Ngoại trưởng Mỹ có một số lời khuyên cho người kế nhiệm trong các cuộc thương thảo
với lãnh đạo Trung Quốc: “Bạn phải luôn là chính mình, bạn phải là người Mỹ, bạn
phải đại diện cho các giá trị, lợi ích và an ninh Mỹ".
Trong một cuộc phỏng vấn với
Bloomberg Radio sau chuyến thăm thứ sáu - có lẽ là cuối cùng - tới Trung Quốc ở
cương vị người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, Hillary Clinton đã đưa ra những bài học của ba năm
rưỡi hoạt động, cố gắng giải quyết các vấn đề với một cường quốc trỗi dậy và là
nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ảnh: Telegraph |
Cùng với sự đầu tư và ảnh hưởng ngày một lan rộng khắp thế giới, Trung Quốc đã nắm giữ lá phiếu chủ chốt với những vấn đề quan trọng nhất trước Hội đồng Bảo an LHQ. Bà Clinton, người tuyên bố sẽ từ nhiệm trong vòng vài tháng tới kể cả khi Tổng thống Barack Obama tái cử, tuần trước đã tới Bắc Kinh với nỗ lực thuyết phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc thông qua một bộ quy tắc ứng xử để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và nhiều láng giềng ở Biển Đông. Bà cũng mong muốn Bắc Kinh ủng hộ phương Tây trong một hành động cứng rắn hơn chống lại Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria.
Các cuộc gặp của Ngoại trưởng Mỹ với những lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đều diễn ra với sự thân thiện và thẳng thắn cho dù còn nhiều vấn đề tồn tại.
Điểm chung
“Bạn phải tìm kiếm các cách đào sâu hiểu biết, tìm kiếm những điểm tương đồng ở bất cứ nơi nào có thể, làm việc để gia tăng hợp tác", Ngoại trưởng Mỹ nói trong cuộc phỏng vấn mới đây khi kết thúc chuyến công du tới 6 nước châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, bà cho biết, điều quan trọng "là phải nhân danh cho những gì chúng ta tin tưởng. Chúng ta đã đi một chặng đường dài để thực hiện điều này" trong chính sách đối ngoại Mỹ những năm qua.
Chuyến công du tới Bắc Kinh lần đầu tiên ở cương vị ngoại trưởng của bà Clinton là vào tháng 2/2009. Kể từ đó, bà đã trở lại thủ đô của Trung Quốc ba lần, trong đó có hai lần tham gia cuộc Đối thoại Kinh tế và chiến lược hai bên. Bà còn có các chuyến đi khác tới đảo Hải Nam, thành phố Thâm Quyến và Hong Kong.
Bà đã nhiều lần gặp gỡ các nhà lãnh đạo Trung Quốc tại Washington và LHQ, tại các hội nghị thượng đỉnh châu Á và các cuộc gặp G20.
Ba tháng trước đây, chuyến công du tới Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ cho các cuộc đối thoại kinh tế và chiến lược thường niên đã bị chệch hướng vì vụ việc liên quan tới nhà hoạt động khiếm thị bất đồng chính kiến Trần Quang Thành.
Thừa nhận khác biệtCuối cùng, phía Trung Quốc đã
"dịu lại" ngay trước khi hai bên kết thúc cuộc đối thoại hàng năm và nhất trí ra
tuyên bố chung về hợp tác kinh tế và an ninh.
Trong chuyến công du tới Bắc Kinh tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại, hai bên "không phải đồng thuận về mọi thứ". Bà khẳng định, điều đó là tự nhiên trong trong bất kỳ mối quan hệ nào, đặc biệt là giữa "hai nước lớn và đa dạng" như Trung Quốc và Mỹ.
Đáp lại lời Ngoại trưởng Mỹ, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng đề cập tính tích cực trong quan hệ nước. Ông nói, hai bên có thể cùng làm việc miễn là tiếp tục "tôn trọng các lợi ích cốt lõi và những mối quan tâm lớn của mỗi bên". "Lịch sử và thực tế đã minh chứng rằng, Trung Quốc và Mỹ có những lợi ích đan xen nhau".
Hành động cân bằng
Trong cuộc phỏng vấn, bà Clinton nói, bà nhận thấy hành động cân bằng là "phù hợp với bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta không thể nhất trí mọi thứ với bất cứ ai", bà dẫn dắt một vụ tranh cãi với Canada - một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ.
Khi được hỏi về lời khuyên dành cho người kế nhiệm về vấn đề Trung Quốc, bà nói, chìa khóa là "sự cân bằng khi mối quan hệ với Trung Quốc trở thành trung tâm vì vai trò ngày càng quan trọng mà Trung Quốc đang nắm giữ trong kinh tế và chính trị".
Bà Clinton nhiều lần nói rằng, Mỹ cần sự hợp tác từ quốc gia đông dân nhất thế giới để giải quyết rất nhiều thách thức toàn cầu.
Thái An (theo Bloomberg)