- Sẽ có hàng triệu lao động bước vào tuổi hưu không có thu nhập từ lương hưu do không có BHXH. Gánh nặng này sẽ thuộc về Nhà nước.
Hội thảo "Hướng tới bảo đảm an sinh xã hội và triển khai thi hành luật BHXH" do UB Các vấn đề xã hội QH, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động VN và Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN tổ chức sáng nay tại Hà Nội.
Nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH Phạm Đỗ Nhật Tân nhận định, luật BHXH năm 2014 đã khắc phục cơ bản những hạn chế, bất cập về chính sách, chế độ BHXH thực thi thời gian qua. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra một số thách thức trong việc triển khai thi hành luật.
Toàn cảnh hội thảo |
Theo ông, người lao động, người sử dụng lao động chưa tự giác và chủ động, dẫn đến thiếu trung thực trong kê khai, gian lận về số lượng đối tượng tham gia BHXH theo luật định và đóng không đúng, không đủ.
Hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện luật BHXH chỉ giới hạn ở một số điều, khoản được giao trong khi không ít điều nếu không được làm rõ sẽ tạo ra những khó khăn trong việc tổ chức triển khai thực hiện.
Một bất cập nữa được ông Tân nêu ra về tính công khai, minh bạch trong cung cấp thông tin các vấn đề liên quan tới việc quản lý đối tượng, giải quyết các chế độ thụ hưởng đối với người lao động, đơn giản về thủ tục hồ sơ... trong khi bộ máy thực hiện còn không ít hạn chế, bất cập về năng lực cán bộ.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp kiêm Chủ tịch Hội đồng người sử dụng lao động tỉnh Hải Dương Nguyễn Hữu Đoan thì bày tỏ sự nghi hoặc, phải chăng các nước văn minh hiện nay thực hiện an sinh xã hội bền vững do luật của họ tiến bộ, phù hợp, nhất quán chứ không phải thay đổi, rườm rà, phức tạp như ta.
"Từ người quản lý, người lao động đến các đối tượng khi tham gia BHXH, phải để người ta yên tâm khi được hưởng chế độ, bỏ đồng tiền ra họ yên tâm rằng không phải lo mua nhà riêng, đất riêng khi sa cơ lỡ vận", ông Đoan nói.
Còn Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Thùy thì cho rằng, ngành bảo hiểm phải đổi mới tư duy hành chính sang tư duy phục vụ, "không phải cứ ngồi phòng máy lạnh đợi người đóng bảo hiểm lên nộp mà nên đi xuống tới người dân".
Đề xuất đưa tội trốn đóng BHXH vào bộ luật Hình sự
Theo Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, tính đến 31/12/2014, số người tham gia BHXH là 11.647.784, trong đó số người tham gia BHXH bắt buộc là 11.451.530 người, tham gia bảo hiểm thất nghiệp 9.213.302 người, tham gia BHXH tự nguyện 196.254 người. Số người tham gia BHXH bắt buộc mới chiếm khoảng hơn 70% tổng số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.
Nhận thấy tỷ lệ tham gia BHXH còn thấp - chỉ hơn 20% tổng lực lượng lao động, bà Mai cho hay, tương lai sẽ có hàng triệu lao động bước vào tuổi hưu không có thu nhập từ lương hưu và gánh nặng này sẽ thuộc về Nhà nước.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai. Ảnh: Minh Quang |
"Lần này sửa đổi chính sách, chúng ta tiếp tục mở rộng đối tượng, tạo điều kiện cho cán bộ không chuyên trách tham gia với việc Nhà nước hỗ trợ 14%. Hai là mở rộng đối tượng phi chính thức, thông qua việc hỗ trợ của Nhà nước", bà Mai yêu cầu.
Phó Tổng giám đốc BHXH VN Đỗ Văn Sinh kiến nghị nên bổ sung vào bộ luật Hình sự tội trốn đóng BHXH, tội chiếm dụng tiền BHXH của người lao động trong trường hợp trích tiền đóng BHXH của người lao động nhưng không nộp cho cơ quan BHXH trong thời gian dài, đã bị xử phạt hành chính nhưng tiếp tục vi phạm.
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh cần tăng cường thông tin, truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, đặc biệt là nông dân.
Hồng Nhì