Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhìn nhận về những thành tựu cũng như thách thức ở cương vị người đứng đầu ngoại giao của Mỹ suốt 4 năm qua.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary
Clinton. Ảnh: Minh Thăng |
Trong một bài phát biểu mới đây tại Newseum ở Washington D.C., bà Clinton đã dành thời gian nói về việc Palestine được công nhận là quan sát viên Liên hợp quốc. Bà nhắc lại cảnh báo rằng, hòa bình giữa Israel và Palestine sẽ tồn tại thông qua hội đàm trực tiếp chứ không bằng các giải pháp quốc tế.
Chủ đề chung trong phát biểu của Hillary là các thách thức kinh tế và ngoại giao trên phạm vi toàn cầu đang thay đổi mối quan hệ của Mỹ với đồng minh cũng như với các đối thủ. “Chúng ta sống trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Rất nhiều nhân tố đã định hình chính sách đối ngoại Mỹ nhiều thập niên nay đang thay đổi. Và nó đặt ra các thách thức mới cho vai trò lãnh đạo toàn cầu của chúng ta”, bà tuyên bố.
Theo bà, trong những thách thức ấy có cuộc khủng hoảng kinh tế đang làm rung chuyển các liên minh ở châu Âu, sự trỗi dậy của Trung Quốc vươn tới vị thế toàn cầu, thay đổi chế độ ở thế giới Ảrập và cả nỗ lực hướng tới độc lập năng lượng của Mỹ, việc nhấn mạnh vào khả năng kinh tế hơn là vũ khí, sự xuất hiện một thế hệ mới ít có cảm nhận “thân Mỹ” hơn là thế hệ cha mẹ, ông bà họ.
Ngoại trưởng Mỹ nói về các chuyến đi tới hơn 112 quốc gia bà đã thực hiện trong nhiệm kỳ của mình. “Tôi nhận thấy một điều rằng, trong thế giới ngày nay, khi chúng ta có thể tới bất kỳ nơi nào, thì có người thậm chí vẫn hỏi tôi rằng ‘tôi đã thấy lịch trình của bà. Tại sao là Togo? Tại sao là quần đảo Cook?’. Chưa một ngoại trưởng nào từng tới Togo. Togo có thể vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hãy tới đó, và có một mục tiêu chiến lược thực sự”.
Trong số các thành tựu của mình, Ngoại trưởng Mỹ nói về các cuộc trao đổi với thanh niên toàn cầu, nâng cao nhận thức cho các nhóm tôn giáo thiểu số, bảo vệ tự do Internet, bênh vực quyền lợi phụ nữ…
Bà Clinton cũng không quên nói về một chương đen tối nhất trong nhiệm kỳ của mình - cuộc tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya ngày 11/9 vừa qua khiến bốn nhân viên ngoại giao Mỹ thiệt mạng, trong đó có Đại sứ tại Libya Christopher Stevens. Sau vụ việc này, bà Clinton đã yêu cầu tăng cường an ninh ở các đại sứ quán, lãnh sự quán Mỹ khắp thế giới nhưng cũng nhấn mạnh rằng, các nhà ngoại giao phục vụ ở những nơi nguy hiểm phải tiếp tục tồn tại để thực hiện những công việc ngoại giao của nước Mỹ.
“Khi chúng tôi mất đi những người bạn như Đại sứ Chris Stevens, người luôn quả cảm trong sứ mệnh ngoại giao của mình, chúng tôi không bao giờ lùi bước”, bà Clinton nói. “Nên chúng tôi sẽ làm những gì chúng tôi luôn luôn làm: phối hợp với nhau, học tập và cải thiện - vì nước Mỹ luôn trỗi dậy mạnh mẽ hơn, tự tin hơn”.
Thái An (theo abcnews)