- Sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về dự án bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đại biểu QH tại kỳ họp thứ 8 và dự thảo nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, để chuẩn bị cho việc báo cáo QH về dự án bộ luật này tại kỳ họp thứ 9, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Văn phòng QH, Ủy ban Pháp luật QH nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý một bước dự thảo.
Dự kiến một số vấn đề lớn sẽ được xin ý kiến UBTVQH để tiếp tục chỉnh lý dự thảo phục vụ cho việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu. Ảnh: Minh Thăng |
Bộ luật Dân sự hiện hành quy định 6 hình thức sở hữu. Dự thảo sửa đổi quy định 2 phương án về hình thức sở hữu. Phương án 1 quy định hình thức sở hữu trong bộ luật gồm sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung.
Phương án 2 chỉ có sở hữu riêng và sở hữu chung, trong đó, sở hữu toàn dân thuộc hình thức sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Về quyền nhân thân, dự thảo sửa đổi về cơ bản tiếp tục quy định các quyền nhân thân như trong bộ luật hiện hành, tuy nhiên, có sửa đổi và bổ sung một số quyền nhân thân được quy định trong Hiến pháp năm 2013 (quyền lập hội, quyền tiếp cận thông tin, quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể, quyền được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân...).
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, có ý kiến cho rằng, bộ luật Dân sự không nên quy định theo cách liệt kê tất cả các quyền nhân thân của cá nhân mà chỉ nên quy định những quyền nhân thân của cá nhân trong các quan hệ dân sự. Loại ý kiến thứ hai nhất trí với quy định như trong dự thảo, theo đó, các quyền nhân thân của cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên phải được ghi nhận đầy đủ và cụ thể hóa trong bộ luật Dân sự.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh, những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau cần đưa ra các phương án để lấy ý kiến nhân dân.
Toàn bộ dự thảo bộ luật Dân sự (sửa đổi) sẽ được đưa ra lấy ý kiến người dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Nhiều ủy viên UBTVQH cho rằng thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ 15/1/2015, kết thúc ngày 31/3/2015 rơi vào dịp Tết nên khó đảm bảo hiệu quả, do đó cần kéo dài đến 15/4/2015. Nhưng theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, đây chỉ là thời hạn quy định, tinh thần sau mốc thời gian trên vẫn tiếp tục tiếp thu, tổng hợp ý kiến với tinh thần cầu thị, chắt lọc, khách quan. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, từ kinh nghiệm của các lần lấy ý kiến trước, Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể đối với các ngành, địa phương để việc lấy ý kiến thiết thực, hiệu quả, tránh lãng phí. Cần có biện pháp chống lợi dụng việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân để gây rối tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội. |
Thái Bình