- Trong suốt những năm sinh sống và làm việc tại Sydney, thủ phủ tiểu bang New South Wales, Australia, điều mà tôi ấn tượng nhất là cách mà chính quyền ở đây xanh hóa thành phố và luôn hướng về dân trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Tòa nhà ấn tượng nhất hành tinh

Mỗi lần đi qua đường Broadway ở trung tâm Sydney, tôi lại dừng chân và mê mẩn ngắm nhìn Toà cao ốc One Central Park mới mọc lên hồi cuối năm 2013. Tháng 11/2014, One Central Park đã được Hội đồng Nhà cao tầng và Đô thị có trụ sở tại Mỹ trao danh hiệu toà nhà cao tầng ấn tượng nhất hành tinh nhờ những thiết kế xanh nổi bật đạt chất lượng “5 sao”.

{keywords}
Tòa cao ốc One Central Park. Ảnh: oculus.info

One Central Park trông như một vách núi Blue Mountains (khu cảnh quan tự nhiên hùng vĩ bậc nhất tiểu bang New South Wales) tự nhiên khổng lồ xanh mát đặt giữa  thành phố với sự che phủ của 21 mảng  tường xanh thẳng đứng. Trên diện tích 1.120 m2, có 35.200 cây thuộc 450 loài cây khác nhau đã được trồng cấy, gồm khoảng 250 loại cây tự nhiên địa phương như cây keo. Điều đặc biệt là các cây này có khả năng phát triển không cần tới đất nhờ rễ cây được bọc trong lớp lưới ngâm trong nước khoáng; cây được tưới bằng hệ thống tưới nhỏ giọt điều khiển từ xa với hơn 70.000 vòi tưới.

Có thể nói, One Central Park chính là biểu tượng cho xu thế xây dựng các toà nhà kết hợp với hệ thống cây xanh thẳng đứng ở thành phố Sydney, thực sự chiếm được cảm tình của người dân địa phương và du khách qua đây. Toà cao ốc này không xa lạ với các sinh viên quốc tế, trong đó có nhiều sinh viên Việt Nam, bởi nó nằm gần 2 trường đại học lớn của Sydney là ĐH Sydney và ĐH Công nghệ Sydney.

Khi trò chuyện với người dân bản xứ, không ít người bày tỏ với tôi sự lo ngại về tình trạng biến đổi khí hậu và tốc độ đô thị hoá ngày càng nhanh tại Australia.

Có lẽ hiểu được lòng dân, chính quyền Sydney đang thử nghiệm chính sách Xanh hóa thành phố, kêu gọi dân chúng và các doanh nghiệp trồng cây trên mái nhà, biến tường công sở thành tường cây xanh để cải thiện chất lượng không khí, tăng cường đa dạng sinh học, đồng thời tạo thêm không gian sản xuất thực phẩm và thư giãn cho người lao động.

Người dân cũng sáng tạo nhiều cách thức trồng cây trên mái nhà, từ việc trồng trong các hộp xốp đơn giản cỡ nhỏ cho tới phát triển thành cả khu vườn rộng hàng ngàn m2.

{keywords}

Người dân Sydney hưởng thụ “vườn trong phố”. Ảnh: Dương Giang

Đến nay, ít nhất 96.000 m2 mái nhà và tường khắp thành phố Sydney đã được phủ cây xanh, tương đương diện tích của 230 sân bóng rổ. Trong số này, toà nhà ở số 1 phố Bligh đang giữ danh hiệu toà nhà có bức tường Xanh lớn nhất Australia, với 11.000 cây xanh phủ kín bức tường cao 40 mét. Hiện mỗi tuần, Hội đồng thành phố nhận được ngày càng nhiều đơn xin được phủ xanh các toà nhà.

Chính quyền hỏi ý dân, tặng cây cho dân

Mặc dù bước đầu được dư luận đánh giá cao, chính quyền Sydney vẫn cẩn trọng hỏi ý kiến người dân, đồng thời thực hiện các nghiên cứu khoa học về tác động của việc trồng cây trên mái nhà và tường tới môi trường, an ninh an toàn xây dựng. Chính quyền cũng phân loại các loại cây trồng thích hợp cũng như địa điểm triển khai hiệu quả trước khi đưa ra chính sách chính thức Xanh hóa thành phố.

Hôm 21/3 vừa qua, Hội đồng thành phố Sydney đã tặng hơn 1.000 cây giống cho người dân để khuyến khích “phủ xanh cộng đồng”, tiến tới mục tiêu tăng độ che phủ cây xanh đô thị lên 50% trong 15 năm tới.

{keywords}
Bức tường Xanh lớn nhất Australia. Ảnh: greenroofaustralia

Mỗi hộ gia đình được tự do lựa chọn 2 cây giống nhỏ trong tổng số 21 loài cây gồm: trà hương chanh, việt quất, hoa hồng… Riêng các khu chung cư, trường học, công sở được phát tối đa 5 cây xanh. Chính quyền còn tận tình tổ chức bữa tiệc barbecue miễn phí ở công viên Sydney để hướng dẫn người dân cách trồng cây tốt nhất.

Trên website của Hội đồng thành phố, Thị trưởng Sydney Clover Moore cho biết trong thập kỷ qua, Sydney đã có thêm khoảng 10.250 cây xanh và con số này sẽ gia tăng thời gian tới. Ông tự hào: "Đến nay chúng tôi đã có khoảng 42.000 cây xanh phủ khắp các đường phố và công viên Sydney, không chỉ tạo nên vẻ tươi đẹp cho thành phố mà còn giúp thanh lọc không khí, tạo nơi cư trú cho các loài động vật và chim chóc”.

Với những trường hợp vi phạm luật bảo vệ cây xanh, chính quyền Sydney nói riêng và các tiểu bang khác tại Australia có chế tài xử phạt rất nghiêm khắc. Nhớ lại thời gian đầu tới Sydney, tôi vẫn giữ nguyên thói quen “chặt cây, bẻ cành” hái lộc đầu Xuân như ở nhà. Những người bạn Việt Nam sống lâu năm ở Sydney biết chuyện lập tức khuyên ngăn, cho biết tôi có thể “tán gia bại sản” vì bị triệu ra tòa và xử phạt cho hành vi này.

Ở nhiều vùng tại Sydney, nười dân muốn chặt bỏ hoặc tỉa cành các cây cao trên 3,5 mét, có tán lá rộng hơn 3 mét dù trong vườn nhà mình cũng phải xin phép chính quyền địa phương. Người chặt cây trái phép một cách nghiêm trọng có thể bị phạt tiền trên 1 triệu USD.

Năm 2012, Hội đồng quận Kogarah đã phạt một nữ công dân tới 40.000 USD vì tội di dời 5 cây và tỉa cành 2 cây mà không xin phép. Đó quả là bài học đắng cho những ai thiếu tôn trọng “linh hồn của cây”.

Rời Sydney trở về Hà Nội, tôi luôn ao ước Thủ đô ta cũng có những chính sách môi trường hợp với lòng dân như thế.

Dương Giang

Không xử lý vụ cây xanh kiểu 'hòa cả làng' .