- Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH Trịnh Ngọc Thạch nhận định cả Thủ tướng và các bộ trưởng đều đang quản lý quá chi tiết, thiếu thời gian cho chức năng quan trọng của mình là định hướng chiến lược.

Thảo luận tại tổ về dự thảo luật Tổ chức Chính phủ sáng nay, ĐB Hà Nội này nói: "Thủ tướng không phải người quản lý mà là người lãnh đạo. Thủ tướng đang làm những việc rất nhỏ như ký quyết định thành lập một khoa của một trường ĐH".

"Đất nước không thể bay bổng được nếu Thủ tướng không có thời gian để nghĩ việc lớn", ông Trịnh Ngọc Thạch nói.

{keywords}
ĐB Trịnh Ngọc Thạch

ĐB Trần Thị Quốc Khánh cùng đoàn cũng thấy "dự thảo quy định chức năng, nhiệm vụ của Thủ tướng đến mấy trang, Thủ tướng có khi cũng không thể nhớ hết". Theo bà, chỉ cần ghi "Thủ tướng chỉ đạo và quản lý những người đứng đầu các cơ quan hành chính ở địa phương và trung ương".

Nhưng thẩm quyền của Thủ tướng thì đọc mãi vẫn thấy thiếu, bà Khánh chỉ ra, đó là quyền cách chức, bổ nhiệm trong bộ máy của mình.

"Điều này thể hiện rõ nhất trách nhiệm của người đứng đầu bộ máy hành chính cao nhất nước. Ví dụ, vụ việc mấy ông Vinashin vừa rồi mà Thủ tướng cứ phải xin ý kiến, chờ thẩm định mãi mới xử lý được", ĐB Hà Nội nhận xét.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm có chung quan điểm: Luật phải quy định quyền hạn của Thủ tướng đối với vấn đề cán bộ, để ông có quyền, không cảm thấy vướng, khó, ràng buộc rồi đổ thừa cho cơ chế khi bộ máy thuộc Chính phủ vận hành không tốt.

"Thủ tướng thấy bộ trưởng A, B không điều hành được thì có quyền ít ra là đề xuất đình chỉ chức vụ, nếu đình chỉ không đúng thì Thủ tướng phải chịu trách nhiệm. Nếu không thì không đảm bảo hiệu lực điều hành của Thủ tướng, nhất là trong tình hình hiện nay", bà Tâm nói.

"Chuyện cán bộ cuối cùng vẫn là Đảng quyết định, nhưng phải có thẩm quyền cho người đứng đầu. Nếu sợ người đứng đầu độc đoán, độc quyền, trù dập cán bộ hay cục bộ thì đã có cơ quan Đảng quản lý họ, có Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương".

Bộ trưởng chính là Thủ tướng trong lĩnh vực của mình

Giống như Thủ tướng, các bộ trưởng, theo ĐB Trịnh Ngọc Thạch, cũng đang không khác gì người quản lý, cầm tay chỉ việc, trong khi người có chức năng quản lý cao nhất là các thứ trưởng.

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền cũng thấy ngạc nhiên khi "những vụ việc nhỏ thì lên tận Thủ tướng để xử lý": Từ vụ việc ở Tiên Lãng đến chuyện xử lý tài sản của Vinashin, Vinalines, đều xin ý kiến Thủ tướng, thế ba cấp chính quyền địa phương, các bộ ngành chủ quản đâu rồi?

Theo ông Quyền, các bộ trưởng là người chịu trách nhiệm cuối cùng về mọi vấn đề trong lĩnh vực mình quản lý, "là Thủ tướng, là Chính phủ trong lĩnh vực đó", mọi khiếu nại tố cáo đến bộ là cuối cùng. Luật Khiếu nại tố cáo và luật Thanh tra đã làm rõ được điều này, trong quản lý nhà nước cũng phải như vậy.

Vì thế ông Quyền thấy dự thảo luật Tổ chức Chính phủ vẫn cũ khi chưa làm rõ được chủ thuyết "tăng cường chế độ trách nhiệm".

"Qua tổng kết thực hiện pháp luật, cái nổi lên nhất trong điều hành mọi lĩnh vực của đời sống xã hội là trách nhiệm. Ở các nước, có vụ việc gì là có ngay địa chỉ người chịu trách nhiệm, nhưng ở nước ta, do luật rất mơ hồ về chế độ trách nhiệm nên không có cơ sở xác định ai chịu trách nhiệm trực tiếp, ai liên đới, dẫn đến xác định rất chủ quan", ông Quyền cho rằng nếu các luật về tổ chức không làm rõ được điều này thì phải luật Công vụ riêng.

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) cũng chưa thấy rõ "đối với chính ngành mình thì bộ trưởng có trách nhiệm gì": Khi phát sinh vấn đề, sự cố, ĐBQH chất vấn trách nhiệm thì bộ trưởng không chỉ dừng lại ở giải trình, mà phải rõ được trách nhiệm của bộ trưởng.

ĐB Nguyễn Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cũng chỉ ra: Trách nhiệm chỗ thì trùng lắp, ví dụ vệ sinh an toàn thực phẩm, bao nhiêu ngành tham gia, nhưng vẫn không rõ ai chịu trách nhiệm chính, lại có chỗ bỏ sót.

Theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, trách nhiệm của các bộ trưởng cũng phải có sự phân cấp vì "tất cả đều quy cho bộ trưởng thì ai mà làm được".

"Người quản lý ngành chỉ đặt ra tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm các giám đốc sở, còn bổ nhiệm ai là giao hoàn toàn cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Bổ nhiệm không đúng tiêu chuẩn, điều kiện thì bộ trưởng kiểm tra, đình chỉ, đề nghị...", ông Lưu phân tích.

"Chứ ví dụ dân đang bức xúc chuyện y tế, như tiêm nhầm thuốc ở một bệnh viện dưới huyện, dưới xã. Đúng là bộ trưởng phải chịu trách nhiệm về quy hoạch, chiến lược, phải đề ra biện pháp khắc phục, phòng ngừa, nhưng chỉ là một phần trách nhiệm, còn trách nhiệm chính là của địa phương chứ".

Nói chuyện trách nhiệm của bộ trưởng, các ĐB cũng lưu ý việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. ĐB Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) thấy đã có nghị quyết của QH về lấy phiếu tín nhiệm thì cũng nên đưa nội dung này vào luật Tổ chức Chính phủ vì liên quan đến chuyện từ chức.

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa còn đề nghị ngày trong Chính phủ có việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và cơ chế từ chức, không cần chờ QH.

C.Hoàng - X.Linh - H.Nhì - T.Lý - T.Vũ - Ảnh: M.Thăng

>> Làm bộ trưởng vừa khó vừa dễ