- Chúng ta đi tìm cách thức lựa chọn cán bộ tốt nhất, vì thế chẳng có bất cứ vấn đề gì mà phải giằng co khi thực hiện - Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng thẳng thắn trao đổi với VietNamNet về một trong những việc liều nhất trong năm mà Bộ dám làm: thi tuyển lãnh đạo.
Việc liều nhưng thực ra cơ sở Bộ GTVT dựa vào để tiến hành thi tuyển cán bộ là Kết luận hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành TƯ khóa X về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020 và Kết luận 24 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, bám sát các quy định và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã xây dựng đề án thí điểm thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN và thí điểm thi tuyển chức danh cấp trưởng đối với một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
Cho đến nay đã có 5 kỳ thi tuyển và chọn được 5 lãnh đạo tại Tổng cục Đường bộ VN, Vụ Vận tải, Vụ An toàn giao thông, Vụ Quản lý doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN gần đây nhất là Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay VN.
Sao phải giằng co?
Nhưng liệu có áp lực nào trong việc thực hiện, thưa Bộ trưởng?
Nếu có áp lực nào đó thì chỉ là áp lực về thời gian và cách thức thực hiện làm sao cho tốt nhất. Với một việc chưa từng có tiền lệ, chưa có bất cứ kinh nghiệm nào để tham khảo, thì bắt đầu như thế nào, tiến nó ra sao luôn phải được thảo luận rất kỹ.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng: Phải nhanh chóng phổ cập việc thi tuyển chức danh lãnh đạo. Ảnh: Trần Hải |
Chúng tôi đã làm việc đó trên tinh thần minh bạch, công khai và dân chủ. Mọi đề xuất đều được xem xét, phân tích, tranh luận một cách chân thành.
Như trong thành phần giám khảo, tôi đề xuất Bộ trưởng không nên có mặt. Nhiều người chất vấn: Tại sao phải như vậy?
Tôi lập luận: Nếu Bộ trưởng ngồi ban giám khảo chắc chắn gây căng thẳng không cần thiết cho thí sinh, nhưng quan trọng hơn là sự có mặt của Bộ trưởng, người sẽ ký quyết định bổ nhiệm, thì việc dựa trên kết quả chấm thi sẽ khó có thể khách quan được.
Thực ra, cách bổ nhiệm như chúng ta vẫn làm hay thông qua thi tuyển đều có mục tiêu chung là tìm ra được những cán bộ xứng đáng nhất cho những vị trí cụ thể. Nó hoàn toàn nằm trong định hướng, quan điểm của Đảng về lựa chọn nhân tài từ trước tới nay.
Thi tuyển chức danh lãnh đạo như Bộ GTVT đang làm mới chỉ ở mức thể nghiệm và nằm trong hành trình chúng ta đi tìm cách thức lựa chọn cán bộ tốt nhất, vì thế chẳng có bất cứ vấn đề gì mà phải giằng co khi thực hiện.
Xóa thói quen dựa dẫm quan hệ
Thưa Bộ trưởng, những bài học nào thông qua cách thức tuyển dụng, thi tuyển cán bộ như vậy mà Bộ thực sự thấm thía?
Việc tổ chức thi tuyển, về mục tiêu là để lựa chọn được những cán bộ có tài, có đức cho những vị trí lãnh đạo cụ thể, nhưng nó đã tác động mạnh đến hàng loạt vấn đề, làm rõ ra nhiều chuyện và đưa ra những khuyến cáo quan trọng không chỉ riêng cho công tác tổ chức bộ máy.
Tôi chỉ xin đơn cử một ví dụ. Muốn tổ chức thi tuyển cán bộ thực chất và trung thực, thì phải xử lý được căn bản tệ nạn quan liêu, bệnh giấy tờ, chuộng nghe và đánh giá người khác qua báo cáo thành tích.
Mà muốn sửa chữa những tệ nạn, những bệnh tật này của bộ máy thì phải triệt để cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, gắn công việc với trách nhiệm… Nói gọn lại là phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách quan niệm về lớp kế cận, thay đổi trong tư duy lãnh đạo.
Những đòi hỏi thay đổi này, đến lượt nó, kéo theo đòi hỏi phải kiện toàn và hoàn thiện bộ máy. Và cuối cùng là áp lực về chất lượng công việc, khả năng hoàn thành nhiệm vụ đòi hỏi những năng lực cụ thể ở mỗi người…
Bài học quan trọng nhất mà chúng tôi rút ra được qua những kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo là phải nhanh chóng phổ cập công việc này, thậm chí có thể ở cả những chức vụ cao hơn cấp tổng cục và nên được mở rộng sang mọi lĩnh vực, dần dần trở thành một khâu quan trọng khi quy hoạch và lựa chọn cán bộ.
