Việc tìm chủ nhân mang biển số giả rất khó nhưng một số nơi vẫn không đồng tình đề xuất đấu giá công khai biển số xe đẹp.

Chịu... tìm mãi không ra

Chiều ngày 24/11, trao đổi với PV, Thượng tá Đinh Văn Ninh - Trưởng phòng CSGT TP. Ninh Bình cho biết, sau 28 ngày truy lùng, vẫn chưa tìm ra chủ nhân chiếc xe sang mang nhãn hiệu Rolls-Royce Ghost trị giá khoảng 17 tỷ đồng, nhưng lại mang biển số giả 35N-6789 (biển này thường được dân sành chơi biển đọc chệch là san bằng tất cả).

Sự việc được phát hiện từ ngày 26/10 khi trên mạng xuất hiện hình ảnh chiếc xe siêu sang này có trùng biển số với một chiếc xe tải loại 1,5 tấn. Cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, phát hiện biển số mà chiếc xe tải mang là thật, còn chiếc xe siêu sang đeo biển số giả.

“Chịu, họ đeo giả rồi họ vứt biển đi. Chắc hình ảnh đưa lên mạng được người dân chụp lâu rồi nên giờ không hoạt động nữa. Riêng ở địa phận TP. Ninh Bình, chúng tôi đã rà soát tất cả nhưng không tìm ra, có lẽ là ở đâu chứ ở Ninh Bình thì không có”, ông Ninh giải thích.

{keywords}

Hai chiếc xe mang biển xanh của Thanh Hóa cũng trùng biển số đẹp khiến dư luận xôn xao một thời gian dài.

Tuy việc truy tìm xe mang biển số giả gặp nhiều khó khăn nhưng ông Ninh không đồng tình với đề xuất đấu giá công khai biển số xe đẹp được đưa vào Dự thảo Luật Đấu giá tài sản trình Quốc hội phê duyệt. Ông Ninh tỏ ra quan ngại khi không biết thế nào là “biển đẹp”; “biển xấu”.

Ông Ninh cho biết: “Việc đấu giá biển số xe đẹp có từ bao nhiêu năm rồi nhưng không thực hiện được, có giải quyết được vấn đề gì đâu? Chúng tôi cho người dân bấm chọn biển số bình thường để thể hiện tính công bằng, không phân cách giàu nghèo, người ta được biển nào lấy biển đấy”.

Ngoài ra, một số lãnh đạo CSGT ở Cà Mau, TP. HCM, Đồng Tháp… những nơi thường xuyên xuất hiện tình trạng biển số xe giả cũng không đồng tình với quan điểm đấu giá một phần biển số xe. Bởi, họ cho rằng, biển số xe chỉ là một phương pháp giúp lực lượng chức năng quản lý phương tiện nên không thể công nhận đó là tài sản người dân được quyền sở hữu.

“Nếu liên quan đến quản lý nhà nước thì không thể mua bán, trao đổi bằng tiền mặt như thế tính chất sẽ thay đổi. Nếu là số điện thoại thì còn có thể đấu giá được vì nó đơn giản hơn, có thể chuyển nhượng mà không liên quan đến mặt quản lý hành chính nhà nước” – một vị lãnh đạo CSGT ở Đồng Tháp cho hay.

Tránh cơ chế xin - cho?

Được biết, Nghệ An là địa phương duy nhất từng tiến hành đấu giá biển số xe đẹp vào năm 2014 nhưng khi đó chưa có quy định cụ thể nên bị “tuýt còi”. Mặc dù vậy, Đại tá Cao Minh Phượng - Trưởng phòng CSGT tỉnh Nghệ An vẫn cho rằng, đó là việc làm có ý nghĩa xã hội thiết thực, tạo sự công bằng trong xã hội, đồng thời tránh dư luận không hay cho bộ phận nghiệp vụ cấp biển số.

“Nếu được các bộ, ngành đồng thuận và cho phép, Nghệ An sẵn sàng tiên phong thực hiện trở lại việc đấu giá biển số đẹp”, Thượng tá Phượng cho biết.

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Phòng CSGT Nghệ An cũng cho rằng, cần quy định rõ việc xử lý biển số như thế nào khi bán phương tiện nhưng không bán biển số xe và ngược lại. Bên cạnh đó, để việc đấu giá được chặt chẽ, khách quan và đúng luật, cần thành lập hội đồng đấu giá với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan. Người tham gia đấu giá phải có những ràng buộc để đấu giá ảo, bỏ cuộc giữa chừng...

Trong khi đó, ông Phạm Trường Dân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam thừa nhận, hiện nay dư luận vẫn cho rằng có hiện tượng xin - cho trong vấn đề cấp biển số xe. Do vậy, để công khai, minh bạch và để tăng thêm cho ngân sách nhà nước, ông Dân ủng hộ đề xuất đấu giá biển số xe đẹp để tăng nguồn thu cho ngân sách và chấm dứt tiêu cực trong chạy chọt, xin - cho biển số xe.

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội chiều ngày 9/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Ban soạn thảo sẵn sàng tiếp thu nghiên cứu đưa biển số xe vào danh mục đấu giá nếu nhiều ĐB đề nghị. Trước mắt có thể đưa vào trong luật quy định có tính nguyên tắc là, cho phép thực hiện đấu giá biển số xe, sau đó sẽ giao cho Chính phủ quy định chi tiết để thực hiện.

(Theo Phụ nữ TP.HCM)