Theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn của Bộ GTVT trong việc dừng đăng kiểm các xe chưa nộp phạt nguội chưa rõ ràng, gây vướng mắc trong áp dụng.
Trong việc cơ quan đăng kiểm từ chối đăng kiểm các xe chưa nộp phạt vi phạm giao thông được ghi lại qua hình ảnh (phạt nguội), nếu Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - nói gọn là Cục KTVB (Bộ Tư pháp) cho rằng sai thì ngược lại, Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) và Cục CSGT (Bộ Công an) lại cho là đúng. Điều gì đang xảy ra từ sự khác biệt ý kiến ít thấy như thế này đối với các trường hợp đã bị Cục KTVB kỳ công “tuýt còi”?
Bất nhất từ Cục Đăng kiểm
Theo Pháp Luật TP.HCM ngày 2-12, quy định nêu tại khoản 6 Điều 4 Thông tư 70/2015 của Bộ GTVT mà Cục Đăng kiểm tựa vào để không kiểm định các xe dính lỗi phạt nguội theo đề nghị của CSGT có hai điểm chưa hợp lý.
Thứ nhất, không cho các xe thực hiện trách nhiệm kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông theo yêu cầu của Luật Giao thông đường bộ 2008, ngay cả khi lý do không thuộc về kỹ thuật hoặc bảo vệ môi trường. Thứ hai, hướng dẫn của Bộ GTVT chưa rõ ràng, thiếu minh bạch, không xác định rõ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đề nghị không kiểm định là cơ quan nào? Căn cứ, điều kiện để đề nghị không kiểm định là gì? Hướng dẫn này cũng không có sự phân biệt để có cách xử lý hợp lý, công bằng giữa trường hợp chủ phương tiện được thông báo và không được thông báo về việc xe có vi phạm trước khi đưa đi kiểm định.
Thế nhưng trên Pháp Luật TP.HCM ngày 7-12, Cục phó Cục Đăng kiểm Nguyễn Hữu Trí lại cho rằng đơn vị không áp dụng Thông tư 70/2015 mà làm theo quy định của khoản g điểm e Điều 27 Nghị định 63/2016. Với quy định này, đơn vị đăng kiểm có trách nhiệm “thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác đảm bảo an toàn giao thông, tình trạng kỹ thuật của phương tiện và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền”. Do đó, các trung tâm đăng kiểm vẫn sẽ tiếp tục thực hiện việc dừng đăng kiểm đối với xe nợ phạt nguội.
Phát biểu này gây bất ngờ vì trong các lần trả lời báo chí trước đây, chính ông Nguyễn Hữu Trí nhiều lần khẳng định căn cứ pháp lý để từ chối đăng kiểm xe chưa nộp phạt nguội là Thông tư 70/2015. Dùng quyền hạn để từ chối đăng kiểm xe của dân mà lúc nói thế này, lúc nói thế khác. Ngoài nhầm lẫn thì còn lý do nào khác gây ra sự bất nhất này?
Kiểm định ô tô tại trung tâm đăng kiểm cơ giới. |
Làm theo quy định nào cũng đều sai
Thông tư 70/2015 của Bộ GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trong đó có quy định về những hành vi không được thực hiện trong kiểm định xe cơ giới. Còn Nghị định 63/2016 thì quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Theo nguyên tắc lựa chọn áp dụng văn bản, khi muốn từ chối kiểm định xe theo đề nghị của CSGT, các cơ quan đăng kiểm chỉ có thể áp dụng quy định cụ thể của Thông tư 70/2015 chứ không thể theo một điều khoản có nội dung chung chung của Nghị định 63/2016. Tuy nhiên, như phân tích xác đáng của Cục KTVB, điều khoản đã nêu của Thông tư 70/2015 có nhiều nội dung chưa phù hợp, cần phải được xử lý lại.
Vì lẽ đó, chúng tôi cho rằng Bộ GTVT cần phải khẩn trương xem xét, xử lý ngay điều khoản đã nêu theo lưu ý của Cục KTVB để đảm bảo tính hợp pháp, rõ ràng, minh bạch của việc từ chối đăng kiểm. Trước mắt, bộ này có thể chỉ đạo Cục Đăng kiểm tạm dừng việc chặn đăng kiểm theo đề nghị của CSGT để tránh làm phát sinh hậu quả từ một văn bản có dấu hiệu vượt quyền và trái pháp luật.
Cũng từ yêu cầu đã nêu của Cục KTVB, Cục CSGT - Bộ Công an nên chủ động tổ chức xử phạt cho tốt thay vì tiếp tục cậy đăng kiểm “xử lý” phạt nguội, gây thêm oan sai cho nhiều người không trực tiếp vi phạm giao thông.
Dưới góc độ KTVB, chúng tôi cho rằng quy định tại khoản 6 Điều 4 Thông tư 70/2015 là chưa chặt chẽ, chưa rõ ràng và thiếu minh bạch, khi áp dụng quy định có thể liên quan đến việc dừng đăng kiểm trong nhiều trường hợp. Vấn đề ấy rộng hơn chứ không chỉ là việc CSGT đề nghị không kiểm định vì người vi phạm chưa hợp tác để nộp phạt nguội. Ông ĐỒNG NGỌC BA, Cục trưởng Cục KTVB QPPL (Bộ Tư pháp) TP.HCM không gây khó cho dân Trong một lần trả lời báo chí, Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng PC67 Công an TP.HCM, cho biết một số địa phương đã thực hiện việc phối hợp giữa CSGT với các cơ quan đăng kiểm để xử phạt nguội nhưng TP.HCM chưa thực hiện. Theo Trung tá Phong, việc phối hợp là tùy theo thực tế của đơn vị mà có giải pháp cụ thể, không riêng gì cơ quan đăng kiểm mà tất cả cơ quan có chức năng phối hợp như trạm thu phí, điểm sát hạch ô tô, điểm đăng ký xe… cũng có thể tham gia. “Quan điểm chúng tôi là không gây khó cho người dân, tạo điều kiện tốt nhất để người dân hỗ trợ chúng tôi. Chúng tôi sẽ xây dựng cơ chế làm sao đúng với quy định của pháp luật mà phát huy hiệu quả và không ảnh hưởng đến hoạt động của người dân” - Trung tá Phong nêu rõ. |
(Theo Pháp Luật TP.HCM)