Lãnh đạo Bộ đặt quyết tâm rất cao, coi đây là một nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm với tương lai của ngành.
Để có được những thí sinh chất lượng, ngoài công tác thẩm định hồ sơ của người đăng ký dự thi có sự tham gia đầy đủ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các cơ quan có liên quan, thí sinh nhất thiết phải vượt qua vòng “sơ khảo” mà “giám khảo” là thời gian họ tham gia công tác và dư luận công chúng.
Công chúng tôi nói đến ở đây là cán bộ, công nhân viên trong ngành, trong đơn vị mà họ công tác, là dư luận xã hội nơi họ sinh sống. Nếu không có những sự sàng lọc, chuẩn bị này, cuộc thi dễ thành vu vơ, vô nguyên tắc, thậm chí có thể dẫn đến những lầm lẫn tai hại khi bổ nhiệm.
Việc tổ chức thi trước hết phải bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất quản lý về công tác cán bộ. Khi thực hiện thì từng khâu nhỏ đều phải khách quan, công khai, dân chủ, minh bạch.
Thành viên ban giám khảo phải được lựa chọn kỹ và hợp lý với từng chuyên ngành dự thi. Các thành viên đều phải có uy tín về học vấn và đạo đức, am hiểu con người, am hiểu công tác quản lý cũng như các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến công việc của chức danh thi tuyển. Việc chấm thi phải khách quan, công bằng, công tâm và chịu sự giám sát chặt chẽ của lãnh đạo và dư luận.
Nội dung bài thi phải nhằm vào việc phát huy được khả năng tư duy, trình độ hiểu biết, ứng biến linh hoạt trong xử lý các tình huống và phương pháp tiếp cận vấn đề của người dự thi.
Sai phải sửa
Có hai vấn đề nhìn từ câu chuyện tuyển dụng cán bộ, lãnh đạo của Bộ: Người tài giỏi thực sự hoàn toàn có thể tin rằng anh sẽ có cơ hội thật để thể hiện bản lĩnh, khả năng chuyên môn, lãnh đạo của mình. Ngược lại, những ai làm việc không hiệu quả, yếu năng lực có thể bị thay thế. Nhưng để thực hiện một cách đúng nghĩa bản chất của quy trình tiếp nhận và đào thải chất lượng như vậy, theo ông phải bảo đảm điều gì, nhìn từ những bài học của Bộ GTVT?
Hai mặt của vấn đề mà bạn vừa nêu, bao trọn bản chất và mục tiêu công việc Bộ GTVT đã làm. Chúng ta cần người có đức, có tài, có trách nhiệm với công việc. Song song với nó, chúng ta cần nhanh chóng thay thế những người yếu kém về năng lực cũng như phẩm chất so với vị trí mà họ đảm nhận. Đây cũng là cách thức thực hiện công bằng xã hội. Quá trình này vừa mang tính quy luật phát triển vừa mang tính nhân quả.
Về mặt thể chế, mọi chính sách về nhân sự cần phải đạt được mục tiêu trên. Không ai có thể nghi ngờ những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội của trong vấn đề quan trọng này suốt những năm qua.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện, vì những lý do chủ quan và khách quan, vì truyền thống văn hóa và thói quen ứng xử và vì nhiều nguyên nhân khác mà không phải lúc nào mọi thứ cũng chính xác như chúng ta mong muốn. Ngoài độ sai số tự nhiên, có cả những yếu tố nhân tạo, do cơ chế đẻ ra.
Sai thì phải sửa, chưa phù hợp thì cần điều chỉnh. Lịch sử đã chứng minh, phẩm chất và năng lực đó là một phần sức mạnh của thể chế. Những nỗ lực tổ chức thi tuyển lãnh đạo tại một số chức danh của Bộ GTVT - cũng là thực hiện chủ trương, chiến lược về con người của Đảng - thực chất là một bước thể nghiệm cải cách quan trọng trong lĩnh vực cán bộ, tổ chức bộ máy do Đảng chủ trương.
Tuyển vụ trưởng, cục trưởng, hiệu trưởng, tổng giám đốc Năm 2015, ngoài thi tuyển TGĐ Tổng công ty Quản lý bay VN, Bộ GTVT sẽ tiếp tục thi tuyển chọn Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Cục trưởng Cục Đường sắt VN, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải, Vụ trưởng Vụ Môi trường, Người đại diện phần vốn nhà nước để giới thiệu tham gia ứng cử Chủ tịch HĐQT tại Tổng công ty Hàng hải VN, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng GTVT II, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế. |
Vũ Điệp