- Sinh năm 1981, đang là phó phòng, thế mà nhờ có cuộc thi tuyển công khai, Nguyễn Thùy Yên được bổ nhiệm thẳng lên chức PGĐ Sở Ngoại vụ Quảng Ninh.

Dân chủ chọn người có trí tuệ

Đó là năm 2013. Phó trưởng Phòng Lãnh sự Sở Ngoại vụ Quảng Ninh Nguyễn Thùy Yên, sinh năm 1981, mạnh dạn nộp hồ sơ dự thi tuyển chức Phó giám đốc Sở.

"Tôi cũng lo lắng vì tuổi mình còn quá trẻ so với 5 ứng viên còn lại. Hơn nữa, khi đấy tôi chỉ là phó phòng, trong khi các anh chị cùng thi đều là trưởng phòng”, chị Yên nhớ lại.

{keywords}

Chị Nguyễn Thùy Yên (thứ 3 từ trái qua) được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở Ngoại vụ. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Nhưng với thâm niên 8 năm làm ở Sở, cộng kinh nghiệm từng thuyết trình trên bục giảng và làm phiên dịch tiếng Anh nhiều năm, chị Yên đã tự tin giành số điểm cao nhất (84,7/100) và đươc bổ nhiệm ở tuổi 32.

“Tôi thấy cuộc thi này rất công bằng, cơ hội chia đều cho mọi người. Nếu không tổ chức thi tuyển tôi nghĩ những người trẻ như tôi sẽ không có cơ hội 'thăng chức' nhanh như vậy. Vì bổ nhiệm theo đúng quy trình thì phải đi từng bước, từ phó phòng lên trưởng, rồi mới có thể lên phó giám đốc sở”.

“Cơ chế tuyển dụng một lần hưởng lương suốt đời như lâu nay đang làm thui chột nhân tài. Chúng ta phải thay đổi. Chỉ có dân chủ mới tìm được những người có trí tuệ, loại được người kém"

 Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính

Sau chị Yên, tỉnh Quảng Ninh đã có Phó giám đốc Sở NN&PTNT, và gần đây nhất là Phó giám đốc Đài PT-TH tỉnh, thuộc thế hệ 8X, qua hình thức thi tuyển cạnh tranh.

Trong số 26 Phó giám đốc các sở, ban, ngành được bổ nhiệm qua hình thức này chỉ có 4 người thế hệ 6X.

Từ đâu Quảng Ninh xây dựng cho mình một đội ngũ lãnh đạo ấn tượng như vậy? Theo ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy, “cơ chế tuyển dụng một lần hưởng lương suốt đời như lâu nay đang làm thui chột nhân tài. Chúng ta phải thay đổi. Chỉ có dân chủ mới tìm được những người có trí tuệ, loại được người kém".

Nói là làm. Quảng Ninh đã trở thành địa phương tiên phong trong việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo từ năm 2012 đến nay.

Từ doanh nghiệp đến Phó chủ tịch TP Hạ Long

Kể quá trình “đãi cát tìm nhân tài”, Phó bí thư thường trực tỉnh ủy Đỗ Thị Hoàng cho biết, năm 2006, Quảng Ninh bắt đầu xây dựng quy chế bổ nhiệm cán bộ thông qua thuyết trình đề án. Đây cũng chính là tiền đề của việc thi tuyển cạnh tranh sau này. Tuy nhiên, cách làm này chỉ dành cho những cán bộ trong diện quy hoạch của các ngành. Khi ấy chưa thi nhưng ứng viên muốn lên làm lãnh đạo đều phải chuẩn bị đề án "nếu được làm lãnh đạo quản lí thì sẽ làm gì" và phải trình bày trước hội đồng phản biện.

{keywords}

Phó chủ tịch UBND TP Hạ Long Hồ Quang Huy (phải)

“Năm 2012 chúng tôi chính thức ban hành quy chế thi tuyển. Từ đó chúng tôi mở rộng đối tượng, mở rộng thành phần ban giám khảo và có các quy định về tiêu chuẩn cán bộ trong thời kì công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, tức là không chỉ chuyên môn mà còn cả ngoại ngữ, tin học”, bà Hoàng kể.

