Trong khi người tiêu dùng mòn mỏi nhiều năm để được bảo vệ nhờ sự quản lý chặt chẽ về chất lượng sản phẩm xe đạp điện, xe máy điện của cơ quan chức năng kể từ 1/7 tới đây thì bất ngờ 5 doanh nghiệp tự xưng là "Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe đạp điện, xe máy điện tại Việt Nam" lại đưa ra văn bản đề nghị cơ quan chức năng lùi thời hạn đăng ký bắt buộc đối với xe đạp điện và xe máy điện đến cuối năm 2016.

{keywords}

Ý kiến của Hiệp hội “ma”

Mới đây 5 doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp tư nhân Thanh Chiến, Công ty TNHH Bridgestone Việt Nam, Chi nhánh Công ty TNHH Bridgestone Việt Nam, Công ty CP thương mại Thanh Phúc Vượng, Công ty CP Quốc tế Mỹ Đình tự xưng là "Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe đạp điện, xe máy điện tại Việt Nam" đã gửi văn bản đến Bộ Giao thông Vận tải xin lùi thời hạn đăng ký xe máy điện đến 30/12/2016 với lý do: Đây là thời điểm học sinh ồ ạt mua xe điện để làm phương tiện nhập trường, việc giới hạn thời gian đăng ký xe điện vào 1/7 sẽ gây ra tình trạng đầu cơ, tích trữ, nâng giá bán, ảnh hưởng đến kỳ nhập học của học sinh... Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù trên văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải ghi là "Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe đạp điện, xe máy điện tại Việt Nam" nhưng không hề có con dấu, trụ sở, điện thoại liên hệ của Hội. Hình thức, nội dung văn bản cũng không đúng theo quy phạm văn bản hành chính. Tra cứu thông tin tại Vụ Tổ chức phi Chính phủ, Bộ Nội vụ - Cơ quan quản lý quản lý các Hội, Hiệp hội chúng tôi được biết hiện không bất kỳ Hiệp hội nào có tên "Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe đạp điện, xe máy điện tại Việt Nam".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Hiệp hội là một tổ chức phi chính phủ được thành lập bởi sự đồng ý và quản lý của Bộ Nội vụ (nếu hoạt động trên địa bàn toàn quốc) hoặc Sở Nội vụ (nếu hoạt động trong phạm vi tỉnh/thành). Do vậy, việc tự xưng "Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe đạp điện, xe máy điện tại Việt Nam" còn là một hành vi vi phạm pháp luật.

Trả lời báo giới về việc 5 doanh nghiệp tự xưng "Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe đạp điện, xe máy điện tại Việt Nam" đề nghị lùi hạn đăng ký xe điện đến hết năm 2016, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia rằng: Họ đề nghị lùi hạn đăng ký để tránh đầu cơ, nhưng đó không phải là lí do chính đáng. Thực tế việc đăng ký đã được Chính phủ “nới” hạn từ mấy năm nay để tạo điều kiện hết sức cho cả người dân và doanh nghiệp. Chỉ đạo của Chính phủ là chốt hạn đến 30/6/2016, theo tôi cần thực hiện nghiêm, vì nếu cứ lùi mãi thì bao giờ mới xong? Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe đạp điện, xe máy điện tại Việt Nam có tới Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị tham mưu với Chính phủ về việc lùi thời hạn đăng ký xe điện tới 30/12/2016, nhưng Ủy ban đã từ chối kiến nghị này.

Cũng liên quan đến việc xin lùi thời gian đăng ký xe điện, Thứ trưởng Bộ Giao thông Lê Đình Thọ nhấn mạnh quan điểm của Bộ Giao thông vận tải là: Bộ Giao thông vận tải đã kiên quyết trong việc quản lý phương tiện xe điện và thực tế Chính phủ đã cho lùi hạn đăng ký, tức là đã có lộ trình cho người dân và doanh nghiệp. Tôi cho rằng cần thực hiện nghiêm các quy định để quản lý chặt chẽ.

Ông Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an khi trả lời báo giới cũng cho rằng: “Cục Cảnh sát giao thông không nhận được đề nghị về lùi hạn đăng ký xe điện, nhưng quan điểm của Cục là phải chấp hành quy định và chỉ đạo của Chính phủ, không thể gia hạn hay lùi hạn mãi được, như vậy sẽ không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và gây khó khăn cho công tác quản lý”.

Nỗ lực của cơ quan chức năng

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 22/10/2015 Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 54/2015/TT-BCA bổ sung quy định về đăng ký xe đối với xe mô tô điện, xe máy điện. Theo đó, kể từ mồng 1/7/2016 tất cả mô tô điện, xe máy điện không đăng ký sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc triển khai bắt buộc đăng ký xe điện vào mồng 1/7/2016 là một nỗ lực lớn của các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Ủy Ban ATGT Quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải khi tham mưu, đề xuất cho Chính phủ trong việc quản lý xe điện vì an toàn của người sử dụng sau nhiều lần trì hoãn.

Trong suốt quá trình từ năm 2013 đến 2015, Chính phủ đã 3 lần lùi thời gian đăng ký xe điện nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt từ năm 2015 đến nay, cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và thực hiện cấp đăng kiểm cho nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe điện. Đối với người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cũng đơn giản hóa thủ tục đăng ký, miễn thuế khi đăng ký xe điện, chấp nhận đăng ký cho cả xe đạp điện, xe máy điện không đủ hồ sơ, giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ…. Cơ quan công an ở nhiều tỉnh, thành tổ chức các tổ, đội công tác đến tận trường học để tuyên truyền về việc đăng ký xe đạp điện, xe máy điện, tổ chức kiểm tra và cấp đăng ký ngay tại trường cho học sinh sử dụng xe đạp điện, xe máy điện.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, việc lùi thời gian đăng ký xe điện của cơ quan chức năng những từ năm 2013 đến nay là một chính sách rất nhân văn của Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng hợp thức hóa quyền sở hữu xe đạp điện, xe máy điện hiện có. Điều này cũng có nghĩa là nhà nước chấp nhận đăng ký cho tất cả các xe đạp điện, xe máy điện không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hết sức tỉnh táo không để các doanh nghiệp xin trì hoãn thời gian đăng ký xe điện để lợi dụng chính sách của nhà nước nhằm phục vụ lợi ích của doanh nghiệp mình.

Theo Dân trí