- Cứ tối thứ 7 rảnh rỗi, gia đình ông lại tổ chức vui văn nghệ, ông kéo đàn nhị dạy các con những bài hát kháng chiến và bài “Phất cờ Nam tiến” do mình sáng tác.
Những phút bình yên nhất xưa kia của gia đình Đại tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của QĐND VN, được con trai ông - Hoàng Quốc Hùng xúc động kể lại trong buổi hội thảo "Đại tướng Hoàng Văn Thái - Nhà quân sự tài năng, đức độ của cách mạng VN" do Bộ Quốc phòng tổ chức sáng nay tại Hà Nội.
Ông Hoàng Quốc Hùng. Ảnh: Duy Hồng |
Làm công tác tham mưu suốt cuộc đời
Ông Hùng nhắc lại nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về cha mình.
Hôm trước ngày thành lập Đội VN tuyên truyền giải phóng quân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp triệu tập ông Hoàng Sâm, Xích Thắng và Hoàng Văn Thái ra một chỗ vắng. Bốn người ngồi xuống một gốc cây lớn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuyên bố: Theo chỉ thị của cấp trên, đội ta thành lập một Chi bộ Đảng, đồng chí Xích Thắng làm thư ký chi bộ. Ban Chỉ huy đội do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên. Còn đồng chí Hoàng Văn Thái có nhiệm vụ cầm lá cờ đỏ sao vàng và đứng ngay cạnh đội trưởng Hoàng Sâm.
Rồi chỉ mấy ngày sau, ông lại là người phất lá cờ đỏ sao vàng giữa đồn giặc trong trận đánh đầu tiên Phay Khắt - Nà Ngần.
Ông Hoàng Văn Thái (người cầm cờ) tại lễ thành lập đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, 12/1944. Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia |
Ông Hùng cũng dẫn lại lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng kể: “Một tuần lễ sau ngày thành lập Đội VN tuyên truyền giải phóng quân, khi trung đội VN tuyên truyền giải phóng quân phát triển thành đại đội thì anh Thái ở trong Ban chỉ huy đại đội và được phân công làm công tác tình báo và tác chiến. Với cảm tình từ đầu, tôi đã thấy ở anh khả năng sau này có thể phụ trách công tác tham mưu của đội quân chủ lực.
Cách mạng Tháng 8 thành công. Với tư cách là người được Ban Thường vụ phân công phụ trách công tác quân sự, tôi đã đề nghị với Bác Hồ và Thường vụ thành lập ngay Bộ Tổng Tham mưu và bổ nhiệm anh Hoàng Văn Thái làm Tổng Tham mưu trưởng”.
Ngày 7/9/1945, tại Bắc Bộ Phủ,
Bác Hồ trực tiếp giao cho ông Hoàng Văn Thái làm Tổng Tham mưu trưởng và
chỉ thị cho ông thành lập Bộ Tổng Tham mưu.
"Lúc nhận chức vụ Tổng Tham mưu trưởng, cha chúng tôi mới 30 tuổi", ông Hùng tự hào kể về cha.
Trong tham luận của mình, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng QĐND VN, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Đại tướng Hoàng Văn Thái đã dành rất nhiều thời gian, công sức, ngày đêm nghiên cứu để tìm hiểu cơ cấu tổ chức, thế nào là công tác tham mưu, chức năng, nhiệm vụ...
Tại lễ khai giảng khóa 1, Trường Sĩ quan Tham mưu đầu tiên (tháng 5/1948), Đại tướng Hoàng Văn Thái nói: “Người sĩ quan tham mưu phải có tài năng, tức là trình độ chính trị, quân sự và chuyên môn giỏi… Về chuyên môn, phải nắm địch, nắm ta rõ ràng, phải biết phân tích tổng hợp, đề ra kế hoạch hay… phải có tác phong cần cù, chính xác, tỉ mỉ, khẩn trương, chủ động, bí mật, khiêm tốn, đoàn kết…”.
|
Tướng Hoàng Văn Thái báo cáo tình hình chiến trường miền Nam với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu
|
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ngoài trọng trách Tổng Tham mưu trưởng, Đại tướng Hoàng Văn Thái còn kiêm nhiệm Tham mưu trưởng và Đảng ủy viên các chiến dịch góp phần làm nên Chiến thắng Biên giới (1950), Trung du (1951), Hòa Bình, Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953). Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bên cạnh Bộ Tổng tư lệnh, ông cũng trực tiếp chỉ huy công tác tham mưu tác chiến tại mặt trận, góp phần quan trọng vào chiến thắng của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, ông được Bộ Chính trị chỉ định làm quyền Bí thư Khu ủy 5, Tư lệnh - kiêm Chính ủy Quân khu 5.
Vị tướng yêu văn nghệ, thích tăng gia trồng trọt
Ông Hùng cho biết, cha ông rất thích tăng gia trồng trọt.
Nhà ông ở số nhà 34 đường Hoàng Diệu trong khu cán bộ quân đội cao cấp. Quanh khu, chỗ nào có đất trống là ông cuốc làm vườn rau, mùa nào thức ấy. Ngoài ra, ông còn trồng nhiều cây ăn quả. Ông coi việc tăng gia không chỉ là để cải thiện sinh hoạt, rèn luyện sức khỏe mà còn để xây dựng ý thức yêu lao động, biết tôn trọng người lao động và quý trọng thành quả lao động.
"Có những tối thứ bảy rảnh rỗi, cả gia đình quây quần tổ chức vui văn nghệ. Cha kéo đàn nhị dạy các con những bài hát kháng chiến và bài “Phất cờ Nam tiến” do cha sáng tác, còn mẹ chơi đàn măng-đô-lin. Tôi nhớ mẹ còn hay hát bài hát 'tủ' của mẹ, 'Bài ca hy vọng'", ông Hùng nhớ lại.
Đoàn quân nhạc chơi bài "Phất cờ Nam tiến" Tết năm 1969. Ảnh: Đại Đoàn Kết |
Bà Hoàng Minh Châu, con gái Đại
tướng cũng cho biết: "Sau này, khi cha đi
B, chúng tôi cũng thỉnh thoảng hát và thu băng cát xét gửi vào cho cha nghe.
Cha rất thích và động viên: Các con đã hát rất nhiều bài hát hay cho ba nghe.
Ba thấy các con thuộc rất nhiều bài hát khó. Giá có nhạc đệm thì hay lắm đấy…”.
"Chúng tôi luôn tự hào về cha", ông Hùng xúc động nói.
Hồng Nhì