Bà Hoàng cho biết từ đó đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã bổ nhiệm 62 vị trí lãnh đạo. Riêng cấp tỉnh mới thi tuyển được 13 vị trí nhưng bổ nhiệm 26 người. “Vì tỉnh có nguyên tắc người đỗ thứ nhất thì bổ nhiệm vào vị trí đó, nhưng người đạt điểm giỏi trở lên vẫn được bảo lưu kết quả để bổ nhiệm ở vị trí có chức năng tương ứng. Vì vậy tuy tổ chức thi tuyển 13 vị trí nhưng tỉnh bổ nhiệm được 26 người”.

Phó bí thư Đỗ Thị Hoàng cũng khẳng định qua các cuộc thi này, tác động về tình cảm hay lợi ích khác không làm ảnh hưởng đến kết quả chung. Vì tỉnh đưa ra quy chế rất chặt, nếu ai chấm thiên vị mà có mức chênh lệnh trên 20% sẽ bị loại ngay. Thêm vào đó, ban giám khảo lên đến 18 người. Trong đó có Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng với cơ quan có đối tượng thi tuyển, cơ quan tham mưu về tổ chức nhà nước, các nhà khoa học và chuyên gia cùng chấm. Thi tuyển luôn công khai và có quay phim, ghi hình trực tiếp, với sự giám sát của các cơ quan báo chí.

Thi tuyển tạo được động lực cho không chỉ ở nội bộ các cơ quan hay gói gọn trong những cán bộ đã được quy hoạch, mà thu hút cả người “ngoại đạo” như doanh nghiệp hay người ở tỉnh thành khác, kể cả những người chưa phải là đảng viên. “Thực tế đã có người từ doanh nghiệp dự thi, trúng tuyển và được bổ nhiệm rồi”, bà Hoàng dẫn chứng.

Đó chính là anh Hồ Quang Huy, nguyên Giám đốc khu vực miền Bắc ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank). Sinh năm 1977, anh là ứng viên duy nhất từ một doanh nghiệp thi vào vị trí Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, đạt thang điểm giỏi và được bảo lưu kết quả. Tháng 9/2014 vừa qua, anh được HĐND TP Hạ Long bầu làm Phó chủ tịch UBND TP.

Nhớ lại lúc đi thi, anh Huy kể: “Tôi bốc thăm trúng số 1 nên cũng bị áp lực về tâm lí. Lần đầu tiên tôi đứng trước một hội đồng mười mấy người và bị 'xoay' đến 20 câu hỏi”.

"Cuộc thi này rất công khai. Ban giám khảo đến mười mấy người gồm: Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Nội vụ, trong khi mình lại là người ngoài ngành. Nếu có dư luận là 'thi chỉ là hình thức chứ đã chọn trước hết rồi' thì không có ứng viên nào có thể quen biết hết ngần ấy người", anh Huy khẳng định

Anh Huy cho biết, khi nắm giữ vị trí Phó chủ tịch thành phố, áp lực là rất lớn. "Nhưng tôi nghĩ làm việc mà không áp lực thì không phải là làm việc".

Theo Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Đỗ Thị Hoàng, có một ứng viên ngoài tỉnh dự thi vào vị trí Phó giám đốc Sở KHCN nhưng không trúng tuyển. “Không phải vì bạn này ngoài tỉnh mà vì đề án của bạn ấy thiếu mất một vế. Dù làm ở Bộ KHCN nhưng khi trao đổi các nội hàm quản lí nhà nước về KHCN thì bạn có ít kiến thức, dù có ưu điểm là tiếp thu được khá nhiều ý tưởng về phát triển KHCN của các nước cũng như của quốc gia”, bà Hoàng tiếc nuối.

Thu Hằng

Bài tiếp: Thi tuyển lãnh đạo: Sẽ hết cửa 'chạy': Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn tin tưởng rằng đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo sẽ chống được tiêu cực chạy chức chạy quyền.

Dân chủ hóa công tác cán bộ