Siêu tàu lặn mang tên Giao Long của Trung Quốc đã chinh phục độ sâu 5.188m dưới biển trong lần lặn sâu nhất ở Thái Bình Dương năm nay. Nó sẽ nỗ lực đạt kỷ lục lặn 7.000m vào năm tới.
Tàu lặn Giao Long của Trung Quốc. Ảnh: brahmand |
Cơ quản quản lý đại dương Trung Quốc (SOA) đã công bố thông tin trên. Trong cuộc họp hôm 26/12 tổng kết công tác, Liu Cigui, phụ trách SOA, cho hay, Trung Quốc sẽ thúc đẩy phát triển các công nghệ và trang thiết bị hoạt động biển sâu bao gồm tàu nghiên cứu, tàu lặn độc lập... Nước này cũng sẽ tăng cường các nỗ lực thăm dò ở những khu vực sàng quặng ở đáy biển quốc tế được phép thăm dò khai thác.
Giao Long đã thành công khi đạt độ sâu 3.759m dưới biển ở Biển Đông vào năm 2010, đưa Trung Quốc ra nhập câu lạc bộ 5 quốc gia sở hữu tàu lặn có người lái ở mức 3.500m dưới mực nước biển gồm Mỹ, Pháp, Nga và Nhật Bản.
Chương trình phát triển siêu tàu lặn của Trung Quốc đang đặt trong "vòng ngắm" sâu sát tại châu Á cũng như phương Tây về tiềm năng quân sự, khả năng khai thác cũng như nghiên cứu khoa học của nó. Giao Long - tên một loài vật thần thoại - được thiết kế là một tàu lặn có người lái với khả năng lặn sâu nhất của thế giới.
Giao Long có phần thân tàu titan đặc biệt để chống chọi áp lực mạnh của đại dương sâu thẳm. Nếu thành công khi đạt độ sâu tối đa của mình là khoảng 7.000m, nó sẽ có khả năng chạm tới đáy hầu hết các vùng biển của thế giới.
Trung Quốc tuyên bố, một trong những mục tiêu chính của tàu lặn là đứng ở vị trí hàng đầu để thăm dò và khai thác thứ mà các chuyên gia nói rằng là một kho tàng trị giá nhiều nghìn tỉ đô la gồm vàng, đồng, chì, kẽm, sắt và những khoáng sản khác ở những đáy biển giàu trữ lượng tài nguyên của các đại dương - bao phủ hơn 2/3 bề mặt trái đất với độ sâu trung bình 4.000m.
Các chương trình tham vọng trong thăm dò và phát triển đại dương của Trung Quốc bắt đầu từ năm 2002. Đó là một dự án giàu ngân quỹ, được ưu tiên cao với sự tham gia của hơn 100 viện nghiên cứu và công ty.
Theo giới phân tích, trong khi Trung Quốc không hề giữ bí mật về các tham vọng năng lượng và khoáng sản biển sâu, thì họ lại đề cập rất ít tới tiềm năng quân sự. Tuy nhiên, những khả năng của Giao Long cho thấy, nó có thể thực hiện các nhiệm vụ quan trọng cho các lực lượng vũ trang và cơ quan an ninh quốc gia của Trung Quốc. Nó bao gồm việc thâm nhập hệ thống cáp quang dưới đáy biển để ngăn chặn những bí mật ngoại giao và thương mại, tìm lại các vũ khí hạt nhân và tên lửa thất lạc, và tạo ra các bản đồ đáy biển có độ phân giải cao để hỗ trợ hoạt động của hạm đội tàu ngầm ngày càng mạnh.
Thái An (theo Philippine
Star, Japantimes)