trang cá nhân của mình vào sáng nay 11/1, nhằm “đáp” lại những phân tích về việc cấm xe máy của một số học giả khác.
Trên thực tế, Hà Nội, Tp HCM đã bàn chuyện ‘cấm xe máy” ở nội độ trong 7 năm vừa qua mà vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Năm 2017, Hà Nội đã thông qua lộ trình sẽ cấm xe máy vào quận nội thành kể từ năm 2030.
Thế nhưng, khi tai nạn thảm khốc tài xế xe container hút heroin đâm hàng loạt xe máy đang dừng đèn đỏ ở Long An hôm 2/1 xảy ra, cuộc tranh luận “cấm xe máy” lại bùng lên mạnh mẽ trong gần 9 ngày qua.
TS Lương Hoài Nam- một chuyên gia nổi tiếng thường xuyên nghiên cứu lĩnh vực giao thông, là người đã ‘châm ngòi” cho cuộc tranh luận này.
Ông đã viết rằng: “Khi nhiều người đi xe máy đã phải bỏ mạng trong 2 vụ tai nạn ở Long An và Lâm Đồng, tôi tiếp tục khẳng định xe máy không phải và không thể dùng làm phương tiện giao thông chủ lực của người dân. Người dân cần sợ nó kể cả khi buộc phải dùng. Nhà nước cần có lộ trình giảm dần rồi loại bỏ nó, thay thế bằng những phương tiện giao thông công an an toàn, tiện nghi, tiết kiệm chi phí hơn so với việc người dân phải bỏ tiền mua và nuôi xe máy, phó mặc sức khoẻ cho mưa nắng, phó mặc tính mạng cho rủi ro tại nạn giao thông”.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Hưng, trước khi nói chuyện cấm xe máy thì phải có được giải pháp khả thi cho những người hiện đang đi xe máy.
Ông Nguyễn Duy Hưng: "Cấm thì người đi xe máy sống thế nào?" |
“Họ sẽ đi lại ra sao khi xe máy bị cấm? Đấy là chưa kể đối với rất nhiều người hiện xe máy là “tư liệu sản xuất duy nhất” để nuôi sống gia đình bằng nghề xe ôm hay vận chuyển giao nhận hàng hoá”, ông Nguyễn Duy Hưng viết.
Ông cũng phân tích: “Nếu bây giờ đường phố toàn ô tô không có xe máy thì đúng là an toàn hơn, đẹp hơn và thoải mái hơn rất nhiều cho những người tham gia giao thông. Những người hiện đang đi xe máy, họ hiểu còn hơn những người đang đi ô tô về những nguy hiểm và bất tiện khi dùng xe máy, nhưng phần lớn trong số họ chưa có lựa chọn nào khác chứ không phải họ không nhận thức được”.
Ông Hưng nhấn mạnh: “Mọi người phải được bình đẳng mưu cầu cuộc sống, những chí sỹ đi ô tô ngồi bàn chuyện cấm xe máy mà chẳng hiểu cuộc sống của người đi xe máy và đưa ra giải pháp cho họ chả nhẽ không ngại người đi xe máy lại đưa ra giải pháp là cấm ô tô đi trong nội thành vì hiện trạng đường cũng như bãi đỗ xe trong nội đô chưa đáp ứng được à? Nếu trưng cầu dân ý thì khả năng ô tô bị cấm sẽ cao hơn đấy”.
"Mấu chốt câu chuyện không phải là cấm xe máy hay ô tô mà là cấm thì người đang đi xe máy sống như thế nào? Ở những thành phố Trung Quốc cấm xe máy thu nhập bình quân đầu người là trên 20 ngàn Đô-la, thu nhập bình quân của Trung Quốc là trên 8 ngàn Đô- la", ông Nguyễn Duy Hưng lưu ý thêm.
Trước đó, TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý thuộc Đại học Fulbright Việt Nam cũng phản bác luận điểm của TS Lương Hoài Nam.
Xe máy không an toàn và thường chịu thiệt hại lớn nếu va chạm với ô tô (Vụ tai nạn ở Bến Lức) |
TS Du nhìn nhận: "Ô-tô chứ không phải xe máy mới là nguyên nhân làm cho tình trạng giao thông tệ đi và cũng chính ô tô mới là hung thần của tai nạn giao thông. Những vụ tai nạn thảm khốc chủ yếu là do xe ô tô gây ra hay đụng giữa xe máy và ô tô chứ xe máy với xe máy thường ít nghiêm trọng hơn, nhất là ở trong đô thị. Đó là chưa kể hiện tượng "xe điên" (do nhiều người chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý) ngày một nhiều hơn. Một trong những nguyên nhân chính của các tai nạn thảm khốc là do việc sử dụng các làn đường hỗn hợp (các loại xe khác nhau cùng lưu thông)".
TS Huỳnh Thế Du dẫn chứng: Tính đến 15/11/2018, toàn quốc đăng ký mới 339.215 xe ô tô, 4.002.931 xe mô tô, 194.373 xe máy điện. Nâng tổng số xe đã đăng ký tại cơ quan Công an là 3.884.627 ô tô, 58.169.432 mô tô và 1.075.630 xe máy điện. Tính ra xe máy chiếm 93,8% tổng số phương tiện và ô tô là 6,2%.
Theo đó, 6,2% phương tiện (ô tô) là thủ phạm của 33,5% vụ tai nạn và 93,8% phương tiện (xe máy) gây ra 60,25% vụ tai nạn trong năm 2018. Tính ra, số vụ tai nạn/1 ô tô gấp 8,5 lần số vụ tai nạn/1 xe máy. Con số này cho thấy mức độ khủng khiếp của việc lưu thông hỗn hợp hiện nay với ô-tô là đối tượng hết sức nguy hiểm.
Do vậy, lập luận cấm xe máy trong nội đô để giảm tai nạn giao thông là lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. Thực ra giải pháp phải là đối với các tuyến đường ngoại vi và quốc lộ...
Bạn có quan điểm nào về vấn đề này? Mọi ý kiến tranh luận xin gửi về chuyên trang qua email: [email protected]
Phạm Huyền
Bỏ mặc nữ sinh: Xe bạc tỉ, đạo đức 1 xu
Tài xế xe Range Rover đâm nữ sinh bỏ chạy hôm 7/12 vẫn trốn biệt. Nhiều vụ việc đau lòng tương tự đã xảy ra. Tình trạng đạo đức lái xe đang xuống cấp nghiêm trọng.